Bắc Kạn: Gìn giữ và phát huy giá trị đặc sắc của làn điệu then tính
09/03/2022 | 09:38Hát then đàn tính mang tính chất lễ và hội, ngoài yếu tố tâm linh là để cầu mùa, chúc phúc, then tính còn giải trí, giãi bày nỗi lòng, thể hiện tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương bản làng, lao động sản xuất. Trong đời sống của người Tày, Nùng, Thái cổ xưa, hát then thường được xuất hiện trong những sự kiện trọng đại như: Lễ cầu an, cầu mùa… Người hát then trong những dịp lễ, tết là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc.
Đã hơn nửa thế kỷ, đàn tính và làn điệu then đã được đưa lên sân khấu biểu diễn bởi các nghệ nhân nổi tiếng của Đoàn văn công Khu tự trị Việt Bắc (tiền thân của Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc ngày nay) như: Hà Bời, Bích Thu, Nông Văn Khang, Hoa Cương, Hoàng Hưng, Kim Hân, Thu Hà, Bích Hồng, Xuân Ái… Còn ở tỉnh Bắc Kạn, những bài then mượt mà, sâu lắng của Nhà văn người Tày Nông Viết Toại, Lý Thị Nhạn, Hoàng Hoá, Trọng Quyết, Kim Ly, Tiến Khởi, Đức Định… đã được thể hiện qua các giọng hát được nhiều người biết đến như: Công Hoan, Mã Văn Trực, Hồng Chuyên, Hoàng Dụng, Công Hoan, Hiền Lương, Thanh Hòa, Bích Hậu, Mã Thị Dạy, Thuý Toan, Hoàng Thanh Chầm, Dương Thanh Chầm...
Chị Mã Thị Dạy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sắc Chàm thuộc Trung tâm Văn hoá tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Hát then đàn tính của người Tày - Nùng nói chung, trong đó có người Tày - Nùng ở tỉnh Bắc Kạn đã gắn bó, đi vào đời sống tinh thần của dân tộc Tày - Nùng từ lâu đời và đến nay vẫn được gìn giữ. Sau những ngày lao động sản xuất được ngồi cùng nhau, cầm cây đàn tính, cùng hát then sẽ cảm thấy quên hết mệt mỏi, ưu phiền, thấy cuộc sống tươi đẹp và có ý nghĩa hơn. Đặc biệt, từ khi hát then đàn tính được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, những người yêu then tính càng cảm thấy mình có trách nhiệm hơn để cùng nhau gìn giữ và phát huy Di sản quý báu của dân tộc mình mãi mãi cho muôn đời sau”.
Với cuộc sống đổi thay như ngày nay, ngoài yếu tố tâm linh, hát then đàn tính còn được sân khấu hoá, được đưa vào các hoạt động phục vụ sự kiện chính trị, du lịch, phục vụ Nhân dân, trở thành phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương. Nội dung các bài then được các nghệ nhân đặt lời mới để ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, ca ngợi những đổi thay của quê hương, đất nước. Hát then đàn tính ở mỗi vùng miền có những làn điệu khác nhau và cũng ở mỗi vùng miền có những nét độc đáo riêng, trong đó then Bắc Kạn được nhiều người yêu thích. Không chỉ người Tày, Nùng, Thái mà hát then còn được cả các dân tộc khác cũng yêu thích, coi đây là món ăn tinh thần trong đời sống của họ. Anh Phùng Hoàng Hiệu, dân tộc Dao, thôn Phiêng Cà, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn cho biết: “Tôi là người Dao nhưng sinh ra và lớn lên ở gần bản của bà con người Tày nên tôi rất yêu thích làn điệu then Tày, trong đó tôi thích nhất là các làn điệu then cổ, viết về những câu truyện cổ tích, truyện dân gian, giao duyên... Ngày nay, làn điệu then tính còn được đặt lời với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn và rất hay”.
Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều động hoạt động tích cực để gìn giữ và bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Tày - Nùng nói chung và hát then đàn tính nói riêng như: Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ quần chúng từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có làn điệu then tính; tổ chức liên hoan hát then đàn tính; tổ chức các lớp học hát then đàn tính cho thiếu nhi trong dịp nghỉ hè, truyền dạy trong các trường nội trú... Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn cũng là một địa chỉ góp phần quan trọng vào việc giữ giữ bản sắc vốn quý này bằng việc sưu tầm, thu âm và thường xuyên phát sóng các làn điệu dân ca dân tộc Tày - Nùng, trong đó có làn điệu hát then - đàn tính. Hiện nay, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn đang duy trì phát sóng 30 phút dân ca Tày - Nùng/ngày, phát xen kẽ các bài hát then lượn trong chương trình thời sự, âm nhạc tổng hợp, phát sóng truyền địa phương hàng tuần, chương trình “tiếng tính quê hương”.
Các làn điệu then tính không chỉ là món ăn tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số mà nội dung của các bài then có rất nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: Ca ngợi quê hương, bản làng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền pháp luật... Qua đó, giúp bà con hiểu biết hơn, đoàn kết hơn trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Ở tỉnh Bắc Kạn hiện nay, các làn điệu then tính vẫn thường xuyên được duy trì. Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, Trung tâm Văn hoá tỉnh Bắc Kạn, Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Truyền thông các huyện, thành phố vẫn thường xuyên luyện tập các làn điệu then để biểu diễn phục vụ công chúng cũng như tham gia các hội diễn lớn của ngành cùng nhiều hoạt động khác nhằm gìn giữ và phát huy làn điệu then tính của quê hương.
Mới đây, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn tham dự Liên hoan Ca - Múa - Nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 1) tại thành phố Hải Phòng từ ngày 18 - 28/11/2021 do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức. Tại Liên hoan lần này, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn tham gia với chủ đề “Gọi non ngàn thức giấc”, bao gồm ba phần: Phần 1 “Trên đỉnh Núi hoa”, phần 2 “Bản làng mở hội”, phần 3 “Nhịp đời mãi ngân vang”... với 11 tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu về nội dung chủ đề, mang tính nghệ thuật và trình diễn đặc sắc, với âm hưởng miền núi, vùng cao rất ấn tượng. Tại Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 2 Huy chương Vàng cho tiết mục song ca “Gọi đàn mơ say”, múa “Men tình lứa đôi”; 3 Huy chương Bạc cho tiết mục hòa tấu “Gọi vía”, múa dân tộc Dao và Tày “Đối thoại”, múa Tày “Ban mai trên mặt hồ”; Huy chương Đồng cho tiết mục Hát múa “Lời tình Sli - Cọi”. Chương trình “Gọi non ngàn thức giấc” của toàn đoàn giành Huy chương Bạc. Trong Chương trình này, làn điệu hát then và cây đàn tính, với những bộ trang phục Tày và những loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc Tày - Nùng tỉnh Bắc Kạn được đưa lên sân khấu biểu diễn và là chủ lực của Chương trình, thể hiện bản sắc riêng có của vùng cao, là Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, qua đó đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của Liên hoan.
Ông Quan Anh Tuấn - Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Để đạt được những thành công trong Liên hoan Ca - Múa - Nhạc toàn quốc vừa rồi, chúng tôi rất nỗ lực tìm kiếm ngôn ngữ, phong cách âm nhạc trong tỉnh, đặc biệt xây dựng kịch bản chặt chẽ, phối hợp với các nhạc sỹ, ê kíp... mang đến Liên hoan một hơi thở mới, một luồng sinh khí mới, nét âm nhạc gắn với đồng bào các dân tộc của tỉnh. Trong suốt những năm qua, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn tìm tòi và khai thác triệt để các chất liệu dân ca dân tộc vùng miền của tỉnh. Đặc biệt, khai thác chất liệu hát then, đàn tính trong cộng đồng, tìm những vốn cổ của thầy tào, thầy mo, thầy pụt, sưu tầm để đưa lên sâu khấu, tạo nên một tác phẩm chỉnh thể, nâng cao, mang đi biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc trong tỉnh”.
Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào không chỉ riêng với dân tộc Tày - Nùng Bắc Kạn mà còn của các dân tộc anh em khác ở các tỉnh vùng Đông Bắc và cả nước. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản then tính là việc làm hết sức cần thiết và đã được tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm, qua đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá quý báu của dân tộc cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch tại địa phương./.