8 quốc gia tham dự Chương trình nghệ thuật thế giới trong "Đại lộ di sản"
08/05/2019 | 10:27Với mục đích trình diễn đến khán giả những di sản văn hóa của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, Chương trình nghệ thuật thế giới trong "Đại lộ di sản" dự kiến sẽ được tổ chức hằng năm với quy mô lớn và có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Múa "Lục cúng hoa đăng" - điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc Cung đình triều Nguyễn sẽ được trình diễn tại Chương trình. Ảnh: minh họa (nguồn: Báo Gia Lai)
Chương trình "Đại lộ di sản" đầu tiên sẽ được tổ chức vào 20 giờ 10 phút ngày 12/5 tới, và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 từ khu du lịch tâm linh Tam Chúc - Hà Nam, đúng vào đợt diễn ra Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019.
Theo Ban tổ chức, chương trình "Đại lộ di sản" có sự tham gia biểu diễn của 8 quốc gia là: Việt Nam, Bhutan, Indonesia, Nhật Bản, Srilanka, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Mỗi quốc gia sẽ mang đến một tiết mục múa, là những di sản văn hóa đặc trưng của mình. Mục đích của chương trình là đưa ra cách tiếp cận mới về di sản đến với khán giả, thông qua đó sẽ góp phần bảo vệ di sản, các giá trị văn hóa chân - thiện - mỹ của Việt Nam và nhân loại.
Chương trình gồm 2 phần. Phần I: Việt Nam - Đất Phật ngàn năm, giới thiệu những phóng sự tài liệu nghệ thuật về di sản tín ngưỡng Việt Nam và thưởng thức những màn trình diễn được dàn dựng công phu, như: Việt Nam Phật giáo rạng ngời, Phật trong cõi nhân gian (Hát ru - Đi Cấy - Vào Chùa), Múa Trống Thượng Đường /Khai giác… với sự tham gia của các ca sĩ Ngọc Sơn, Phi Nhung, Đông Hùng, Khánh Linh, Ngọc Khuê và các diễn viên múa chuyên nghiệp.
Phần II chủ đề "Đại lộ di sản" trình diễn những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và 7 quốc gia trên thế giới: Múa "Lục cúng hoa đăng" - điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc Cung đình triều Nguyễn (được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003); Múa Odissi của Ấn Độ (một trong bảy điệu múa cổ điển của Ấn Độ); Múa Awa Odori Nhật Bản (được cho là bắt nguồn từ năm 1586, thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo theo nhịp điệu của samisen, trống, chuông và sáo); Múa Cham của Bhutan (một điệu nhảy truyền thống thường được biểu diễn trong những lễ hội lớn nhất tại Bhutan và có ý nghĩa mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn, cũng như lời chúc phúc đến với những người thưởng thức điệu múa này)…
Mỗi tiết mục múa đều ẩn chứa một câu chuyện của riêng mình. Những câu chuyện kể về tôn giáo, xứ sở và con người tại những quốc gia khác nhau trên thế giới từ xa xưa cho đến ngày nay. Những tiết mục tham dự chương trình đều là các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia đó hoặc của thế giới do UNESCO công nhận và phải phù hợp với không gian biểu diễn ngoài trời và sân khấu lớn.