Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ðánh thức tiềm năng du lịch Ðiện Biên

30/10/2019 | 13:57

Ðược đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng ngoài các di tích trong Quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ thì Ðiện Biên vẫn còn không ít các địa chỉ du lịch, danh thắng hấp dẫn chưa được khai thác hoặc khai thác chưa thực sự hiệu quả. Ðiều đó đặt ra vấn đề phải làm sao để "đánh thức" các tài nguyên du lịch này trở thành điểm du lịch hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Du lịch tỉnh.

Ðánh thức tiềm năng du lịch Ðiện Biên - Ảnh 1.

Du lịch sông nước là tiềm năng đang được khai thác phát triển tại Thị xã Mường Lay.

Thời gian qua, các đơn vị làm công tác du lịch đã tăng cường quảng bá các điểm đến mới, ngoài các điểm trong Quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ. Có thể nhắc tới như: Hang động Tủa Chùa, du lịch sông nước TX. Mường Lay, chinh phục mốc 0 ở A Pa Chải, Mường Nhé… bằng công tác tuyên truyền trong các ngày lễ lớn, pa nô, áp phích trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Thậm chí, một số điểm danh thắng còn được xây dựng thành chương trình du lịch giới thiệu đến các công ty lữ hành. Tuy nhiên, thực tế lượng khách du lịch đến với các điểm này còn tương đối hạn chế, nếu không muốn nói là rất ít.

Ông Ðặng Minh Phương, Phó Phòng phụ trách Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do quy mô của các điểm du lịch này chưa lớn và chưa thực sự hấp dẫn du khách. Trong khi khả năng tiếp cận của du khách với các điểm này còn rất hạn chế. Ðiểm du khách đặt chân tới đầu tiên thường là TP. Ðiện Biên Phủ để tham quan các điểm di tích, trải nghiệm văn hóa tại các bản… Các điểm danh thắng trên lại tương đối xa trung tâm thành phố, nơi gần nhất cũng phải vài chục cây số. Với quỹ thời gian hạn hẹp, du khách khó có thể tham quan trải nghiệm tất cả các điểm đó trong cùng một chuyến đi. Chẳng hạn, muốn chinh phục được mốc 0 nơi ngã ba biên giới và tham quan lối mở A Pa Chải thì du khách phải bỏ ra ít nhất là 2 ngày mới có thể hoàn thành hành trình. Ðó là còn chưa kể đến khoảng cách hơn 200km từ TP. Ðiện Biên Phủ cùng cung đường cheo leo khiến nhiều du khách miền xuôi có sức khỏe yếu phải đắn đo. Chưa ai phủ nhận vẻ đẹp của hành trình sông nước từ TX. Mường Lay - Tủa Chùa, thậm chí đây còn được xem có tiềm năng rất lớn mở đầu cho các tuyến, điểm du lịch dọc sông Ðà qua 4 tỉnh Tây Bắc gồm: Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Thế nhưng, số lượng thuyền đáp ứng yêu cầu vận chuyển hành khách của TX. Mường Lay rất ít, hiện nay mới có khoảng 2 chiếc đạt tiêu chuẩn theo quy định. Ngoài ra, khoảng cách đường bộ từ trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ - TX. Mường Lay tương đối xa cũng làm cho du lịch sông nước Mường Lay vẫn dừng lại ở mức tiềm năng chứ chưa phải là điểm đến hấp dẫn. Còn nếu ngược theo đường sông từ Hòa Bình lên thì lại gặp 2 thủy điện lớn nên du khách phải thay đổi liên tục từ đường thủy sang đường bộ và ngược lại...

Thêm một nguyên nhân khách quan nữa là hầu hết các điểm du lịch, danh thắng ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn khá hoang sơ, chưa có sự đầu tư bài bản để phục vụ du khách. Người dân tại các điểm này chưa mạnh dạn đầu tư làm các dịch vụ du lịch khi chưa chắc chắn về lượng khách. Hiện tại họ chỉ bán thứ mình có chứ chưa cung cấp được thứ du khách cần. Trong khi các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành muốn dẫn khách tới lại đòi hỏi các điểm này phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, có các dịch vụ thiết yếu.

Cuộc tranh cãi "con gà và quả trứng" giữa người dân và doanh nghiệp xem điều gì cần làm trước vẫn đang tiếp diễn và vô tình làm cho các tiềm năng du lịch vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, chưa thể vươn mình bứt phá để thu hút du khách. Không chỉ vậy, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào chuyên về du lịch hoặc có đủ tiềm lực đầu tư phát triển các điểm danh thắng trên thành điểm du lịch hấp dẫn. Các doanh nghiệp lớn ở ngoại tỉnh muốn đầu tư nhưng họ lại cần có quy hoạch, định hướng phát triển cụ thể. Trong khi đó, ngoài động Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) và khu du lịch đèo Pha Ðin (huyện Tuần Giáo) được xây dựng quy hoạch thì các điểm khác vẫn còn nằm trong vòng bàn thảo khiến nhiều doanh nghiệp du lịch chỉ dè dặt với vai trò "quan sát viên".

Ðể các tiềm năng du lịch này không dừng lại ở mức tiềm năng, việc đầu tiên là sớm thực hiện được quy hoạch cụ thể làm cơ sở kêu gọi đầu tư. Việc này cần phải có sự vào cuộc của các cấp, ngành bởi trong thực tế, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhưng họ không "mặn mà" với việc làm quy hoạch. Cùng với đó, cần có sự tuyên truyền, quảng bá tới du khách trong và ngoài tỉnh biết tới các điểm đến khác ngoài quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ. Có thể xây dựng một vài điểm đến mẫu để công tác xúc tiến du lịch thêm phần hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào các điểm trên. Một việc nữa cũng không kém phần quan trọng đó là nâng cao nhận thức của người dân về việc làm du lịch. Tạo điều kiện, khuyến khích, hướng dẫn họ tham gia vào cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Khi đã có các điều kiện thuận lợi cho khai thác, phát triển du lịch, chắc chắn các tiềm năng du lịch của tỉnh sẽ được "đánh thức" phát huy vai trò, vị trí của ngành công nghiệp không khói./.

Theo baodienbienphu.info.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×