Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh An Giang
An Giang đặt mục tiêu đón 9 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024
08/09/2023 | 09:45Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, năng lực phục vụ khách du lịch của ngành Du lịch An Giang ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng đúng tiêu chuẩn của ngành và nhu cầu của khách du lịch.
Bên cạnh đó, các chủ trương, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh An Giang đã được ban hành kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh đã mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch An Giang sớm khôi phục và phát triển sau đại dịch Covid-19. Kết quả là hoạt động du lịch đã đạt những kết quả tốt, trong đó có một số chỉ tiêu vượt so với kế hoạch. Dự kiến đến cuối năm 2023, An Giang đón khoảng 8,3 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ đạt khoảng 700 nghìn lượt; khách quốc tế ước đạt 22 nghìn lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.700 tỷ đồng.
Năm 2024, An Giang tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở cân bằng giữa hoạt động khai thác, phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch từng bước nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tiếp cận chuẩn mực quốc gia, quốc tế.
Đồng thời thu hút đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí tổng hợp, cơ sở lưu trú có quy mô, hiện đại. Thúc đẩy cải thiện cơ sở sở hạ tầng, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch tiên tiến, hiện đại thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác.
Phấn đấu năm 2024, An Giang đón 09 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 800 nghìn lượt, 25.000 lượt khách quốc tế lưu trú. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 6.200 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu đề ra, ngành Du lịch An Giang tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch tạo động lực phát triển du lịch: Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tỉnh An Giang, Chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch năm 2024, Kế hoạch số 65/KH-UBND tỉnh ngày 06/02/2023 về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025...
Đồng thời triển khai Chiến lược truyền thông du lịch An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện tuyên truyền, giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức Hội thi Ảnh Đẹp về các điểm tham quan, du lịch An Giang xây dựng nguồn ảnh đẹp về các khu, điểm du lịch phục vụ hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2024 - 2030 (khảo sát, kiểm kê tài nguyên có tiềm năng, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch, sản phẩm lưu niệm, ẩm thực đặc trưng...). Xây dựng dự án hỗ trợ các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch (ẩm thực, môi trường sinh thái, văn hóa, tài nguyên du lịch hấp dẫn...) để xây dựng các chương trình du lịch và định hướng hình thành các điểm du lịch trong thời gian tới.
Tiếp tục thực hiện các Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã ký kết: Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; Kế hoạch hợp tác liên kết về du lịch giữa tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp.
An Giang cũng phát huy tối đa nội lực của địa phương, doanh nghiệp, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia thúc đẩy phát triển du lịch. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp du lịch.
Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Chính phủ, các bộ ngành trung ương, địa phương; triển khai và theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện các văn bản pháp luật trong lĩnh vực du lịch đã được ban hành. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các bộ quy chuẩn, văn bản hướng dẫn trong ngành để có cơ sở phối hợp với các cơ quan ban ngành trong công tác quản lý và kiểm tra hoạt động du lịch./.