Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bạc Liêu ban hành quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng

27/04/2020 | 08:27

Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng; Nhiều kết quả trong việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; Tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại Bạc Liêu và Cà Mau.

Bạc Liêu ban hành quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/daidoanket.vn

Bạc Liêu: Ban hành quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng

UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng trên địa bàn. Quy chế gồm 3 Chương, 12 Điều, quy định mục đích, nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng trên địa bàn.

Các nguyên tắc phối hợp bao gồm: Tuân thủ quy định của pháp luật, nguyên tắc hoạt động của mỗi cơ quan; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Đảm bảo sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng; chủ động, thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ công việc; đảm bảo việc cung cấp thông tin và chế độ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật. Bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất, hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; không cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của nhau. Phối hợp trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan; đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc vượt quá thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh xem xét.

Cũng theo Quy chế, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh có trách nhiệm tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội tín ngưỡng và cơ sở tín ngương là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc đã được UBND tỉnh công nhận di tích của địa phương; Hướng dẫn thủ tục cho các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về công tác quản lý nhà nước, tổ chức các hoạt động lễ hội tín ngưỡng, cơ sở tín ngưỡng và các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn không tổ chức các lễ hội có hành vi phản cảm, các nghi lễ có tính bạo lực, mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin… gây mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; Phát hiện, hỗ trợ việc thực hành, truyền dạy và tôn vinh cá nhân, cộng đồng trong việc bảo tồn thực hành các loại hình tín ngưỡng là di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật, đồng thời thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ công tác tín ngưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng và Nhà nước về di sản văn hóa; quản lý và tổ chức lễ hội, đồng thời thực hiện các công việc chuyên môn theo quy định của pháp luật.

Cà Mau: Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Theo Báo cáo tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho thấy, công tác quản lý nhà nước và các hoạt động sự nghiệp về gia đình trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện tốt, đem lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng mô hình gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Cụ thể, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững; Xây dựng điểm các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh; Các nội dung về công tác gia đình được lồng ghép gắn với Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Thành lập các mô hình gia đình, các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; Phát hành các loại tài liệu tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Triển khai chiến lược và chương trình mục tiêu về công tác gia đình…

Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình; Thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình trong xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc bền vững"; Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở; Tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội…

Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đáp ứng được yêu cầu hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự phối hợp của các ngành, các cấp, thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh Cà Mau từng bước được đầu tư cơ bản, phục vụ tốt các hoạt động tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Thông qua các thiết chế văn hóa đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến chất lượng hoạt động của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu và trở thành giải pháp quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII "Về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Một số kết quả đạt được như: UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2017 – 2020; Sở VHTTDL ban hành Hướng dẫn số 01/HD-SVHTTDL ngày 25/5/2014 về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 06 và tiêu chí số 16 trong bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2017 – 2020. Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, huyện, xã, ấp, khóm được đầu tư xây dựng, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động hiệu quả, phát huy tốt công năng sử dụng…

Có 80% số đơn vị hành chính xã có Trung tâm Văn hóa – Thể thao, trong đó được đầu tư trang thiết bị và dành 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em; 30% đơn vị hành chính cấp huyện có Nhà Thiếu nhi; 100% số đơn vị cấp tỉnh có Trung tâm Văn hóa, Cung Văn hóa lao động, Nhà Thiếu nhi hoặc Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi./.


Thanh Thủy (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×