Bắc Kạn: Phát huy tiềm năng, lợi thế gắn kết nông nghiệp với du lịch
07/09/2022 | 15:24Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Đây cũng là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Do vậy, giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng Kế hoạch khai thác tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch.
Tiềm năng du lịch của tỉnh Bắc Kạn với điểm nhấn là hồ Ba Bể, các điểm danh thắng, các khu rừng đặc dụng nguyên sơ gắn với di tích lịch sử trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó là sự phát triển trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nhất là các sản phẩm nông sản OCOP nổi bật trong thời gian qua như: Miến dong, trà hoa vàng, viên tinh nghệ mật ong, mật mía, trà giảo cổ lam núi đá, nấm linh chi nguyên tai, tinh nghệ nếp đen, cơm cháy, khẩu sli, chè Shan Tuyết, mơ dẻo chua ngọt, chè Như Cố; phở khô, gạo nếp Khẩu Nua Lếch, thảo dược… là cơ sở để tỉnh Bắc Kạn thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp gắn với du lịch.
Huyện Ba Bể với lợi thế Vườn Quốc gia Ba Bể, trong đó có hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất trên thế giới, hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm đã và đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trên tuyến du lịch hồ Ba Bể đã phát triển một số mô hình du lịch sinh thái, như tại xã Quảng Khê, hiện đang có mô hình trồng hồng không hạt với diện tích khoảng 57ha của Hợp tác xã (HTX) Đồng Lợi và các hộ dân trong xã; mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Phúc Ba. Cả 2 sản phẩm hồng không hạt và dưa lưới đều nổi tiếng trên thị trường và đều được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Quảng Khê cũng là địa phương có điểm du lịch động Hua Mạ và gần hang Thẳm Phầy, đồng thời chỉ cách khu du lịch cộng đồng thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu khoảng 6 km.
Phía cuối hồ Ba Bể, tại thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, khách du lịch có thể trải nghiệm hoạt động đánh bắt cá và sản xuất tép chua ngay tại làng nghề… Do đó, việc gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch là thế mạnh cần được tập trung khai thác. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Ba Bể, du khách có thể đến tham quan vùng chuyên canh và mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương như khu trồng chè ở các xã Chu Hương, Mỹ Phương; trồng bí xanh thơm ở các xã Địa Linh, Yến Dương.
Tuyến du lịch Chợ Đồn - Ba Bể, các xã Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bản Thi (Chợ Đồn) đều có thế mạnh về di tích lịch sử ATK. Riêng Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc với rất nhiều danh thắng, di tích lịch sử, cùng với đó là các mô hình sản xuất dược liệu, trồng rau su su rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với hoạt động du lịch tại địa phương. Ngoài ra, huyện Chợ Đồn còn có làng nghề nấu rượu Bằng Phúc nổi tiếng; các sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, hồng không hạt, trà hoa vàng bản địa… sẽ là các địa điểm thu hút khách du lịch.
Huyện Bạch Thông với di tích lịch sử Nà Tu, nơi Bác Hồ tặng 04 câu thơ cho lực lượng thanh niên xung phong và di tích Chiến thắng Phủ Thông là điểm tham quan lịch sử giáo dục truyền thống cách mạng cho du khách trong nước hướng về cội nguồn. Kết hợp với du lịch sinh thái, du khách sẽ được tham quan những cánh rừng cam, quýt; vườn ổi, đồi chè xanh mướt tại các xã Quang Thuận, Dương Phong; trải nghiệm mô hình sản xuất lúa Japonica và kết hợp tham quan thác Thủy Điện tại xã Vi Hương…
Ngược về đèo Giàng, đèo Gió tới huyện Ngân Sơn, du khách sẽ được trải nghiệm tắm mát dưới dòng nước mát lạnh ở thác Nà Khoang; thăm vườn nho hạ đen trồng trên độ cao 800m so với mực nước biển; ngắm cánh đồng lúa Khẩu Nua Lếch đặc sản rộng hơn 100ha ở xã Thượng Quan. Cùng với đó, hồ Bản Chang rộng mêng mông, quanh năm xanh ngát nằm giữa những cánh rừng thông cổ thụ sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quyên…
Tiềm năng, lợi thế có sẵn, vấn đề là giải pháp và thực hiện bài bản để có thể nâng tầm giá trị danh lam, thắng cảnh, từ đó thu hút khách du lịch đến với các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm tiêu thụ và quảng bá sản phẩm để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra kế hoạch là đẩy mạnh việc hình thành các mô hình HTX sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp gắn với các hoạt động du lịch, tăng cường khai thác hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm. Tích cực vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất, từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức kinh tế tập thể, liên kết sản xuất hình thành vùng sản xuất hàng hóa; hướng dẫn người dân thực hiện trồng cây theo quy trình hữu cơ, VietGAP; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mỹ thuật, đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng để sản phẩm nông sản tạo sự thu hút khách tham quan, trải nghiệm.
Cùng với đó, nâng cao hoạt động dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng OCOP thông qua các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và trên nền tảng mạng xã hội. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình liên quan đến hoạt động dịch vụ, du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách tại các điểm tham quan du lịch.
Đồng thời, đầu tư nguồn lực cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông tại các khu, điểm du lịch, danh thắng của tỉnh. Xây dựng các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ; xây dựng địa điểm phục vụ sinh hoạt cộng đồng, nơi cho khách tham quan ngắm cảnh, chụp ảnh. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng mở rộng liên kết với các công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến, sản phẩm du lịch, tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách…
Sự kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, mà qua đó góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho người dân nông thôn./.