Bắc Giang: Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
24/08/2018 | 16:04Bắc Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển du lịch; so với giai đoạn trước, đến nay hình ảnh du lịch Bắc Giang đã có nhiều thay đổi, được người dân trong và ngoài tỉnh quan tâm; đã bước đầu hình thành sản phẩm du lịch văn hoá – tâm linh, du lịch văn hoá – lịch sử thu hút khách du lịch.
Lượng khách du lịch đến Bắc Giang liên tục tăng mạnh. Năm 2017 đạt 1.200.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt: 7.040 lượt), doanh thu đạt 750 tỷ đồng, đạt 114,3% so với kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2018, đạt 950.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt: 9.394 lượt), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm.
Quy hoạch tổng thể khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử.
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TU ngày 30/3/2016; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 30/5/2016 về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020. Sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, 100% các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch của địa phương. Ngoài ra, Huyện ủy Yên Dũng, Yên Thế đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch và xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm; các sở, ngành tỉnh có liên quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được phân công.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch ngày càng đổi mới, đã đăng tải gần 2.000 tin, bài, ảnh, phóng sự về hoạt động du lịch của tỉnh trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Sở VHTTDL đã phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh, thành phố đăng gần 100 tác phẩm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bắc Giang; thiết kế chuyên trang “Du lịch Bắc Giang”, tổ chức cuộc thi ảnh “Nét đẹp Bắc Giang”, “Bắc Giang quê hương tôi” trên Báo Bắc Giang. Phối hợp tuyên truyền về Tây Yên Tử trên truyền hình VTV và Báo Nhân Dân...,tổ chức Cuộc thi sáng tác sản phẩm lưu niệm du lịch tỉnh Bắc Giang và đã chọn ra 16 sản phẩm đạt giải. Các huyện, thành phố mỗi năm in và phát trên 100 nghìn tờ rơi, tờ gấp, đĩa VCD, sách, phóng sự, dựng biển quảng cáo tuyên truyền giới thiệu về hệ thống di tích lịch sử-văn hóa; xây dựng chuyên trang về du lịch trên trang thông tin điện tử của huyện.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được chú trọng; từ năm 2006 đến nay có thêm 02 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, cùng với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế được xếp hạng năm 2012; một số lễ hội lớn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 3 hiện vật tiêu biểu được công nhận bảo vật quốc gia...là cơ sở để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Việc xây dựng sản phẩm du lịch Tây Yên Tử, tạo điểm nhấn đối với du lịch Bắc Giang được triển khai tích cực, đến nay các hạng mục công trình chính cơ bản hoàn thành, dự kiến khánh thành chùa Thượng, tuyến cáp treo và các công trình vào cuối năm 2018. Đã mở tuyến xe buýt Bắc Giang - Vĩnh Nghiêm - Tây Yên Tử (Sơn Động) để phục vụ du khách.
Việc đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm, nhất là hệ thống giao thông; một số dự án mới được hoàn thành, đưa vào hoạt động, khai thác như: Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, khu du lịch tâm linh -sinh thái Tây Yên Tử (giai đoạn 1), khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (xã Nhã Nam, huyện Tân Yên), sân golf Yên Dũng, thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng, số nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn tăng cao, hiện có 360 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 4.700 buồng nghỉ (02 khách sạn 4 sao: Mường Thanh và Ravatel, 8 khách sạn 2 sao, 13 khách sạn 1 sao), tăng 44 cơ sở so với trước khi có Nghị quyết.Hoạt động kinh doanh lữ hành đã dần đi vào nền nếp, có 27 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động thường xuyên (trong đó 4 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế), tăng 9 doanh nghiệp so với trước khi có Nghị quyết.
UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở để đầu tư và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2020 tiếp tục được thực hiện, trước mắt tập trung nâng cấp 2 điểm du lịch cộng đồng tại Bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế và Khe Rỗ, xã An Lạc, huyện Sơn Động. Đã quy hoạch chi tiết các nút giao đường tỉnh 293 để thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Công ty Cổ phần tập đoàn FLC khảo sát, lập quy hoạch, lập dự án đầu tư ”Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái thể thao và vui chơi giải trí FLC Bắc Giang” tại khu vực hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, quy mô khoảng 400ha. Chấp thuận dự án đầu tư du lịch khe Hang Dầu, huyện Yên Dũng.
Đã bố trí vốn ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng du lịch với tổng kinh phí khoảng 290 tỷ đồng. Dự án sân golf Trung Sơn, huyện Việt Yên đã được bổ sung vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, sân golf Lục Nam đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào Quy hoạch.
Ngày 13/10/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3211/KH-UBND về việc tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017-2020. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch được chú trọng, chất lượng đang từng bước được cải thiện. Đã tổ chức 8 lớp (450 người) tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch; tổ chức thành công Hội thi Hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất năm 2016. Tại các điểm du lịch chính như: Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế; Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND (xã Nhã Nam, huyện Tân Yên); Khu di tích chiến thắng Xương Giang (thành phố Bắc Giang); chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) đã bố trí hướng dẫn viên, thuyết minh viên phục vụ du khách, chất lượng ngày một nâng lên.
Công tác mở rộng liên kết và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế về du lịch đang từng bước được thực hiện thông qua các hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch, tham gia gian hàng để quảng bá các sản phẩm du lịch của tỉnh; mời các tỉnh bạn về khảo sát một số khu, điểm du lịch của tỉnh; tổ chức khảo sát, tọa đàm phát triển tour du lịch mùa vải thiều huyện Lục Ngạn. Phối hợp với cơ quan, tổ chức của Nhật Bản tại Việt Nam, các tình nguyện viên của tổ chức JICA tổ chức giao lưu văn hóa Nhật Bản; tổ chức 2 lễ tiếp nhận và trồng cây hoa anh đào do Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt trao tặng; đón tiếp Đại sứ Ấn Độ về thăm và trao tặng cây Bồ Đề trồng tại khu du lịch tâm linh -sinh thái Tây Yên Tử, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh.
Khu du lịch Suối Mỡ - huyện Lục Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển du lịch còn một số hạn chế chính như: Một số ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển du lịch; chưa xây dựng được khu du lịch, điểm du du lịch nào có tầm cỡ, tạo điểm nhấn, gây ấn tượng cho du khách và có tác dụng nhận diện địa phương; việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư du lịch còn chậm; kinh phí dành cho hoạt động du lịch còn hạn chế; một số khu, điểm du lịch công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; hoạt động kinh doanh du lịch còn mang tính mùa vụ; chưa có sự kết nối giữa các khu, điểm du lịch của tỉnh với các khu du lịch lớn của các tỉnh, thành phố lân cận; các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh chưa thực sự quan tâm đến việc liên kết với các doanh nghiệp du lịch ngoài tỉnh đưa khách du lịch về tỉnh.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết, từ nay đến năm 2020 cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tập trung hỗ trợ, thúc đẩy triển khai và hình thành các dự án du lịch đã có và tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn để đầu tư du lịch vào Khuôn Thần, Nham Biền, Đồng Cao, Suối Mỡ... Trong đó tập trung cao hỗ trợ Tập đoàn FLC triển khai dự án tại Khuôn Thần, Lục Ngạn. Thu hút thêm các dự án khách sạn 3-5 sao để tăng năng lực phục vụ lưu trú du lịch.Tập trung xây dựng và phát triển 3 sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng, xây dựng sản phẩm du lịch ở các huyện có tiềm năng; xây dựng Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh. Đẩy mạnh quảng bá, liên kết du lịch, liên kết vùng, xây dựng tour tuyến du lịch, triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Bắc Giang, trong đó tập trung thu hút thị trường khách du lịch Hà Nội, Trung Quốc; phấn đấu tăng lượt khách du lịch 25-30%/năm, tăng số ngày lưu trú và mức chi tiêu của du khách. Phát triển các dịch vụ có liên quan để hỗ trợ phát triển du lịch. Quan tâm bồi dưỡng, hỗ trợ cho người dân sinh sống ở xung quanh các di tích lịch sử, các khu du lịch nâng cao nhận thức và tích cực tham gia các dịch vụ phục vụ du khách; bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch; phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân golf Trung Sơn, huyện Việt Yên; thúc đẩy triển khai dự án xây dựng sân golf Khám Lạng, huyện Lục Nam; thực hiện giai đoạn 2 sân golf Yên Dũng. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch.
Với những cơ hội, lợi thế như trên; sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh; thời gian tới,Bắc Giangsẽtrở thành tỉnh có thương hiệu du lịch; là điểm đến của khu vực Đông Bắc bộ, Trung du và miền núi phía Bắcvà đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Theo SVHTTDL Bắc Giang