70 năm – Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong Việt Nam
13/07/2020 | 16:59Triển lãm ảnh "70 năm - Sáng mãi tinh thần Thanh niên xung phong Việt Nam"; Nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa cơ sở; Công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo các di tích và di sản văn hóa đã phát huy giá trị là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Nam Định.
Hà Nội: Triển lãm ảnh với chủ đề "70 năm - Sáng mãi tinh thần Thanh niên xung phong Việt Nam", thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020) vừa diễn ra tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ.
Triển lãm gồm 4 phần: Lực lượng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp (1950-1954); lực lượng thanh niên xung phong xây dựng, bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975); lực lượng thanh niên xung phong trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới đất nước (từ năm 1975 đến nay); tiếp nối truyền thống, thanh niên Việt Nam xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
Với hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu, thông qua triển lãm khẳng định, lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam ra đời trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, là những người trẻ tuổi, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Lực lượng thanh niên xung phong đã lập nên những kỳ tích, xứng đáng với những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Chặng đường 70 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, lực lượng thanh niên xung phong đã góp phần viết nên trang sử vẻ vang, oanh liệt của thế hệ trẻ Việt Nam và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Hải Dương: Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TP Hải Dương vừa tổ chức tổng kết chương trình chỉ đạo điểm các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại nhà văn hóa cơ sở.
Tại đây, Hơn 30 học viên là hội viên, hạt nhân văn nghệ cơ sở trực thuộc các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ của nhà văn hóa thôn tham gia chương trình đã trình diễn nhiều tiết mục nghệ thuật.
Ngoài ra, các học viên được hướng dẫn thành lập các CLB sở thích, biên đạo dàn dựng một số tiết mục hát, múa, biểu diễn nghệ thuật chèo, thể dục dưỡng sinh, khiêu vũ.
Chương trình chỉ đạo điểm các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại nhà văn hóa cơ sở do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh chỉ đạo thực hiện nhằm nâng cao chất lượng mô hình nhà văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của các CLB cơ sở.
Đây là mô hình thực hiện thứ hai trong năm. Trong năm 2020, sẽ có 6 nhà văn hóa điểm được Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh hướng dẫn.
Dịp này, UBND xã Gia Xuyên đã trao quyết định thành lập 2 CLB dưỡng sinh và văn hóa văn nghệ thuộc nhà văn hóa thôn Tranh Đấu.
Nam Định: Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn huyện Nam Trực đã được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Tỉnh ủy về "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định", đến nay, công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo các di tích nói riêng và di sản văn hóa nói chung trên địa bàn huyện Nam Trực đã phát huy giá trị trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng của quê hương trong các tầng lớp nhân dân, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Theo đó, đối với 70 di tích đã được xếp hạng, các địa phương đều thành lập Ban Quản lý di tích; ban hành quy chế quản lý di tích và tổ chức lễ hội; tăng cường kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", công tác xã hội hóa tu bổ, chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích đã thu hút được nhiều tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động của nhân dân, góp phần duy tu, bảo tồn các di tích khang trang sạch đẹp hơn.
Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật rối cạn và rối nước trước nguy cơ bị mai một, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo Phòng Văn hóa thông tin phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), Quỹ Ford tài trợ kinh phí, phương tiện máy móc, ánh sáng, âm thanh và xây dựng thủy đình cho phường múa rối thôn Nhất (thị trấn Nam Giang).
Đồng thời, mở lớp đào tạo 60 diễn viên trẻ kế cận cho 2 phường rối làng Rạch và thôn Nhất; phối hợp với Viện Âm nhạc tổ chức đào tạo 35 diễn viên và nhạc công trẻ để bổ sung cho lớp nghệ nhân rối cạn chùa Đại Bi đã cao tuổi.
Với những việc làm thiết thực và kịp thời đó đã góp phần bảo tồn và phát triển 2 môn nghệ thuật đặc biệt riêng có của huyện tiếp tục duy trì trong đời sống văn hóa hiện đại.
Bên cạnh công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, việc xây dựng và xuất bản những ấn phẩm văn hóa, với các ấn phẩm như: Sách "Nam Trực cội nguồn và di sản"; sách "Đền Gin di tích và lễ hội", "Đền Am lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật", "Trạng nguyên đất học Nam Trực", "Cụ nghè Giao Cù Vũ Hữu Lợi", "Sự tích đền Xám", "Di tích đền Thôn Ba"… đã góp phần lưu giữ và quảng bá những giá trị di sản văn hóa tới đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài huyện.
Hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã có nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Các di tích đã và đang trở thành điểm thu hút khách du lịch, điểm tham quan, nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống cho các thế hệ người dân Nam Trực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng./.