Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Giang: Hội thảo phát triển du lịch vùng Tây Yên Tử "theo dấu chân Phật Hoàng"

12/05/2022 | 16:12

Chiều 11/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang tổ chức hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng "Di tích danh thắng Tây Yên Tử" và "Con đường bộ hành của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử".

Dự hội thảo có bà Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Hội Lữ hành Việt Nam; Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch; Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; một số trường đại học. Cùng dự còn có lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh: Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lạng Sơn; một số sở, cơ quan của tỉnh Bắc Giang; UBND các huyện, thành phố, 50 doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh.

Bắc Giang: Hội thảo phát triển du lịch vùng Tây Yên Tử "theo dấu chân Phật Hoàng" - Ảnh 1.

Đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL Bắc Giang, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội Lữ hành Việt Nam; Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch đồng chủ trì hội thảo.

Bắc Giang là địa phương gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm với con đường tu hành của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được đặt trong mối liên hệ với các khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh); Khu Di tích lịch sử, văn hóa Thanh Mai - Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Những năm qua, du lịch Bắc Giang từng bước phát triển góp phần làm thay đổi diện mạo một số địa phương trong tỉnh, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo; đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Từ tỉnh Bắc Giang cũng có khả năng kết nối thuận lợi với một số điểm du lịch trọng điểm như Mẫu Sơn (Lạng Sơn); hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Hạ Long (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) và một số địa phương khác trong vùng.

Bắc Giang: Hội thảo phát triển du lịch vùng Tây Yên Tử "theo dấu chân Phật Hoàng" - Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Hoa phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, qua đánh giá, phát triển du lịch của tỉnh còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Quá trình triển khai đầu tư hạ tầng cơ sở chưa theo kịp yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội; chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn của tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung, như: Đánh giá, làm rõ hơn những giá trị tiềm năng, lợi thế du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử; sinh thái, nghỉ dưỡng của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là sản phẩm du lịch tâm linh gắn với vùng đất thiêng Tây Yên Tử; đề xuất các giải pháp hiệu quả trong liên kết, phát triển, thu hút khách du lịch đến với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh khác trong vùng và khu vực. Chính sách, chương trình hành động, hợp tác đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh. Kinh nghiệm xây dựng tour, tuyến du lịch. Các giải pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; thu hút đầu tư du lịch...

Bắc Giang: Hội thảo phát triển du lịch vùng Tây Yên Tử "theo dấu chân Phật Hoàng" - Ảnh 3.

Bà Trần Nữ Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn khách sạn Đông Á phát biểu tại hội thảo.

Nhiều ý kiến cho rằng du lịch Bắc Giang đi sau nhiều tỉnh, thành phố song tiềm năng du lịch của tỉnh rất lớn, đặc biệt là du lịch tâm linh-sinh thái vùng Tây Yên Tử thuộc địa bàn các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Sản phẩm cốt lõi của Bắc Giang là tuyến du lịch Tây Yên Tử. Tỉnh cần xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn du khách, không cạnh tranh mà cần có sự bắt tay liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận, các doanh nghiệp để cùng phát triển.

Quá trình tôn tạo, tu bổ các di tích cần phải bảo đảm tính nguyên gốc, hạn chế xi măng, bê tông hóa. Khai thác những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc để phát triển du lịch. Cần có chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở. Chú trọng du lịch cộng đồng, huy động người dân tham gia làm du lịch. Đặc biệt, cần phải có cơ chế chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư làm du lịch.

Bắc Giang: Hội thảo phát triển du lịch vùng Tây Yên Tử "theo dấu chân Phật Hoàng" - Ảnh 4.

Quang cảnh hội thảo.

Theo bà Hoàng Thị Hoa và đại diện một số doanh nghiệp, du lịch muốn phát triển thì cần phải có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang tăng cường quảng bá, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, có sự tham gia của các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu có uy tín để bàn bạc từng chủ đề, từng lĩnh vực sao cho phù hợp.

Bắc Giang: Hội thảo phát triển du lịch vùng Tây Yên Tử "theo dấu chân Phật Hoàng" - Ảnh 5.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Hội thảo là diễn đàn để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch các tỉnh trong vùng phát triển nhanh, bền vững. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Bắc Giang có những định hướng, giải pháp phát triển du lịch, tạo điểm nhấn để thu hút du khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Theo Báo Bắc Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×