Bắc Kạn: Tạo đà cho du lịch phát triển
21/09/2021 | 13:10Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, phát triển du lịch là một trong bốn chương trình trọng tâm. Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành mũi nhọn, trong tâm là du lịch hồ Ba Bể, Bắc Kạn đã và đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông để khai thác lợi thế về du lịch.
Để phát triển du lịch, điều quan trọng là phải có nền tảng cơ sở vật chất phục vụ du lịch vững chắc, bao gồm một danh mục đầu tư đa dạng của các điểm tham quan và hoạt động du lịch, cơ sở lưu trú và hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hoạt động chất lượng, hiệu quả. Tại Bắc Kạn, cơ sở hạ tầng giao thông thời gian qua còn nhiều hạn chế, đây là một trong những thách thức lớn đối với ngành Du lịch.
Nhận thức đúng đắn điều này, thời gian qua, Bắc Kạn đã đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó phát triển giao thông phục vụ du lịch phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh. Bắc Kạn xác định ưu tiên bố trí nguồn lực để lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, tỉnh tập trung lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; quy hoạch di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể và vùng phụ cận; quản lý tốt quy hoạch xây dựng khu du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nguồn lực, huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho các chương trình, đề án thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông như mở mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh. Cụ thể: Từ trung tâm thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối Na Hang, Tuyên Quang; Quốc lộ 3 mới đoạn Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn; đường Khang Ninh - Quảng Khê; đường xung quanh hồ Ba Bể... Đầu tư hạ tầng du lịch Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc và các điểm có tiềm năng phát triển du lịch khác trên địa bàn tỉnh.
Bắc Kạn cũng thu hút, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch chất lượng cao tại các khu, điểm du lịch của tỉnh như khu du lịch hồ Ba Bể, khu vực Đồn Đèn, hồ Nặm Cắt, thác Nà Khoang, hồ Bản Chang; ATK Chợ Đồn và các điểm du lịch cộng đồng...
Hiện nay, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể, mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn với tổng chiều dài tuyến khoảng 28 km. Qua đó nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường giao thông theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải từ Bắc Kạn đến các các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Song song với đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, Bắc Kạn cũng sẽ chủ động phối hợp với tỉnh Tuyên Quang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang để trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Rà soát, lập mới đề nghị công nhận các di tích Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia, di tích cấp tỉnh và các di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục Quốc gia. Tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng tới hình thành và phát triển hệ thống du lịch thông minh.
Với việc khơi thông huyết mạch giao thông, tạo liên kết vùng sẽ giúp Bắc Kạn không chỉ khai thác triệt để lợi thế về địa kinh tế mà còn góp phần phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh về danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng mà trọng tâm là hồ Ba Bể, tạo cơ hội để phát triển dịch vụ du lịch trong giai đoạn tới.
Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch Quốc gia, du lịch hồ Nặm Cắt trở thành khu du lịch cấp tỉnh; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm, khu du lịch được công nhận; đón ít nhất 32.000 lượt khách quốc tế và 1.000.000 lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của khách du lịch đạt 13%; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng, tương đương với 5% GRDP toàn tỉnh. Định hướng đến năm 2030, ngành Du lịch Bắc Kạn cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; thu hút khoảng 50.000 lượt khách quốc tế và 1.700.000 lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 2.500 tỷ đồng, tương đương với 10% GRDP toàn tỉnh./.