Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Giang khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa trọng điểm

08/12/2021 | 09:45

Với mục đích bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, nhiều di tích trọng điểm của tỉnh Bắc Giang được chính quyền, ngành chức năng, địa phương quan tâm đầu tư, khai thác có hiệu quả.

Tạo điểm nhấn

Tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm. Theo Quyết định phê duyệt, khu vực này có diện tích 40 ha. Nội dung chính của quy hoạch gồm: Bảo tồn nguyên trạng cấu trúc của khu chùa chính trong khuôn viên chùa; bổ sung các hạng mục công trình phụ trợ như: Tam quan, tháp Phổ Quang, nhà Tổ đệ tam, khu chế tác mộc bản và in kinh sách, giảng đường Phật học, bến thuyền du lịch, bãi đỗ xe…

Bắc Giang khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa trọng điểm - Ảnh 1.

Nhà trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) được đầu tư hơn 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa để xây dựng.

Ông Vũ Trí Thống, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch huyện Yên Dũng cho biết: “Việc quy hoạch không chỉ nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích mà còn kết nối chùa Vĩnh Nghiêm với các điểm di tích liên quan đến Phật giáo Trúc Lâm ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác trong tỉnh, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển KT-XH và du lịch của tỉnh. Trước đó, tháng 12/2017, nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cũng được đầu tư hơn 30 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa và ngân sách nhà nước”.

Tìm hiểu tại huyện Việt Yên, hiện có 95 di tích được các cấp xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (chùa Bổ Đà và đình Đông), 19 di tích cấp quốc gia. Giai đoạn 2016-2020, huyện có 34 di tích được tu bổ, tôn tạo với kinh phí gần 200 tỷ đồng.

Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: "UBND huyện đang phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà; tổ chức triển khai tu bổ, tôn tạo một số hạng mục di tích gốc thuộc quy hoạch chùa Bổ Đà như: Chùa Tứ Ân, chùa Cao, am Tam Đức, ao Miếu, chùa Khám, khu vườn tháp".

Được biết, thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020”, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trọng điểm được chính quyền, ngành chức năng, địa phương quan tâm.

Toàn tỉnh có hơn 700 di tích được xếp hạng, trong đó các di tích trọng điểm được quan tâm đầu tư như: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), địa điểm Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang), khu di tích Phồn Xương (Yên Thế), đình Nội (Tân Yên), đình Đông (Việt Yên), chùa Kem (Yên Dũng)…

Bên cạnh những giá trị về lịch sử, văn hóa, đây là những di tích có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị luôn được các địa phương ưu tiên, cụ thể hóa thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án ở từng giai đoạn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Nâng giá trị di tích

Ngoài các di tích trọng điểm, hệ thống di tích sườn Tây Yên Tử cũng được chính quyền, ngành chức năng quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị. Đến nay, qua khảo sát có hơn 130 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (chủ yếu là đình, đền, chùa) nằm trong khu vực Tây Yên Tử thuộc địa bàn các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động.

Bắc Giang khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa trọng điểm - Ảnh 2.

Một góc Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động).

Vài năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; lập hồ sơ đề nghị xếp hạng hàng chục điểm di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tổ chức các chương trình, đề tài khoa học nghiên cứu về sinh hoạt văn hóa, di tích, phong tục tập quán tín ngưỡng khu vực Tây Yên Tử; khai quật khảo cổ nghiên cứu về lịch sử văn hóa vùng Tây Yên Tử...

Đáng chú ý, tại các di tích trọng điểm, rất nhiều hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử; bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa được tổ chức. Ông Nguyễn Ngọc Hải, cán bộ phụ trách quản lý di tích địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang) cho biết: "Năm 2020, di tích đón hơn 50 đoàn với hơn 25 nghìn lượt khách. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng khách giảm hơn song vẫn có hơn 30 đoàn với khoảng 15 nghìn lượt khách đến đây.

Trong số đó, có nhiều công ty lữ hành phối hợp với các trường tổ chức hoạt động ngoại khóa. Qua đó, giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ". Hay như chùa Bổ Đà (Việt Yên), nhiều năm qua, đây được chọn là nơi tổ chức liên hoan hát quan họ cấp huyện và tỉnh. Hoạt động này nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của quan họ, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Điều đáng mừng, các di tích trọng điểm đã tạo dấu ấn trên bản đồ du lịch Bắc Giang, thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Các đơn vị làm du lịch, doanh nghiệp lữ hành đã phối hợp xây dựng các tour đưa các đoàn khách, chuyên gia đến tham quan, nghiên cứu. Nhiều di tích lắp wifi miễn phí, xây dựng mã QR tiện tra cứu, tìm kiếm thông tin.

Theo Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh sẽ có từ 190-215 di tích lịch sử, văn hóa được tu bổ, tôn tạo, phục hồi; giai đoạn 2026-2030, có từ 2-3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt.

Các đơn vị liên quan đang tập trung hoàn thiện lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, địa điểm chiến thắng Xương Giang, di tích An toàn khu II Hiệp Hòa... làm cơ sở để huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành thêm cơ chế, chính sách để thực hiện Đề án.

Trong đó, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội để tu bổ, tôn tạo di tích; quản lý và sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa công khai, minh bạch, đúng mục đích".

Theo Báo Bắc Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×