Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Giang phát triển du lịch: Khai thác lợi thế, tạo bản sắc riêng

28/02/2024 | 13:46

Bắc Giang có nhiều danh lam thắng cảnh, vùng cây ăn quả trù phú, thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp. Để phát huy lợi thế, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đẩy mạnh khai thác tiềm năng, gắn hoạt động du lịch với tiêu thụ nông sản đặc trưng.

Nhiều nét mới

Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 112) xác định, Bắc Giang tập trung xây dựng 4 sản phẩm du lịch chính là: Văn hóa - tâm linh; sinh thái - nghỉ dưỡng; vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ chất lượng cao. Để thực hiện, các huyện, TP đã ban hành nghị quyết và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tại địa phương.

Bắc Giang phát triển du lịch: Khai thác lợi thế, tạo bản sắc riêng - Ảnh 1.

Điểm du lịch Vạn Hoa Hồ Va (Lục Nam). Ảnh: Thanh Thắng.

Tại huyện Lục Nam, Huyện ủy đã có Nghị quyết chuyên đề về khuyến khích và thu hút đầu tư đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; đưa ngành du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, nhiệm kỳ 2020-2025. Huyện đã tranh thủ nguồn lực để nâng cấp, cải thiện hạ tầng cơ sở giúp thay đổi, làm đẹp cảnh quan, kết nối thuận tiện giữa các khu, điểm du lịch.

Đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “Huyện tập trung nâng cấp hạ tầng khu du lịch tâm linh sinh thái theo con đường bộ hành của Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phục dựng; Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án sân golf và nghỉ dưỡng tại các xã: Chu Điện, Yên Sơn, Khám Lạng. Khai thác lợi thế về địa hình, huyện khuyến khích xây dựng làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: Du lịch cộng đồng nghỉ dưỡng homestay tại thôn Vĩnh Ninh, xã Lục Sơn; thôn Dùm, xã Nghĩa Phương; dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, homestay tại thôn Đồng Vành, xã Lục Sơn”.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định công nhận điểm du lịch cộng đồng Vạn Hoa Hồ Va tại xã Đông Phú (Lục Nam). Điểm du lịch này nằm trong khu vực hồ Va bao quanh là đồi núi tạo ra quang cảnh sơn thủy hữu tình. Hiện nơi đây đang được đầu tư xây dựng hạ tầng với các hạng mục: Khu nông trại trồng trọt, chăn nuôi, các nhà hàng, nhà cộng đồng, bãi đỗ xe, đường giao thông hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, 4 sản phẩm du lịch chính của tỉnh cơ bản đã được hình thành, khai thác có hiệu quả. Đơn cử như không gian du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên; chè bản Ven (Yên Thế); không gian du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch golf tại các huyện Yên Dũng, Việt Yên, Lục Nam.

4 điểm giới thiệu, bán sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP được xây dựng tại các khu, điểm du lịch của tỉnh. Năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tăng 51% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1,45 nghìn tỷ đồng, tăng 123%.

Phấn đấu đạt mục tiêu 3 triệu lượt khách du lịch

Nghị quyết 112 đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh thu hút 3 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động.

Bắc Giang phát triển du lịch: Khai thác lợi thế, tạo bản sắc riêng - Ảnh 2.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch bản Ven. Ảnh: Công Doanh.

Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, liên kết đồng thời bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ làm du lịch; nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động du lịch. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2030, tạo diện mạo, cảnh quan mới tại các khu, điểm du lịch”.

Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh thu hút 3 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động.

Cùng đó, để phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, các ngành chức năng và các địa phương đang tích cực triển khai các bước thu hút đầu tư dự án tại Khuôn Thần (Lục Ngạn); đẩy nhanh tiến độ Dự án khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Khe Hang Dầu (Yên Dũng). Mời gọi đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao tại TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và một số huyện.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Yên Dũng, huyện dành nhiều nguồn lực và huy động để đầu tư phát triển du lịch văn hóa - tâm linh, sinh thái. Trong đó, tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất lớn tập trung tại địa bàn thị trấn Nham Biền và xã Lãng Sơn; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm. Hình thành, khai thác tour du lịch trải nghiệm khám phá vẻ đẹp dãy Nham Biền, chinh phục đỉnh Non Vua huyền thoại gắn với điểm du lịch Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng - chùa Kem.

Đẩy mạnh liên kết vùng du lịch đối với các địa phương lân cận đồng thời chú trọng làm tốt công tác định hướng xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương gắn với du lịch golf. Xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai chuyển đổi số trong ngành du lịch và phát triển nguồn nhân lực làm công tác du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa, quan tâm giáo dục kỹ năng nghề du lịch cho lực lượng lao động địa phương.

Tại các huyện Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, các cấp chính quyền tiếp tục bám sát nghị quyết của BTV Huyện ủy về phát triển du lịch tại địa phương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch; kêu gọi, thu hút nhà đầu tư vào các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng.

Tuyên truyền, vận động nhân dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tại các điểm du lịch tiếp tục đầu tư hạng mục công trình, sản phẩm, tôn tạo cảnh quan, không gian, khai thác những yếu tố văn hóa truyền thống để tạo sức hấp dẫn. Đồng thời, rà soát, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa các sản phẩm nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng của địa phương; xây dựng, nâng chất lượng các sản phẩm OCOP để giới thiệu đến du khách.

Theo Báo Bắc Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×