Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

An Giang từng bước tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch

25/02/2022 | 09:42

An Giang là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ; nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo cùng chung sống lâu đời, cùng tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, các làng nghề thủ công truyền thống, các công trình kiến trúc văn hóa độc đáo; là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng khắp cả nước thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch, nguồn thu từ hoạt động du lịch tăng trưởng hàng năm.

An Giang từng bước tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch - Ảnh 1.

Du khảo về nguồn tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: Thanh Hùng

Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Trong bối cảnh khó khăn chung, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ứng phó với dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó có lĩnh vực du lịch; ban hành Kế hoạch Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, tăng cường giải pháp bao phủ vắc xin trên toàn dân, triển khai các giải pháp hướng dẫn hoạt động an toàn trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch… Từ đó, du lịch An Giang dần thích ứng, linh hoạt với tình hình mới. Để từng bước phục hồi hoạt động và tạo diện mạo mới cho du lịch An Giang, ngành tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau:

Định hướng phát triển sản phẩm đặc trưng theo từng địa bàn

Thời gian tới, tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn. Ưu tiên phát triển du lịch văn hóa làm nền tảng, phát triển du lịch sinh thái; đồng thời, phát triển các loại hình du lịch mới trên cơ sở khai thác tài nguyên và gắn kết các sản phẩm liên ngành, hình thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm tạo giá trị gia tăng cho ngành du lịch như du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực,…

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch như: Phát triển loại hình du lịch gắn với hệ sinh thái sông, núi, rừng và đồng quê; các sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng bốn dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer; du lịch gắn thể thao truyền thống và hiện đại, như: Tour tham quan lễ hội văn hóa truyền thống tại Búng Bình Thiên, hội đua bò Bảy Núi được tổ chức luân phiên hàng năm tại Tịnh Biên, Tri Tôn; du lịch gắn với ẩm thực và mua sắm đặc sản; du lịch nghỉ dưỡng, khám phá vùng Thất Sơn… Đồng thời, thực hiện chương trình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp để tạo ra sản phẩm du lịch mới. Tăng chất lượng loại hình du lịch gắn với lễ hội văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc); lễ Đôn-ta, lễ Chôl-chhnăm-thmây của dân tộc Khmer…

Ngoài ra, trong năm 2022, An Giang tổ chức các sự kiện du lịch trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh (1832 - 2022) như: Ngày hội du lịch An Giang với chủ đề “An Giang - sắc màu vùng biên”; Hội thi ảnh đẹp du lịch An Giang với chủ đề “Nét đẹp An Giang”; thực hiện ấn phẩm quảng bá du lịch An Giang thông qua những truyền thuyết và huyền thoại về các điểm đến của tỉnh; thực hiện phim ngắn quảng bá du lịch An Giang “Hành trình An Giang - vùng đất huyền thoại”. Qua đó, từng bước khôi phục hoạt động, góp phần quảng bá, giới thiệu du lịch An Giang đến với du khách trong và ngoài nước.

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng đến đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách du lịch nội địa, trong đó, chú trọng thu hút khách du lịch văn hóa - tâm linh, lễ hội, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu đời sống sông nước, miệt vườn; từng bước mở rộng thị trường khách du lịch theo chuyên đề và du lịch vui chơi giải trí. Đồng thời, từng bước khôi phục thị trường quốc tế đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

An Giang từng bước tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch - Ảnh 2.

Trên đỉnh núi Thiên Cấm Sơn (núi Cấm). Ảnh: Thanh Hùng

Xây dựng thương hiệu du lịch An Giang

Xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh An Giang trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch các địa phương, thương hiệu doanh nghiệp du lịch và thương hiệu sản phẩm du lịch. An Giang tập trung quảng bá các sản phẩm hiện có nhằm nâng cao tính cạnh tranh giữa các sản phẩm trong tỉnh, thúc đẩy sự hoàn thiện trong từng sản phẩm. Từ đó, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa bàn nhằm thu hút thêm du khách đến với An Giang.

Định hướng các hoạt động truyền thông du lịch, truyền tải những thông điệp và hình ảnh mang giá trị cốt lõi thông qua tin, bài, phóng sự, phim ngắn quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng; các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử tỉnh An Giang để quảng bá hình ảnh du lịch và vùng đất, con người An Giang.

Tạo bệ phóng để phát triển du lịch

Nhằm phát huy rõ nét những tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua và tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch hướng đến sự bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định du lịch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh với mục tiêu khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ lệ đóng góp trong cơ cấu GRDP chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành dịch vụ, giải quyết việc làm cho xã hội. Xây dựng thương hiệu và phấn đấu đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL và cả nước.

Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng làm du lịch cho xã hội. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ các mô hình: Phát triển du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp truyền thống, phát triển du lịch gắn với các làng nghề truyền thống. Phát triển loại hình du lịch gắn với hệ sinh thái sông, núi, rừng và đồng quê.

An Giang từng bước tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch - Ảnh 3.

Du lịch Rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Kim Luận

Triển khai Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch An Giang giai đoạn 2021 - 2025 với hệ thống giải pháp phát triển đồng bộ. Đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp các tuyến đường bộ (tỉnh lộ) quan trọng, các tuyến giao thông nối liền khu, điểm du lịch; có kế hoạch khai thác các tuyến đường thủy để đón khách quốc tế từ Campuchia; đầu tư xây dựng cảng du lịch, trạm dừng chân để phục vụ trung chuyển khách; cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách trong tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh các công trình hạ tầng tại Khu du lịch núi Sam, núi Cấm, Khu du lịch hồ Soài So nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng.

Nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp tại các cơ sở lưu trú sẵn có của tỉnh; có chính sách ưu đãi đặc thù thu hút các nhà đầu tư quy mô lớn quan tâm đầu tư nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đạt chuẩn 3 sao trở lên; đặc biệt ưu tiên đầu tư tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh; phát huy sản vật vùng thượng nguồn sông Mekong để tạo ra các món ẩm thực tươi, sạch, hấp dẫn, khác biệt để phục vụ trong cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống.

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông: Xây dựng cơ sở dữ liệu chính thống về quảng bá du lịch An Giang tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền, thuyết minh, quảng bá du lịch.

Với những quan điểm, định hướng và các nhóm giải pháp cụ thể cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của các doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới, An Giang từng bước tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo angiang.dcs.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×