Bắc Giang: Phát hiện nhiều di vật khảo cổ tại di tích chùa Bình Long (Bát Nhã)
24/08/2021 | 14:22Bảo tàng tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành khảo sát, thám sát và khai quật khảo cổ học tại địa điểm di tích chùa cổ Bình Long (Bát Nhã) thuộc xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam và phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc, di vật khảo cổ quý, có giá trị về văn hóa, lịch sử. Kết quả này góp phần làm cơ sở xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Đoàn khảo cổ đã khai quật trên diện tích hơn 200 m2, tập trung chủ yếu ở khu vực nền chùa, vị trí trung tâm, đã tìm thấy dấu tích và mặt bằng kiến trúc chùa Bình Long qua các giai đoạn xây dựng và biến đổi, kéo dài từ thế kỷ XIII - XIV (thời Trần) đến đầu thế kỷ XX (thời Nguyễn).
Kết quả khai quật đã thu được một khối lượng tương đối các loại hình di vật, tập trung chủ yếu là chân tảng cột, đồ thờ tự, đồ sinh hoạt (đá lấy lửa, bát, đĩa, lu sành, chum sành…), góp phần bổ sung cho việc nghiên cứu và xác định niên đại của di tích qua các thời kỳ lịch sử.
Trong quá trình mở rộng điều tra, khảo sát, khai quật còn phát hiện thêm nhiều địa điểm có dấu tích kiến trúc cổ phân bố trong khu vực chùa ở núi Bát Nhã, giúp ích cho quá trình nhận thức và định hướng nghiên cứu, quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo trong thời gian tới. Đồng thời, là cơ sở thu thập tư liệu phục vụ cho việc xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Di tích chùa Bình Long (Bát Nhã) được dân gian truyền tụng là một trung tâm Phật giáo, là danh lam cổ tự lớn dưới thời Lý - Trần, có quan hệ mật thiết với chùa Vĩnh Nghiêm và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa Bình Long được phát triển mạnh vào thời Trần với quy mô to lớn, rộng khắp cả sườn núi Bát Nhã; thời Lê - Mạc, chùa được di chuyển xuống chân núi Gốm. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian và chiến tranh tàn phá, ngôi chùa đã trở thành một phế tích, chỉ còn lại dấu tích tường bao được xây dựng bằng kỹ thuật trình. Đến đầu thế kỷ XX, chùa Bình Long đã được nhân dân địa phương trùng tu, tôn tạo lại ở vị trí trung tâm làng Chùa (xã Huyền Sơn).