Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Kạn nỗ lực cùng nâng tầm du lịch Chiến khu Việt Bắc

24/05/2024 | 08:31

Việc đẩy mạnh liên kết, kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các địa phương nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng.

Bắc Kạn nỗ lực cùng nâng tầm du lịch Chiến khu Việt Bắc - Ảnh 1.

Bắc Kạn không ngừng nâng tầm các sự kiện, lễ hội của địa phương tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch

Vùng Chiến khu Việt Bắc có điều kiện văn hóa - xã hội, nguồn tài nguyên đa sắc, tương đồng, tạo thuận lợi cho liên kết phát triển du lịch. Trong quá trình phát triển du lịch của vùng, điểm đến du lịch Bắc Kạn hiện ra đầy nội lực và ngày càng nổi bật. Những năm qua, Bắc Kạn đã chú trọng thực hiện công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch; tích cực, chủ động tham gia hoạt động của nhóm liên kết; thể hiện được vai trò, ý thức, trách nhiệm cao của tỉnh trong xây dựng, phát triển các nhóm liên kết, trong đó có nhóm liên kết của vùng Chiến khu Việt Bắc.

Cụ thể, tỉnh đã quan tâm xây dựng các đề án, quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch và kế hoạch xúc tiến, quảng bá gắn với Chiến lược marketing du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, cả nhân lực và tài lực nên việc triển khai mới ở bước đầu. Tỉnh đã tích cực nâng tầm các sự kiện, lễ hội của địa phương, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với Bắc Kạn; dành kinh phí và tích cực hưởng ứng, tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế lớn tại Việt Nam như: Hội chợ du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội, ITE HCM tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm 2023, Bắc Kạn đón 776.100 lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế 11.783 lượt, khách du lịch nội địa 764.317 lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt 544,4 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Bắc Kạn đón 508.747 lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 3.400 lượt, khách du lịch nội địa 505.347 lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt 347,76 tỷ đồng.

Cùng với chú trọng liên kết, hợp tác, Bắc Kạn đã quan tâm xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch và phục vụ mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch; phấn đấu từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó có các tuyến đường trọng điểm thuận lợi cho phát triển du lịch của tỉnh như: Dự án tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (tỉnh Tuyên Quang); Dự án xây dựng tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, Ba Bể; Dự án xây dựng hạ tầng giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể; Dự án đường vào hồ Nặm Cắt, thành phố Bắc Kạn… Hiện nay, tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn; chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng. Việc xây dựng và hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các tuyến du lịch với các tỉnh trong khu vực.

Bắc Kạn nỗ lực cùng nâng tầm du lịch Chiến khu Việt Bắc - Ảnh 2.

Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng là một trong những hướng đi của tỉnh (Ảnh tư liệu)

Mới đây, tại Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch Bắc Kạn và các tỉnh chiến khu Việt Bắc” diễn ra ngày 27/4/2024 với sự tham gia của nhiều đại biểu trung ương, địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình thông tin, tỉnh Bắc Kạn đã và đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch gồm văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; sinh thái, nghỉ dưỡng; cộng đồng, nông thôn; thể thao, khám phá hang động mạo hiểm... nhằm từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời Bắc Kạn đặt mục tiêu kết nối các tour, tuyến du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc để tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, thúc đẩy du lịch của các tỉnh cùng phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng khẳng định, Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch Bắc Kạn và các tỉnh Chiến khu Việt Bắc” có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển du lịch trên địa bàn 6 tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng, là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý, doanh nghiệp ở trung ương và các tỉnh vùng Việt Bắc đánh giá về hiện trạng, tiềm năng, thế mạnh, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Bắc Kạn và các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc.

Tham góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ: “Rất lâu rồi tôi mới có dịp quay lại Bắc Kạn. Giao thông từ Hà Nội đến Bắc Kạn đã thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu cao tốc Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn được xây dựng, kết nối với tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể sẽ giúp tạo lực đẩy cho du lịch. Tôi nói vậy để thấy căn nguyên khiến cho du lịch Bắc Kạn chưa thật sự bứt phá không chỉ nằm ở yếu tố giao thông mà ở chỗ Bắc Kạn chưa có sản phẩm du lịch độc đáo, quảng bá du lịch chưa đủ mạnh, hạ tầng du lịch còn hạn chế…”.

Còn theo Tiến sĩ Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc gần gũi về địa lý, tương đồng về văn hóa, lịch sử là những yếu tố thuận lợi trong liên kết vùng. Nhưng mặt khác, đây cũng là trở ngại khi xây dựng tour, tuyến du lịch nếu các địa phương trong vùng có những sản phẩm du lịch gần giống nhau, dễ gây nhàm chán cho du khách. Chính vì vậy, mỗi địa phương cần tạo bản sắc, định vị riêng của mình trong nền chung của vùng. Đối với Bắc Kạn, có tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn đó là du lịch tự nhiên (hồ Ba Bể, động Nàng tiên, động Hua Mạ), du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng (ATK Chợ Đồn, nét văn hóa vùng cao đặc sắc), du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới, các tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc cần có những chính sách và giải pháp hợp lý để khắc phục khó khăn, hạn chế điểm yếu, phát huy thuận lợi, tận dụng cơ hội, thực hiện liên kết hiệu quả hơn nhằm phát triển du lịch vùng theo đúng định hướng bền vững, chất lượng.

Trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của Bắc Kạn trong phát triển du lịch đặt trong mối liên kết vùng miền. Quan trọng là cách thức làm, sự quyết tâm của tỉnh trong hoạch định, ban hành chính sách để thực sự khai phóng những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giúp du lịch “cất cánh” đi lên./.

Theo Cổng TTĐT Bắc Kạn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×