Bắc Kạn: Khai thác tài nguyên thiên nhiên, di sản đúng cách và đúng hướng để phát triển du lịch
29/05/2021 | 08:29Tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực phát huy giá trị các di sản gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Với lợi thế sở hữu Khu di tích danh thắng cấp quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể, có di sản thực hành Then của người Tày được UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 16 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Nùng, Dao..., tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực phát huy giá trị các di sản gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên để làm được điều đó vẫn còn là bài toán khó.
Hiện nay, sản phẩm du lịch chính được khai thác tại tỉnh Bắc Kạn chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể mà trọng tâm là hồ Ba Bể với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Phần lớn gói tour của các đơn vị lữ hành đều hướng du khách thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hữu tình cùng hệ sinh thái động thực vật phong phú.
Từ bến Buốc Lốm, xuôi thuyền theo dòng Sông Năng, rồi xuyên qua Động Puông, du khách sẽ được ngắm khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với núi non kỳ vĩ và tươi đẹp. Hồ Ba Bể có diện tích khoảng 500 ha, trải dài hơn 8 km, chỗ rộng nhất khoảng 2 km. Tuy nhiên, để khám phá trọn vẹn kỳ quan ở hồ, du khách phải mất 5 ngày trải nghiệm. Bởi thế, đối với những tour khám phá ngắn ngày, du khách sẽ được dừng chân thăm một số điểm như đền An Mã, đảo Bà Góa, Ao Tiên...
Nắm bắt xu hướng nghỉ dưỡng của du khách, ven hồ Ba Bể, nhiều cơ sở lưu trú theo hình thức homestay được hình thành. Nhiều chủ homestay còn tổ chức trọn gói các dịch vụ đưa đón bằng thuyền, tổ chức nấu nướng, đốt lửa trại... Nếu là người ưa vận động, du khách có thể thong dong tản bộ, đạp xe thăm thú thiên nhiên, ngắm những đồng lúa nếp cao đến ngang ngực được trồng xen kẽ trong khu nhà dân ven hồ.
Người thích mạo hiểm hơn có thể chọn trải nghiệm trekking (loại hình du lịch dã ngoại, leo núi). Tour trekking tại Vườn Quốc gia Ba Bể thường kéo dài 1 ngày, có người bản địa đưa đi với độ dài quãng đường từ 15 - 18 km. Du khách sẽ được khám phá cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông... tại những bản làng xa trên núi.
Giám đốc Công ty du lịch MrLinh's Adventures Nguyễn Tuấn Linh - một trong những đơn vị tiên phong phát triển du lịch Ba Bể cho biết, để khám phá những điều thú vị tại Ba Bể, du khách cần dành nhiều ngày, thong thả trải nghiệm thì mới cảm nhận được sự đặc biệt, phong phú ở đây. Hiện nay, khi Công ty quay sang khai thác khách nội địa, nhiều sản phẩm du lịch trước kia chủ yếu dành cho khách tây như trekking, leo núi đã được quảng bá, giới thiệu rộng hơn để khách nội địa trải nghiệm.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực như đường sá được mở rộng và đẹp hơn, nhiều cơ sở lưu trú tiện nghi có thể đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách thì Ba Bể kỳ vọng phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Với hầu hết du khách thì việc trải nghiệm đầy đủ không gian, nghi lễ, nét đẹp truyền thống ngay tại cộng đồng sẽ để lại ấn tượng sâu sắc, cuốn hút, tạo mong muốn được trở lại hơn là việc sân khấu hóa các nét đẹp ấy. Nhiều người làm du lịch ở Ba Bể nhận định rằng, ngoài các lễ hội lớn quy mô cấp tỉnh, cấp huyện thu hút rất đông du khách hằng năm thì khách du lịch thường rất thích thú, sẵn lòng tham gia tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa.
Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể đang ngày càng phát triển và có nhiều đổi mới, tạo được sức hút đối với đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, tuy nhiên chủ yếu mới dừng lại ở phục vụ ẩm thực và văn nghệ, một số cơ sở có khách lưu trú nhưng ít. Việc tạo các trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống thường ngày của đồng bào các dân tộc còn nghèo nàn. Tinh thần cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng làm du lịch và cùng hưởng lợi cũng rất hạn chế.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Trường cho biết, để khắc phục những tồn tại đó, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về phục vụ khách, làm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Thực hiện Dự án Bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân tộc gắn liền với phát triển du lịch Ba Bể, Sở đã xây dựng và duy trì được mô hình hoạt động của 5 đội văn nghệ dân gian dân tộc phục vụ du khách địa phương; xây dựng mô hình khu vui chơi giải trí và giao lưu văn hóa, ẩm thực dân tộc, mô hình hoạt động của khu tắm thuốc người Dao và trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, tiêu biểu làm quà lưu niệm cho khách du lịch; xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy 15 món ẩm thực đặc trưng của dân tộc vùng hồ Ba Bể… Thời gian tới đây sẽ tiếp tục tập trung nhiều hơn nữa vào việc phát huy đặc sản địa phương trong phát triển du lịch như ẩm thực dân tộc, trình diễn hát Then...
So với các tỉnh Đông Bắc, du lịch Bắc Kạn xuất phát chậm hơn nhưng có thể sẽ tạo “cú hích” cho du lịch khu vực này nếu như khai thác tài nguyên thiên nhiên, di sản đúng cách và đúng hướng. Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Hiệp hội Du lịch - đây được xem là bước đi cần thiết trong việc phát triển du lịch Bắc Kạn chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Tới đây, Bắc Kạn sẽ đẩy mạnh sản phẩm du lịch thể thao để thu hút du khách, trước mắt là giải chạy núi “Ba Be jungle marathon”, dự kiến tổ chức vào tháng 10/2021. Đây là sự kiện thể thao lớn đầu tiên được tổ chức tại Ba Bể với mục đích quảng bá, thu hút du lịch, từ đó sẽ là cơ sở để Bắc Kạn xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng hơn.
Cùng với đó, khi tuyến đường mới từ thành phố Bắc Kạn đến Quảng Khê (Ba Bể) hoàn thành, đồng thời nâng cấp xong đường từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn, thời gian từ Hà Nội đến hồ Ba Bể sẽ chỉ mất khoảng ba giờ đồng hồ. Tỉnh Bắc Kạn đang quyết liệt triển khai các thủ tục để sớm khởi công đường và chủ động kêu gọi, thu hút đầu tư du lịch vào Ba Bể.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hai năm gần đây, một số lễ hội lớn, đặc trưng của Bắc Kạn không tổ chức được, các nét đẹp văn hóa truyền thống vì thế cũng ít được phô diễn trước khách du lịch thập phương. Ðây là thời điểm chững lại của du lịch nhưng cũng có thể là thời gian nghỉ, đánh giá lại tồn tại, khó khăn, tiềm năng, thế mạnh, để từ đó chau chuốt, đầu tư phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng của tỉnh sao cho đúng hướng và hiệu quả./.