Bắc Kạn: Phát huy di sản Then gắn với phát triển du lịch
12/09/2022 | 10:23Bắc Kạn là một trong 11 tỉnh thuộc khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc được UNESCO ghi danh là địa phương có di sản Then. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào đối với cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái, mà còn là điều kiện thuận lợi để tỉnh xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Then Tày Bắc Kạn gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trọng tâm là phát triển du lịch.
Là người tham gia Lễ đón nhận Bằng ghi danh thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, do Bộ Văn hóa phối hợp với 11 tỉnh có thực hành di sản Then, tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang mới đây, nghệ nhân Mã Trung Trực (thôn Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể) cho biết: “Việc Nghi lễ thực hành di sản Then được vinh danh đã giúp tôi có thêm động lực để nỗ lực truyền dạy nghệ thuật hát Then nhiều hơn cho thế hệ trẻ”.
Được biết, nghệ nhân Mã Trung Trực sinh ra và lớn lên ở vùng hồ Ba Bể. Không chỉ là một nghệ nhân Then có tiếng, anh chế tạo đàn tính và thành lập các câu lạc bộ hát then đàn tính để vừa duy trì phong trào, vừa phục vụ du khách tham quan hồ Ba Bể. Ngôi nhà sàn của gia đình cũng là nơi vợ chồng anh tổ chức các lớp dạy đàn tính, hát Then cho thanh, thiếu nhi và những người yêu Then, đàn Tính trong vùng.
Còn nghệ nhân Nguyễn Đăng Lưu ở thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì là một trong số ít những người còn gắn bó với dòng Then cổ của người Tày ở Bắc Kạn cho biết: Then không chỉ là nghi lễ tâm linh mà còn là đời sống văn hóa, tinh thần, là hồn cốt của đồng bào Tày. Do vậy, di sản Then được vinh danh sẽ giúp ông có thêm động lực để theo nghề và truyền lại cho con, cho cháu.
Theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh có gần 300 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 01 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam); 17 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có một số di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến dân ca như “Lượn Slương, lượn Cọi, lễ cấp sắc của người Tày”; “Nghệ thuật múa khèn của người Mông”; “Hát Pá Dung của người Dao”; “Hát sli của người Nùng”...
Để thu hút đầu tư phát triển du lịch góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08/NQ/TƯ ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong giai đoạn 2021 - 2030, ngày 12/8/2021, Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 18 về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chung của Nghị quyết là phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị di sản.
Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch các tỉnh có di sản Then năm 2022 được tổ chức tại Tuyên Quang vừa qua, cùng với cung cấp các danh mục mời gọi đầu tư du lịch tỉnh Bắc Kạn, như: Dự án đầu tư khai thác khu du lịch sinh thái Lân Luông Núi Nàng tiên (Na Rì); khu du lịch Lủng Tráng (Ba Bể); khu du lịch Sam Chiêm (Ngân Sơn)…, tỉnh Bắc Kạn cũng đề ra giải pháp phát huy di sản Then Tày gắn với phát triển du lịch như: Tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch. Xây dựng những sản phẩm du lịch mới theo hướng tăng cường xây dựng những tour, tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng gắn liền với giữ gìn giá trị văn hóa bản địa và cảnh quan thiên nhiên tại các điểm du lịch. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Gắn hoạt động liên kết, hợp tác thu hút đầu tư phát triển du lịch giữa các tỉnh có thực hành nghi lễ Then với bảo vệ tài nguyên du lịch và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở địa phương./.