Bắc Giang: Tổ chức lớp truyền dạy ca trù cho các nghệ nhân, ca nương tại cơ sở
14/05/2020 | 10:22Bắc Giang tổ chức lớp truyền dạy ca trù cho các nghệ nhân, ca nương tại cơ sở; Bắc Kạn đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật; Yên Bái triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới là những thông tin văn hóa đáng chú ý.
Bắc Giang: Tổ chức lớp truyền dạy ca trù cho các nghệ nhân, ca nương tại cơ sở
Theo thông tin được đăng tải trên Báo Bắc Giang, sáng 13/5, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tổ chức lớp truyền dạy ca trù năm 2020 cho hơn 40 học viên là cán bộ trung tâm văn hóa, nghệ nhân, ca nương, kép đàn đến từ 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 7 câu lạc bộ ca trù với hơn 100 ca nương, kép đàn của các huyện, thành phố. Việc tổ chức lớp học sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Đề án "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2011-2020"; đồng thời tạo cơ hội để các nghệ nhân, ca nương,…học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Cụ thể, lớp học sẽ diễn ra trong 10 ngày. Tại đây, dưới sự dẫn dắt của Nghệ sĩ Ưu tú Quỳnh Mai; nghệ sĩ Bá Chung, Thanh Liêm (Nhà hát Chèo Bắc Giang), các học viên sẽ được cung cấp, trang bị những kiến thức và thực hành: gõ phách, lấy nhịp,…
Sau khi kết thúc, cán bộ trung tâm văn hóa, các học viên trở về địa phương tiếp tục truyền dạy cho những người yêu hát ca trù ở cơ sở; đồng thời, đề xuất với chính quyền, ngành chức năng thành lập mới các câu lạc bộ, đội nghệ thuật ca trù.
Bắc Kạn: Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật
Trong Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội", Sở VHTTDL Bắc Kạn đã đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiệu hiệu quả Chỉ thị trong thời gian tới.
Cụ thể, Sở VHTTDL sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng lâu dài của các sản phẩm văn hóa độc hại đến các tầng lớp nhân dân, cơ sở kinh doanh, sản xuất sản phẩm văn hóa...; tập trung tuyên truyền và giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật cho mỗi người dân khi sử dụng các trang mạng xã hội, tránh tiếp tay cho các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội; Tăng cường công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh thiếu niên; tăng cường giám sát và phát hiện thông tin sai phạm; đồng thời đổi mới phương thức tuyên truyền của hệ thống truyền thông; cung cấp các văn bản pháp luật, quan điểm chính thức của Đảng và Nhà nước trên các phương tiện truyền thông đại chúng giúp định hướng người sử dụng mạng xã hội trước các vấn đề nhạy cảm; xây dựng ý thức công dân và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội.
Chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng trong nhà trường; giúp các em học sinh, sinh viên biết chăm sóc bản thân và biết cách bảo vệ mình được an toàn và khỏe mạnh; hướng đến giáo dục toàn diện năng lực và phẩm chất học sinh để đáp ứng công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Sở VHTTDL sẽ đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu về văn hóa dân gian, văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bắc Kạn, các sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng; quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật; có cơ chế hỗ trợ, bồi dưỡng, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt ưu tiên xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật nhằm kịp thời định hướng đúng dư luận, đấu tranh với các luồng văn hóa xấu, độc hại; đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, pháp luật, truyền thống cho thanh thiếu niên phù hợp với từng đối tượng, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình đội xung kích an ninh, câu lạc bộ Tuổi trẻ với pháp luật, các đội tuyên truyền măng non và an ninh măng non.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ làm công tác quản lý văn hóa, nhất là ở khâu thẩm định, thanh tra, kiểm tra văn hóa. Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về chính sách, cơ chế trong công tác quản lý xã hội, quản lý văn hóa nhằm ngăn chặn, bài trừ có hiệu quả sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại.
Tăng cường đầu tư, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa. Nâng cao chất lượng hoạt động của Thư viện huyện, thư viện cấp xã, các trường học và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm văn nghệ, thể dục thể thao, đảm bảo có sức hấp dẫn, thu hút thanh thiếu niên, học sinh tham gia. Quản lý tốt các hoạt động văn hóa, nhất là các loại hình dịch vụ văn hóa, bảo đảm phát triển lành mạnh, đúng quy định, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở.
Yên Bái: Triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới
Đây là một trong những nội dung nằm trong kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Yên Bái năm 2020.
Cụ thể, tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đặc biệt là bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, Bộ luật Lao động và các văn bản có liên quan về lao động thông qua các hình thức phù hợp với từng địa phương, đơn vị và đặc thù từng nhóm đối tượng; tổ chức các buổi truyền thông về bình đẳng giới tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi về công tác bình đẳng giới cho cán bộ, nhân dân, học sinh và sinh viên, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong các hoạt động chuyên môn của đơn vị, địa phương; tuyên truyền giới thiệu về các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới tại địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và thực hành về bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tốt, người có uy tín ảnh hưởng tích cực tại cộng đồng trong thực hiện bình đẳng giới; triển khai các hoạt động thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong thực hiện bình đẳng giới.