Bắc Giang: Coi trọng bảo tồn, phát huy ngôn ngữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số
30/10/2023 | 08:47Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Bắc Giang đang có nguy cơ bị mai một, bởi vậy việc bảo tồn, gìn giữ tiếng dân tộc trong đời sống cộng đồng là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa phát huy vai trò di sản ngôn ngữ đối với bản sắc văn hóa, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát triển "tiếng mẹ đẻ" vùng đồng bào DTTS.
Bắc Giang là tỉnh miền núi có số người DTTS chiếm trên 14% dân số toàn tỉnh, với khoảng 260.000 người. Các huyện có đông người DTTS sinh sống thành cộng đồng gồm Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Trong đó có 6 dân tộc có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng gồm Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan và Sán Chí), Dao chiếm 97,78%, còn lại 39 dân tộc khác chiếm 2,22% dân số người DTTS.
Những năm qua tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, qua đó tạo nên những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như ngôn ngữ, lễ hội, kiến trúc, phong tục tập quán, tín ngưỡng, đặc biệt là ngôn ngữ gồm tiếng nói, chữ viết của 6 dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan và Sán Chí), Dao đang dần bị mai một theo thời gian. Các dân tộc này đều có bản sắc văn hóa và tiếng nói riêng (không có chữ viết riêng); việc hình thành, lưu truyền bản sắc văn hóa của họ từ ngàn xưa tới nay đều thông qua tiếng nói và truyền miệng.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển, hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa diễn ra nhanh chóng, tác động mạnh mẽ đến đời sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều dân tộc không sử dụng tiếng dân tộc trong giao tiếp hàng ngày, hoặc còn rất ít người biết nói tiếng dân tộc, thậm chí việc mặc trang phục và nói tiếng dân tộc chưa được cộng đồng coi trọng. Đây là nguyên nhân ngày càng mai một và suy giảm nhanh chóng số người nói được "tiếng mẹ đẻ", trong đó đáng lo ngại là thanh thiếu niên, thế hệ có trách nhiệm kế tục gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc mình cho đời sau.
Hiện nay, tại các địa phương, tiếng nói và chữ viết của nhiều DTTS chỉ được phổ biến trong phạm vi giới hạn, không ít người DTTS không có cơ hội để sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình. Bên cạnh đó, chính sách về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên chưa triển khai thực hiện được trên địa bàn tỉnh do chưa có giáo trình dạy tiếng dân tộc trong nhà trường; không có giáo viên dạy tiếng dân tộc đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các DTTS không phải việc của riêng ai mà cần có sự chung tay của toàn xã hội.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn Bắc Giang đã có những cách làm hiệu quả. Điển hình như mô hình truyền dạy tiếng Sán Chay (Sán Chí, Cao Lan) của ông Đàm Xuân Tình, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào DTTS thôn Đồng Bây xã An Lạc, huyện Sơn Động; mô hình truyền dạy tiếng Dao của ông Bàn Văn Cường, NCƯT thôn Thanh Chung, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động; mô hình truyền dạy tiếng Tày của cô giáo Dương Thị Bền, giáo viên Trường Trung học cơ sở xã Vân Sơn, huyện Sơn Động; Hội bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Bắc Giang phát động và mở lớp truyền dạy tiếng Sán Dìu tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn...
Hiện, toàn tỉnh Bắc Giang có 49 CLB bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS; qua hoạt động bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ cũng góp phần bảo tồn tiếng dân tộc. Tuy nhiên, các mô hình truyền dạy tiếng DTTS, CLB bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS chủ yếu là hoạt động tự phát của một số cá nhân có tâm huyết, muốn lưu giữ, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ mai sau; các CLB dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống mới chỉ quan tâm tới việc bảo tồn các làn điệu dân ca tiêu biểu của từng dân tộc, chưa quan tâm tới việc bảo tồn ngôn ngữ các DTTS.
Do vậy, UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng Đề án "Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" tập trung bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc của cộng đồng các dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan, Sán Chí) và Dao, trọng tâm tại 73 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Đây là hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung của Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" giai đoạn I của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Mục tiêu của Đề án nhằm từng bước tăng tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc bình quân từ 2- 3%/năm; phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc đạt từ 15 - 20%. Từ năm học 2024 - 2025, đến hết năm học 2029 - 2030, phấn đấu 100% các trường học vùng đồng bào DTTS&MN tổ chức được lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc.
Từ năm 2026 đến năm 2030, hằng năm tổ chức lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng; phấn đấu đến hết năm 2030: 100% số thôn/bản (539 thôn/bản) vùng đồng bào DTTS và miền núi tổ chức được các lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng. Đến hết năm 2030 các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, mỗi huyện có từ 2-3 thôn/bản có đội văn nghệ biểu diễn bằng tiếng dân tộc phục vụ cho du khách tại các điểm du lịch cộng đồng.
Cùng với đó, đẩy mạnh nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung, bảo tồn ngôn ngữ các DTTS nói riêng với phương châm bảo tồn ngôn ngữ các DTTS là trách nhiệm của người DTTS; “Nhà nước hỗ trợ, người dân chủ động thực hiện”; “Ngôn ngữ, tiếng nói, bản sắc văn hóa” của người DTTS còn thì còn người DTTS.
Đặc biệt, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho người học, người truyền dạy tiếng DTTS. Khuyến khích các lớp học tiếng dân tộc lồng ghép với sinh hoạt của CLB hát dân ca, thông qua lời ca tiếng hát, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người học, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ nhằm từng bước hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, góp phần tạo môi trường gìn giữ, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các DTTS.