Bắc Giang: Liên kết phát triển du lịch thu hút khách tham quan
02/12/2021 | 13:23Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch trong và ngoài tỉnh tăng cường liên kết thông qua ký kết, quảng bá, khảo sát, xây dựng các tour tham quan hấp dẫn để thu hút khách.
Nhiều điểm đến hấp dẫn
Trước đây nhắc đến Bắc Giang, du khách trong và ngoài tỉnh rất khó để chọn một tour du lịch. Lý do là hệ thống đường giao thông đến các khu, điểm du lịch chưa được đầu tư nhiều, trong khi sản phẩm du lịch còn đơn điệu; sự phối hợp giữa các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhờ liên kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch, nhất là công tác tuyên truyền, quảng bá, nhiều tour dần hình thành, thu hút du khách.
Có thể kể đến một số điểm đến hấp dẫn như: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), Địa điểm Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang) và Khu du lịch Suối Mỡ (Lục Nam), Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), cây Dã hương đại thụ (Lạng Giang); điểm du lịch cộng đồng xã An Lạc (Sơn Động), bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế).
Nếu như trước kia, số các đoàn du lịch chủ yếu là người trong tỉnh thì nay các công ty lữ hành ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương đã bắt tay liên kết với thành viên Hiệp hội Du lịch của tỉnh xây dựng các tour đưa khách đến.
Với không khí trong lành, những cánh rừng nguyên sinh đẹp, hệ thống chùa, cùng bản sắc văn hóa độc đáo của người Dao, lại tiếp giáp với chùa Đồng (Quảng Ninh), Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử đang là lựa chọn ưu tiên đối với các công ty lữ hành khi xây dựng tour về Bắc Giang.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử cho biết: Doanh nghiệp đang lên kế hoạch liên kết với một số đơn vị tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch mang tính định kỳ tại đây (triển lãm, trưng bày, hội chợ...) để giới thiệu về vùng đất, con người, tiềm năng thế mạnh du lịch của Bắc Giang. Qua đó, các đơn vị sẽ có sự liên kết, hỗ trợ, thu hút khách đến đây nhiều hơn, đồng thời chia sẻ lợi ích giữa các bên.
Mới đây, Công ty Lữ hành Hanoitourist (Hà Nội) xây dựng tour "Theo dấu chân Phật hoàng" với hành trình tham quan quần thể danh thắng vùng Tây Yên Tử (Sơn Động), chùa Đồng (Quảng Ninh) và chùa Vĩnh Nghiêm. Ngày 23/10 vừa qua, đơn vị đã đưa đoàn khách đầu tiên tham quan tour này sau khi tỉnh Bắc Giang cho phép một số hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Tham gia tour, khách được hưởng bảo hiểm du lịch và tặng gói bảo hiểm Covid-19. Đại diện Công ty đánh giá rất cao về tiềm năng du lịch của Bắc Giang, nhất là vùng Tây Yên Tử, đồng thời cho biết sẽ liên kết chặt chẽ với các đơn vị làm du lịch trong, ngoài tỉnh khảo sát để đưa khách đến đây và những điểm tham quan hấp dẫn khác trên địa bàn tỉnh.
Tour du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả kết hợp tham quan hồ Cấm Sơn, chùa Am Vãi ở huyện Lục Ngạn cũng được nhiều công ty du lịch lựa chọn, khai thác. Bà Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục, thương mại và du lịch Việt Hưng chia sẻ: Thời gian qua, doanh nghiệp đã liên kết với nhiều nhà vườn ở xã Thanh Hải, Trù Hựu, Quý Sơn đưa khách đến trải nghiệm, nhất là vào mùa vải thiều, cam, bưởi kết hợp du lịch hồ Cấm Sơn, tham quan cao nguyên Đồng Lâm, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).
"Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, có thời điểm chúng tôi đưa 15-20 đoàn/tháng về Lục Ngạn, trong đó phần lớn là du khách Hà Nội, nhiều người quay trở lại 2-3 lần", bà Thảo nói.
Mở rộng liên kết
Cùng với việc bắt tay liên kết của các doanh nghiệp làm du lịch, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng tỉnh thường xuyên trao đổi, xây dựng, ký kết các chương trình hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương xây dựng Kế hoạch phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về hợp tác phát triển du lịch-văn hoá, giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, 2 bên xây dựng sản phẩm và hệ thống tuyến, điểm du lịch chung dựa trên thế mạnh về sản phẩm du lịch đặc trưng của Hải Dương và Bắc Giang; tổ chức các chuyến khảo sát kết nối du lịch giữa quần thể Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm với Khu Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Hải Dương). Dù mới khởi đầu song số lượng khách từ Hải Dương, Quảng Ninh đến Bắc Giang ở thời điểm không có dịch Covid-19 có xu hướng tăng, nhất là dịp đầu xuân và những ngày nghỉ cuối tuần.
Tỉnh Bắc Giang cũng tích cực liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Bắc (Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc) với hàng loạt các hoạt động như: Ký kết hợp tác, xúc tiến, quảng bá, tọa đàm, hội thảo, trưng bày gian hàng; giới thiệu tour, điểm du lịch, đặc sản hấp dẫn cũng như bản sắc văn hóa độc đáo của các địa phương. Đáng chú ý, từ năm 2019 đến nay, vào mùa cam, bưởi, Sở VHTTDL phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn mời hàng trăm công ty lữ hành ở trong và ngoài tỉnh đến khảo sát, hội thảo về liên kết phát triển du lịch.
Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Bắc Giang cho biết: Nếu như dịch Covid-19 ở các địa phương trong và ngoài tỉnh được kiểm soát tốt, tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, đồng thời tìm kiếm đối tác phối hợp khảo sát, xây dựng các tour. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, quảng bá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
Tỉnh Bắc Giang đặt chỉ tiêu đón khoảng 3 triệu lượt khách vào năm 2025. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh liên kết. Vì vậy, thời gian tới, để việc liên kết đạt hiệu quả, chất lượng hơn, chính quyền, ngành chức năng, đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh quảng bá, khảo sát; xây dựng tour, tuyến.
Tham mưu ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là bãi đỗ xe, hệ thống nhà vệ sinh, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ, thành lập nhiều hợp tác xã du lịch cộng đồng, thu hút người dân tham gia làm du lịch./.