Bắc Kạn: Đẩy mạnh công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích
25/01/2019 | 16:40Nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn sau khi xếp hạng đã và đang nhận được sự quan tâm đầu tư, tôn tạo góp phần bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, qua kiểm kê, số lượng di tích cần được lập hồ sơ khoa học để xếp hạng vẫn còn nhiều. Vì thế, cần đẩy mạnh công tác lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích trong thời gian tới.
Di chỉ khảo cổ hang Nà Mò, xã Hương Nê (huyện Ngân Sơn) được đưa vào danh mục lập hồ sơ xếp hạng di tích trong năm 2019.
Sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), ngành chức năng của tỉnh đã chủ động phối hợp, làm việc với sở, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên và tiếp nhận bàn giao một số di tích các loại trên địa bàn của tỉnh Bắc Kạn gồm: 06 di tích cấp quốc gia thuộc huyện Chợ Đồn và một số di tích đã kiểm kê nhưng chưa xếp hạng tại các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Chợ Mới, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn. Từ đó đến nay, hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn tiếp tục triển khai thực hiện khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di tích trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích với tiến độ bình quân 02 di tích/năm, đây là con số rất ít so với số di tích đã kiểm kê cần được lập hồ sơ khoa học để xếp hạng, nguyên nhân do số kinh phí được cấp hằng năm chỉ đủ thực hiện lập 02 hồ sơ di tích.
Thực tế cho thấy, quá trình lập hồ sơ, số liệu di tích đã có nhiều biến động. Tính đến năm 2015 có 01 di tích quốc gia đặc biệt; 12 di tích quốc gia; 36 di tích cấp tỉnh. Năm 2016, khi lập hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt đã gộp 06 di tích cấp quốc gia; 03 di tích lịch sử cấp tỉnh; 16 di tích đã kiểm kê thành 01 di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn. Do đó đến thời điểm hiện tại (tháng 01/2019) số di tích đã được xếp hạng các cấp là: 02 di tích quốc gia đặc biệt; 06 di tích quốc gia; 36 di tích cấp tỉnh.
Toàn tỉnh có 108 di tích đã kiểm kê nhưng chưa được lập hồ sơ khoa học để xếp hạng. Số di tích chưa xếp hạng phân bố không đồng đều trên địa bàn các huyện, thành phố và gồm nhiều loại hình khác nhau (Di tích lịch sử; di tích lịch sử - văn hóa; di tích danh lam thắng cảnh; di tích khảo cổ). Trong số này, huyện Ba Bể còn 31 di tích; huyện Bạch Thông còn 15 di tích; huyện Chợ Đồn còn 30 di tích; huyện Chợ Mới còn 10 di tích; huyện Na Rì còn 10 di tích; huyện Ngân Sơn còn 8 di tích; huyện Pác Nặm còn 01 di tích và TP. Bắc Kạn còn 03 di tích.
Đồng chí Hà Văn Trường - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết: Tiến độ lập hồ sơ khoa học di tích để xếp hạng còn rất chậm với số lượng trung bình là 02 di tích/năm. Trong khi đó, di tích phải được xếp hạng mới có đầy đủ căn cứ pháp lý trong việc quản lý, tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị và bố trí kinh phí trông coi, bảo vệ theo Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 06/8/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn và các văn bản liên quan. Do vậy, năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu xây dựng Đề án lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2019 - 2025 và đã được phê duyệt tại Quyết định số 2153/QĐ-UBND ngày 14/12/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn.
Theo đó, giai đoạn 2019 - 2025 sẽ tập trung ưu tiên lập hồ sơ khoa học, xếp hạng cho các di tích liên quan đến di tích quốc gia đặc biệt và hành trình theo chân Bác Hồ…, các di tích còn di vật, cổ vật, tài liệu, dấu vết, nhân chứng sống; danh lam thắng cảnh đẹp tự nhiên với tổng số 53 di tích (gồm: 44 di tích lịch sử; 01 di tích lịch sử - văn hóa; 05 di tích danh lam thắng cảnh; 03 di tích khảo cổ). Đối với 55 di tích đã kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng còn lại sẽ nghiên cứu, kiểm kê lại và thu thập thêm tư liệu để thực hiện trong giai đoạn sau.
Cũng theo đồng chí Hà Văn Trường, giai đoạn 2019 - 2025 trung bình sẽ được xếp hạng 7 đến 8 di tích/năm. Để việc triển khai bảo đảm đạt kế hoạch đề ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Bảo tàng tỉnh trực tiếp triển khai công việc. Tuy nhiên, việc tiến hành lập hồ sơ trong thực tế cũng sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định do các di tích không tập trung, do tác động của thiên nhiên, con người… nên một di tích còn rất ít dấu tích hoặc khó xác định dấu tích, các nhân chứng già hoặc chết… Do vậy, để bảo đảm hoàn thành các nội dung công việc theo kế hoạch, rất cần sự phối hợp, sự vào cuộc của các địa phương, đơn vị liên quan và nhân dân. Cùng với đó, nguồn kinh phí để việc thực hiện cần được cấp đúng, cấp đủ theo Quyết định số 2153/QĐ-UBND ngày 14/12/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn./.