Bắc Giang: Bảo tồn văn hoá để phát triển du lịch bền vững
22/10/2024 | 16:44Những năm gần đây, Dự án số 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Dự án 6) được triển khai tích cực ở Bắc Giang.
Đời sống tinh thần, vật chất của người dân tăng lên rõ rệt; các di tích, di sản, làng nghề truyền thống, lễ hội… được bảo tồn, phát huy, hỗ trợ tích cực cho việc phát triển du lịch, kinh tế xã hội ở địa phương.
Nhiều bản làng được hỗ trợ đầu tư bảo tồn
Trong đó, hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích đối với các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trên địa bàn huyện Yên Thế; bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể tại huyện Sơn Động như: lễ hội đua mảng, xã Long Sơn; lễ hội đình Vườn Hoa, xã Lệ Viễn; lễ hội đền Vua Bà, xã Vĩnh An.
Công tác khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa dân gian cũng được triển khai tại Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế.
Nguồn từ Dự án 6 còn hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các đội văn nghệ truyền thống ở Sơn Động, Lục Ngạn; hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số.
Mới đây, Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang đã ban hành quyết định công nhận 2 điểm du lịch cộng đồng là: Điểm du lịch cộng đồng bản Mậu và Điểm du lịch cộng đồng thác Ba Tia, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động).
Điểm du lịch cộng đồng thác Ba Tia thuộc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ba Tia, tổ dân phố Đồng Rì và Điểm du lịch cộng đồng bản Mậu thuộc HTX Du lịch cộng đồng Mậu - Ba Tia, tổ dân phố Mậu.
Đây là hai điểm đến nổi bật tại Sơn Động, hằng năm thu hút đông đảo du khách tham quan trải nghiệm, khám phá. Trong đó Điểm du lịch cộng đồng thác Ba Tia có cảnh sắc thiên nhiên trữ tình, hoang sơ; bao quanh là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại cây cổ thụ và động vật quý hiếm.
Điểm du lịch cộng đồng bản Mậu có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lưu giữ, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Dao về trang phục, ẩm thực, nghệ thuật… Người Dao ở Điểm du lịch cộng đồng bản Mậu hiện vẫn đang bảo tồn trang phục thêu truyền thống rất đặc sắc.
Việc hai điểm du lịch này được công nhận cho thấy mục tiêu và quan điểm phát triển du lịch ở đây là lấy cộng đồng làm chủ thể và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Đồng thời, góp phần khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm đặc trưng, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại địa phương.
Kết nối, tạo điều kiện cho đơn vị kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác xây dựng các tour, tuyến du lịch thu hút du khách.
Tỉnh Bắc Giang có 73 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, 28 xã, 244 thôn đặc biệt khó khăn.
Năm 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng 4 điểm đến du lịch tiêu biểu; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 1 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; bảo tồn 2 làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; 20 thiết chế văn hóa, thể thao.
Theo kế hoạch, phân kỳ năm 2023 - 2025, một số mục tiêu được triển khai thực hiện từ năm 2023 sẽ được tiếp tục. Trong đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Du lịch cộng đồng xã An Lạc (huyện Sơn Động); du lịch cộng đồng bản Mậu (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động); du lịch Đồng Cao (xã Phúc Sơn và Vân Sơn, huyện Sơn Động); du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn; du lịch cộng đồng bản Ven (xã Xuân Lương, huyện Yên Thế)…
Các làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số như: Bản Bắc Hoa (xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn); bản Mậu (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động); bản Khe Nghè (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam); bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế đã được hỗ trợ đầu tư bảo tồn.
Hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng từ văn hoá
Ngoài các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh là: Dân ca quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, tỉnh Bắc Giang còn có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có 9 lễ hội, 1 nghi lễ Then của người Tày, Nùng và 2 loại hình dân ca dân tộc thiểu số là: Dân ca Cao Lan và dân ca Sán Chí).
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang có hơn 2.000 di tích lịch sử- văn hóa với 746 di tích đã được xếp hạng các cấp: 5 di tích, cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt với 34 điểm; 96 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 616 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 4 bảo vật quốc gia.
Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bảo đảm tính khoa học, bền vững, Sở VHTTDL Bắc Giang đã tổ chức hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số”; triển khai đề tài khoa học "Điều tra, nghiên cứu di sản dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang"; biên soạn và xuất bản các đầu sách, tài liệu khoa học có giá trị về lịch sử, văn hóa, các di sản văn hóa địa phương.
Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiều nội dung sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, phổ biến các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Cao Lan, xã Đèo Gia; dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao (Lục Ngạn).
Để động viên, khích lệ phong trào hát dân ca, Sở VHTTDL Bắc Giang đã có chủ trương khuyến khích đưa các loại hình hát dân ca vào chương trình biểu diễn của các ngày hội, liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa- nghệ thuật quần chúng các cấp.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương duy trì, nhân rộng các câu lạc bộ hát dân ca. Đến nay, toàn tỉnh có 49 câu lạc bộ dân ca dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm.