Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

An Giang: Những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá phi vật thể nhìn từ Luật Di sản văn hoá

30/11/2022 | 11:55

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang nêu những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá phi vật thể nhìn từ Luật Di sản văn hoá và những yêu cầu bổ sung, sửa đổi để phát huy những giá trị của di sản văn hoá phi vật thể.

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, từ khi Luật Di sản văn hoá ban hành, cùng các văn bản dưới luật, đặc biệt là Thông tư 04/20110/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể và các văn bản có liên quan đến lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được ban hành, đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc.

Công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh An Giang được chú trọng triển khai thực hiện. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các Dự án, đề án, chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể được triển khai thực hiện.

An Giang: Những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá phi vật thể nhìn từ Luật Di sản văn hoá - Ảnh 1.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh An Giang, vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế nhất định. 

Công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể hiện nay chủ yếu dựa trên cơ sở Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới Luật liên quan. Tuy nhiên, khi vận dụng các các nội dung trong Luật Di sản văn hóa quy định về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể còn một số vấn đề.

Trong đó, Di sản văn hóa phi vật thể là một khái niệm mới, mang tính bao quát, trừu tượng. Các khái niệm trong Luật Di sản văn hoá đề cập còn chung chung, chưa rõ ràng cụ thể, như: "Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác". 

Các tiêu chí "tái tạo không ngừng", "truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác" chưa được xác định rõ, còn diễn giải khá rộng. Một số thuật ngữ liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể được đề cập trong Luật Di sản Văn hóa còn chưa đầy đủ, rất khó khăn trong công tác quản lý, hoạt động kiểm kê, nhận diện và tuyên truyền di sản văn hóa phi vật thể; Do đó, đề nghị điều chỉnh khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và dễ nhận diện, bổ sung các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong Luật Di sản văn hóa; các khái niệm về "nghệ nhân", "số hóa", "sưu tầm", "nghề thủ công truyền thống", "lễ hội truyền thống"; "tín ngưỡng dân gian"...;

Bên cạnh đó, các quy định về di sản văn hóa phi vật thể trong Luật Di sản văn hóa chưa có các quy định về công tác kiểm kê, nhận diện di sản, tiêu chí cụ thể các loại hình di sản, ví dụ như: đối với nghề thủ công truyền thống thì quy định bao nhiêu năm mới được công nhận, các tiêu chí công nhận nghề truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể... hay việc rút tên di sản văn hóa phi vật thể ra khỏi Danh mục quốc gia vẫn chưa có quy định cụ thể nên khi xảy ra những vấn đề có liên quan thì cở sở pháp lý để xử lý giải quyết lại không có. 

Nhiều di sản văn hoá phi vật thể đã và đang bị mai một khó phục dựng, cần bảo vệ. Cơ chế chính sách đối với người tham gia hoạt động bảo vệ di sản còn bất cập; chưa có chế độ cụ thể cho nghệ nhân dân gian gìn giữ di sản... 

Trong vấn đề xét tặng danh hiệu nghệ nhân và chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân vẫn chưa được quy định rõ. Đa phần xét duyệt nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian, còn các loại hình khác vẫn chưa có quy định cụ thể.

Vấn đề quản lý và bảo vệ, phát huy giá trị đối với các di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia chưa được quy định cụ thể về phân cấp quản lý.

Ngoài ra, việc phát huy tiềm năng, thế mạnh các di sản phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số để phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế, do chưa đầu tư khai thác tốt các giá trị di sản văn hoá dân tộc. Công tác xã hội hóa gặp khó khăn, do việc phát huy giá trị di sản chưa mang đến hiệu quả cao...

An Giang: Những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá phi vật thể nhìn từ Luật Di sản văn hoá - Ảnh 2.

Lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang

Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thời gian tới, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho rằng, cần hoàn thiện Luật Di sản văn hóa, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến các thuật ngữ, tiêu chí về di sản văn hóa phi vật thể.

Quy định cụ thể về phân cấp trong công tác quản lý từ trung ương đến địa phương để làm cơ sở pháp lý cho địa phương triển khai thực hiện; Quy định về việc xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể sau khi được đưa và Danh mục và các hoạt động quản lý, tổ chức bảo tồn, phát huy.

Bên cạnh đó, có cơ chế đãi ngộ cho các nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân người đồng bào thiểu số để họ tiếp tục cống hiến, bảo tồn nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân tộc. Các chính sách hỗ trợ địa phương thực hiện các đề án bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; đặc biệt hỗ trợ cho các chương trình phục hồi, bảo tồn các loại hình di sản văn hoá phi vật thể có nguy cơ mai một.

Ngoài ra, cần tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên môn về các quy định trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể. Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, giao lưu các hoạt động liên quan lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể để giúp nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng cùng tham gia, tạo môi trường và động lực để nghệ nhân dân gian tiếp tục truyền bá những giá trị văn hóa phi vật thể tới cộng đồng và xã hội.

Trương Huyền

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×