Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Kạn từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

29/08/2019 | 16:24

Trong những năm gần đây, dù đã có bước phát triển tích cực, nhưng lĩnh vực du lịch của tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Bên cạnh các yếu tố khác thì có nguyên nhân nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, đòi hỏi cần có sự quan tâm hơn.

Bắc Kạn từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch - Ảnh 1.

Hướng dẫn du khách tham quan động Hua Mạ, thuộc quần thể du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể.

Theo Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, trong đó tập trung chủ yếu hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm khoảng 55%), số còn lại làm việc trong các khu, điểm du lịch, nhà hàng, các doanh nghiệp lữ hành và cán bộ quản lý nhà nước về du lịch.

Trong số gần 1.000 người đang làm việc trong lĩnh vực này, lực lượng lao động phổ thông chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%), tập trung chủ yếu tại các thôn, bản phát triển du lịch cộng đồng và các hộ kinh doanh cơ sở lưu trú, nhà hàng tư nhân; số lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 20%). Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch có khoảng 30 người, nhưng đa số không được đào tạo chuyên sâu về du lịch; đội ngũ cán bộ quản trị du lịch chủ yếu là cán bộ quản lý kiêm nhiệm. Riêng về trình độ ngoại ngữ, nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu, số lao động biết sử dụng ngoại ngữ (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga) rất thấp.

Tính đến thời điểm hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp mới, cấp đổi 20 thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó 14 thẻ hướng dẫn viên quốc tế, 06 thẻ hướng dẫn viên nội địa. Các hướng dẫn viên chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh. Theo dự kiến, năm 2019 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn viên (tại khu, điểm du lịch) và thực hiện việc cấp thẻ cho hướng dẫn viên khi đủ điều kiện.

Cũng theo đánh giá của Phòng Quản lý Du lịch, nguồn nhân lực du lịch thiếu về số lượng và yếu về chất lượng (thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và đội ngũ cán bộ quản trị; thiếu hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp; chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, khả năng ứng xử của đội ngũ nhân viên du lịch tại doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu) ảnh hưởng khá nhiều đến việc quảng bá tiềm năng, khai thác lợi thế về du lịch của tỉnh.

Thực tế cho thấy, những yếu tố ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh bao gồm: Sự phát triển kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển du lịch, sự phát triển du lịch sẽ quyết định đến số lượng, chất lượng và xu thế phát triển của nguồn nhân lực ngành du lịch. Các chính sách kinh tế - xã hội của tỉnh như chính sách giáo dục đào tạo; chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động, lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động... đều có tác động trực tiếp đến nguồn nhân lực. Tại các khu, điểm du lịch chưa thu hút được nguồn lao động được đào tạo chuyên nghiệp vì các chế độ về thu nhập và các chế độ khác chưa tương xứng với chất xám mà họ bỏ ra. Bên cạnh đó, kinh phí cấp để tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch hạn chế, đặc biệt các lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ, hướng dẫn viên du lịch...

Nhằm từng bước khắc phục những hạn chế nêu trên, trong những năm qua, bằng nguồn kinh phí của địa phương, sự hỗ trợ của Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, Dự án quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm tỉnh Bắc Kạn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường Cao đẳng Thương mại Du lịch thuộc Bộ Công Thương, Tổng cục Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị tổ chức 12 lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý, buồng bàn, bar, bếp, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lái xuồng, nghiệp vụ thống kê du lịch và công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch... cho cán bộ quản lý các đơn vị, doanh nghiệp, chủ các khách sạn, nhà hàng, chủ tàu xuồng và người lao động trong các khu, điểm du lịch. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các đội văn nghệ tại xã Khang Ninh và xã Nam Mẫu để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chú trọng công tác xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại các khu, điểm du lịch.

Đồng thời, tổ chức các hội thảo, học tập kinh nghiệm xây dựng các khu, điểm du lịch mô hình du lịch, sản phẩm du lịch, chuẩn hóa công tác quản lý và đổi mới cách thức tổ chức hoạt động du lịch tại các địa phương. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng tham gia du lịch để đảm bảo việc phối hợp vào cuộc của mọi thành phần xã hội liên quan trong các khu vực có định hướng phát triển du lịch cộng đồng./.

Theo baobackan.org.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×