Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Kạn: Gìn giữ mạch nguồn di sản văn hóa phi vật thể

22/09/2018 | 10:00

Là một tỉnh nhỏ, ít dân, nhưng văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Bắc Kạn mang đậm bản sắc,đứng thứ năm cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, công tác bảo tồn, phát huy những giá trị quý báu ấy còn không ít khó khăn.

Những di sản độc đáo

Với số lượng khoảng 52.000 người, đồng bào dân tộc Dao ở Bắc Kạn đang sở hữu bốn di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó, nổi bật là lễ cấp sắc được tổ chức thường kỳ vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới. Lễ cấp sắc còn gọi “Quá tăng”, nghĩa là trải qua lễ soi đèn, soi sáng. Đây là nghi lễ quan trọng nhất đối với con trai dân tộc Dao, bởi chỉ sau khi cấp sắc, người con trai mới được coi là thật sự trưởng thành, có vị trí trong xã hội. Buổi lễ cấp sắc có thể làm thủ tục cho một người hoặc vài người nhưng phải là số lẻ. Lễ lên đèn được biểu trưng bằng một vật hình trụ, có các nhánh để đặt từ năm đến bảy đèn. Những chiếc đèn với dụng ý soi sáng cho cơ thể, tẩy rửa tội lỗi để trở thành người trong sạch. Thắp đèn xong, các thầy cúng đọc văn khấn, đi vòng quanh để truyền bùa phép. Lễ cấp sắc của người Dao đầy ắp ý nghĩa giáo dục bởi tại buổi lễ, thầy cúng trao cho người thụ lễ một hoặc hai đạo sắc, trong đó, quy định 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Nội dung giáo huấn rất cụ thể, như: biết ơn cha mẹ, kính trọng thầy, thủy chung trong quan hệ vợ chồng, tôn trọng bạn bè, anh em, không dâm ô, trộm cắp...

Phụ nữ Dao huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn vẫn lưu giữ nghệ thuật thêu hoa văn
trên trang phục truyền thống.

Bắc Kạn còn nổi tiếng với Lễ hội Lồng tồng Ba Bể, lễ hội lớn nhất hằng năm. Vào ngày mồng 9 và 10 tháng Giêng, tại bãi Bó Lù rộng lớn bên hồ Ba Bể mênh mang nước trời, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao từ hai huyện Ba Bể, Chợ Đồn và một số vùng lân cận thuộc tỉnh Tuyên Quang rực rỡ trong trang phục của dân tộc mình, nườm nượp đổ về, hòa mình vào không gian lễ hội. Mọi người tham dự các trò chơi dân gian, như: bịt mắt bắt dê, kéo co, tung còn...; thưởng thức các tiết mục văn nghệ truyền thống vui tươi, mộc mạc. Đồng bào chọn những con bò to, dê khỏe mang đến hội thi chọi, thể hiện tinh thần thượng võ, khuyến khích phát triển chăn nuôi. Dưới hồ, màn đua thuyền độc mộc và bắt vịt dậy sóng trong tiếng hò reo, cổ vũ của đông đảo người dân. Mỗi dịp lễ hội, nơi đây thu hút khoảng 20.000 lượt người, khuấy động cả một vùng non nước hữu tình trong tiết xuân êm dịu. Ở lễ hội Lồng tồng Ba Bể có sự giao thoa, hòa nhập với di sản văn hóa phi vật thể khác là múa khèn Mông và hát Then. Mỗi dịp lễ hội, mọi người thường hay nhắc và chờ đợi màn biểu diễn khèn Mông của anh Lý Hồng Quân. Say tiếng khèn của dân tộc, anh Quân mày mò theo học những thầy khèn có tiếng ở bản Nghè, xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm). Mỗi dịp xuân đến, trong lễ hội nơi hồ Ba Bể, người dân địa phương và du khách lại được thưởng thức điệu khèn Mông đặc sắc của anh Quân...

Đến nay, Bắc Kạn có 291 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Trong đó, có 13 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Múa khèn của người Mông ở Bắc Kạn, Chữ viết của dân tộc Dao, Nghi lễ Quá tăng (lễ cấp sắc) của người Dao ở Bắc Kạn, Lễ cấp sắc của Then Tày, Chữ Nôm của dân tộc Tày, Lượn Slương của dân tộc Tày, Lễ hội Lồng tồng Ba Bể, Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày, Lễ cầu năm mới, cầu mùa của dân tộc Dao, Lễ mừng sinh nhật (mừng thọ) của người Nùng, Lễ cấp sắc cho thầy Tào của người Tày, Lễ cấp sắc Pụt (Lẩu Pụt) của người Tày, Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ. Tỉnh đang xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với di sản “Bài thuốc gia truyền cho phụ nữ sau sinh nở của dân tộc Dao” và “Hát Lượn cọi của người Tày”. Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc Bắc Kạn đang góp sức gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể vùng miền hát Then.

Gìn giữ mạch nguồn di sản

Qua thời gian và trước những tác động của cuộc sống hiện đại, kho tàng di sản văn hóa quý báu của Bắc Kạn đang đứng trước nguy cơ dần mai một, cạn kiệt. Năm 2018, những người làm văn hóa ở Bắc Kạn cùng người dân tiếc nuối khi ông Triệu Tiến Vinh, dân tộc Dao ở Bản Cuôn 1, xã Ngọc Phái (huyện Chợ Đồn), người am hiểu, thông thạo nhất chữ viết của dân tộc Dao đột ngột qua đời. Ông Vinh từng tự bỏ tiền túi mở lớp dạy chữ của người Dao cho thế hệ trẻ trong vùng, được đông đảo bà con và trẻ em yêu quý, biết ơn. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, nguy cơ mai một đang ở mức cao, nhất là các di sản thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết, như chữ Nôm Dao và chữ Nôm Tày; số người am hiểu về các di sản chỉ đếm trên đầu ngón tay; đa số thanh niên ít quan tâm học và thực hành các di sản quý báu của cha ông để lại… Tuy nhiên, ở Bắc Kạn hiện vẫn có một số cá nhân nặng lòng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Như trường hợp anh Mã Trung Trực ở thôn Bản Hon, xã Bành Trạch (huyện Ba Bể) với niềm say mê hát Then đã mày mò chế tạo đàn Tính, sưu tầm được nhiều làn điệu Then cổ có nguy cơ thất truyền như Khảm hải (vượt biển), Tứ quý, Kể công cha mẹ, Chữ Trung, Chữ Hiếu, lễ tiết… Anh đứng ra thành lập Câu lạc bộ Hát Then Trung Trực với 13 thành viên thường trực và hơn 400 thành viên không thường trực ở trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, anh Trực và câu lạc bộ đã mở hơn 20 lớp hát Then, mỗi lớp từ 60 đến 70 học viên, đào tạo trong vòng ba tháng để nhân rộng, lan tỏa tình yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống đến đông đảo mọi người, mọi miền…

Thời gian qua, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể địa phương, Bắc Kạn từng bước đầu tư nghiên cứu, triển khai nhiều dự án. Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Kạn Mai Thị Nga cho biết, từ tài trợ của Quỹ Bill và Melinda Gates (Mỹ), đơn vị được trang bị máy chủ, máy chiếu, máy quét ảnh, 40 máy tính, thiết bị ngoại vi… đáp ứng cho việc số hóa các tài liệu, thư tịch cổ. Đến nay, đơn vị đã tổ chức điền dã, chụp ảnh thu thập được 88 hiện vật, hơn 64 cuốn thư tịch cổ với 3.497 trang tư liệu có nội dung về cách thức tiến hành nghi lễ của các di sản văn hóa phi vật thể. Tháng 9-2018, tỉnh đầu tư triển khai dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020”. Theo đó, tập trung bảo vệ, phát huy ba di sản văn hóa phi vật thể là Lễ cấp sắc của người Tày, Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày và Nghệ thuật múa khèn của người Mông. Dự án sẽ phục dựng các di sản; mở chín lớp truyền dạy; xây dựng ba phim quảng bá, có phụ đề tiếng dân tộc với 300 đĩa DVD.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn Hà Văn Trường cho biết, trước mắt, ngành triển khai bảo tồn, phát huy trên diện hẹp thông qua xây dựng các mô hình điểm. Trên cơ sở đó, huy động xã hội hóa, tiếp tục bảo tồn, phát huy trên diện rộng để làm sao đưa di sản “sống” được trong cộng đồng. Tỉnh xác định thực hiện gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể với phát triển du lịch, nhất là các làng homestay tại khu vực hồ Ba Bể nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi về giá trị di sản, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Theo Nhandan

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×