Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Giang: Bàn giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Yên Thế

24/07/2024 | 14:44

Ngày 23/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang phối hợp UBND huyện Yên Thế tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Lễ hội Yên Thế”. Các đồng chí: PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL; Phan Tùng Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế đồng chủ trì hội thảo.

Lễ hội Yên Thế bắt nguồn từ ngày hội cầu mùa tổ chức vào mùa thu hằng năm tại đình, đền Phồn Xương, xã Phồn Xương (nay là thị trấn Phồn Xương), huyện Yên Thế đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân trong vùng. Từ năm 1884, khi cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế nổ ra, Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám đã điều chỉnh tổ chức lễ hội vào trung tuần tháng Giêng và mở rộng quy mô. Tại lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ, bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân các vùng lân cận tham gia.

Bắc Giang: Bàn giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Yên Thế - Ảnh 1.

Các đồng chí chủ trì hội thảo.

Khi khởi nghĩa Yên Thế thất bại, nhân dân Phồn Xương tổ chức lễ hội vào ngày mồng 5 tháng Giêng (là ngày giỗ của Hoàng Hoa Thám) để tưởng nhớ vị thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế. Năm 1975, sau hội thảo khoa học lần thứ I về Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế do Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Bắc và Ty Văn hóa Hà Bắc tổ chức đã thống nhất chọn ngày 16/3/1884 là thời điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Trên cơ sở đó, đến năm 1984, nhân kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế, UBND tỉnh Hà Bắc tổ chức Lễ hội Yên Thế nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc, tri ân, tưởng nhớ công lao của Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân. Từ đó, Lễ hội Yên Thế được tổ chức vào ngày 15, 16 và 17/3 dương lịch hằng năm với quy mô lớn hơn, có nhiều nghi lễ trang trọng và hoạt động văn hóa phong phú, hấp dẫn.

Bắc Giang: Bàn giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Yên Thế - Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo.

Đề dẫn do đồng chí Nguyễn Sĩ Cầm trình bày tại hội thảo nhấn mạnh: Lễ hội có giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, nhằm tôn vinh, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn bó mật thiết với cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống lại thực dân Pháp xâm lược (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX).

Đồng thời khẳng định truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân ta trong chống giặc ngoại xâm. Lễ hội Yên Thế đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bắc Giang: Bàn giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Yên Thế - Ảnh 3.

Th.s Nguyễn Hữu Toàn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa tham luận tại hội thảo.

Sau khi được vinh danh, UBND tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm chỉ đạo ngành VHTTDL phối hợp với huyện Yên Thế, các cơ quan liên quan thực hiện nhiều hoạt động thiết thực bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của Lễ hội Yên Thế. Lễ hội được tổ chức định kỳ 10 năm/1 lần với quy mô cấp tỉnh và hằng năm với quy mô cấp huyện. Công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội công phu, bài bản, thu hút sự tham gia hưởng ứng, tạo ấn tượng tốt đẹp với nhân dân địa phương và du khách.

Hội thảo “Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Lễ hội Yên Thế” nhằm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định vai trò, giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội đối với đời sống cộng đồng; tổng kết, đánh giá kết quả công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị lễ hội, phân tích và đưa ra phương hướng, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp khai thác di sản văn hoá trong lễ hội gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế”, phục vụ phát triển KT - XH, phát triển du lịch trên địa bàn huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.

Tham luận của các nhà khoa học, quản lý văn hóa T.Ư và địa phương tại hội thảo khẳng định Lễ hội Yên Thế gắn với hệ thống di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế” đã tạo ra một không gian văn hóa điển hình trong một vùng địa lý liền kề, có các giá trị văn hóa phong phú đặc sắc. Đây là nguồn tài nguyên để góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là kinh tế du lịch.

Các đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng về giá trị di sản văn hóa. Việc tổ chức lễ hội cần phát huy được giá trị truyền thống, bản sắc riêng như tinh thần thượng võ, không gian văn hóa liên vùng và vai trò của cộng đồng. Đồng thời nêu bật được truyền thống yêu nước, vinh danh, nhớ ơn những thủ lĩnh, nghĩa sĩ đã hy sinh vì đất nước. Cần có sự hợp tác, liên kết giữa các huyện, ngành trong công tác bảo tồn lễ hội và không gian văn hóa di tích. Tăng cường giáo dục lịch sử truyền thống trong trường học; huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động lễ hội và tu bổ, tôn tạo di tích; tạo ra những sản phẩm du lịch mới, chất lượng…

Các đồng chí chủ trì hội thảo đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu, khẳng định đây là những gợi mở, giải pháp quý báu cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Yên Thế. Trên cơ sở đó, Sở VHTTDL và UBND huyện Yên Thế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xây dựng Đề án tổ chức Lễ hội Yên Thế giai đoạn 2025-2035 trình UBND tỉnh phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức lễ hội phát huy tối đa giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, bài bản, chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, cộng đồng.

Theo Báo Bắc Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×