Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Điểm nhấn thương hiệu du lịch biển

24/08/2022 | 13:57

Bình Thuận hiện đã trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao biển, du lịch tín ngưỡng, biển đảo…

30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Điểm nhấn thương hiệu du lịch biển - Ảnh 1.

Bình Thuận trở thành điểm nghỉ dưỡng biển nổi tiếng thế giới.

Tròn 30 năm phát triển và hội nhập, ngành du lịch Bình Thuận đã khẳng định thương hiệu và tiếp tục đà tăng trưởng, không những là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, mà còn trở thành điểm nghỉ dưỡng biển nổi tiếng thế giới.

Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Bình Thuận những thắng cảnh tự nhiên chạy dọc theo 192 km chiều dài bờ biển và nhiều hòn đảo lớn nhỏ hoang sơ trong vùng lãnh hải 52.000 km2. Tận dụng "nội lực" này, Bình Thuận biến bất lợi về nắng gió thành thương hiệu của riêng mình "biển xanh-cát trắng-nắng vàng" trong suốt chiều dài phát triển.

Khẳng định thương hiệu qua chặng đường dài

Năm 1992, đánh dấu là năm đầu tiên tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận bắt tay vào xây dựng khi ngành du lịch tỉnh nhà hầu như không có gì trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới.

Năm 1995, sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24/10 đã thu hút hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về Mũi Né-Phan Thiết-Bình Thuận để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, trong đó có không ít doanh nhân trong và ngoài nước đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vùng đất mới. Từ đó, địa danh Mũi Né-Phan Thiết-Bình Thuận nhanh chóng trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nguồn tài nguyên du lịch phong phú được khơi dậy và đánh dấu cho sự vươn lên đầy ấn tượng của du lịch Bình Thuận từ đây.

Là một tỉnh ven biển cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận có vị trí thuận lợi là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh Đông Nam bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đồng thời là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam, như Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu… Bình Thuận có 192 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành, có các di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc…

Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có đảo Phú Quý được mệnh danh là "hòn ngọc giữa biển khơi" các đất liền 56 hải lý, với nhiều nét hoang sơ độc đáo đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Nơi đây khí hậu trong lành, biển bao bọc xung quanh, nước trong xanh cùng một thảm thực vật và rạn san hô đa dạng, phong phú. Phú Quý có nhiều bãi tắm hoang sơ như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang… Hay như đảo Cù Lao Câu (cách đất liền khoảng 8 km thuộc địa bàn huyện Tuy Phong) rất hoang sơ và là nơi đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển…

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Bình Thuận, cho biết ngành du lịch tỉnh đã nỗ lực trong thời gian dài xây dựng một thương hiệu du lịch biển gắn với việc tổ chức các sự kiện quốc tế mang đặc trưng riêng của mình, điển hình như Hoa hậu Trái Đất năm 2010, Giải lướt Ván buồm Cúp thế giới PWA Mũi Né-Việt Nam, Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế Việt Nam lần thứ I-Bình Thuận năm 2012 tại Hàm Tiến-Mũi Né, Vòng chung kết Hoa hậu Đại Dương năm 2014,… các sự kiện này đã diễn ra khá thành công, tạo được hiệu ứng cao trong việc giới thiệu, quảng bá sâu, rộng hình ảnh du lịch Bình Thuận đến khách du lịch.

30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Điểm nhấn thương hiệu du lịch biển - Ảnh 2.

Qua chặng đường xây dựng phát triển trong điều kiện có nhiều mặt khó khăn, thách thức, từ hầu như không có gì, nhưng đến nay du lịch Bình Thuận đã đạt được những thánh tựu đột phá và có sự phát triển liên tục với những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiệu quả đầu tư cùng với môi trường đầu tư thông thoáng đã thu hút mạnh các nhà đầu tư kinh doanh du lịch đến Bình Thuận.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, đến tháng 7/2022, toàn tỉnh có 382 dự án đầu tư du lịch (trong đó có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh) với tổng vốn đăng ký 70.000 tỷ đồng, tổng diện ích đất 6.300 ha. Toàn tỉnh hiện có có 600 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số 17.500 phòng; ngoài ra toàn tỉnh còn có 550 căn hộ và 315 biệt thự cho thuê, đảm bảo phục vụ đa dạng các dòng du khách vào cùng một thời điểm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 25.000 lao động ngành du lịch, trong đó có khoảng 70% lao động đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch.

Cùng với sự nghiệp phát triển kinh tế tỉnh nhà, ngành du lịch đã khởi sắc, đạt được những thành quả quan trọng, ngày càng tăng cả quy mô và chất lượng, dần khẳng định vai trò, vị trí trụ cột của mình trong nền kinh tế của tỉnh. Lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng năm 2019 đạt 6,4 triệu lượt khách, tăng gấp 512 lần so với năm 1992, tăng bình quân 26%/năm, trong đó khách quốc tế 774.000 lượt khách, gấp 80 lần so với năm 1992. Doanh thu từ du lịch tăng trưởng khá cao, năm 2019 đạt 15.200 tỷ đồng, gấp 2.500 lần so với năm 1992… Thời gian lưu trú của khách ngày càng dài hơn, tỷ lệ du khách quay trở lại cao hơn.

Theo ông Bùi Thế Nhân, với sự nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền các cấp trong tỉnh, trong 30 năm qua, tỉnh ta đã có nhiều sản phẩm du lịch. Đặc biệt, việc Chính phủ chính thức quy hoạch Mũi Né là Khu du lịch quốc gia chính là một thành tựu tổng thể. Du lịch cũng tác động đến kinh tế-xã hội và người dân của Bình Thuận. Theo đó, người dân có thể cảm thấy mình có cuộc sống sung túc hơn, văn minh văn hóa hơn và nhất là được giao tiếp với nhiều du khách ở mọi miền. Đây là thành tựu rất lớn đối với Bình Thuận vì du lịch đã góp phần làm cho đời sống của người dân không những phong phú hơn về văn hóa, tinh thần mà còn vững mạnh về kinh tế.

Khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch biển

Tận dụng thế mạnh bờ biển dài với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, ngành du lịch Bình Thuận tạo nên thương hiệu du lịch biển đặc trưng trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới. Hiện nay, Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam, Mũi Né trở thành 1 trong 6 Khu du lịch quốc gia của cả nước.

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, cho biết Bình Thuận hiện đã trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao biển, du lịch tín ngưỡng, biển đảo… Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận. GRDP du lịch năm 2017 đạt 8,82%, năm 2018 đạt 9,44%, năm 2019 đạt 9,97%...

Du lịch phát triển giúp giải quyết nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động ở địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động các vùng ven biển. Mặt khác, du lịch phát triển đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của các công ty lữ hành du lịch, không nhiều tỉnh thành có bờ biển trãi dài và đẹp như ở Bình Thuận, có 7/10 huyện, thị, thành có bãi biển. Bên cạnh đó, các điểm du lịch nổi tiếng ven biển hầu như phân bố đều tại các địa phương như Mũi Né- Hòn Rơm (thành phố Phan Thiết), biển Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam), bãi đá 7 màu ven biển được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là "Bãi đá có hình dạng và màu sắc nhiều nhất Việt Nam" (huyện Tuy Phong)… Đây chính là những điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch gắn liền với biển được du khách lựa chọn.

Du lịch Bình Thuận, đặc biệt là Khu du lịch Mũi Né ở thành phố Phan Thiết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu du lịch quốc gia, trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế, được nhiều tạp chí về du lịch uy tín trên thế giới bình chọn, công nhận là một trong những điểm đến lý tưởng. Không những vậy, biển Mũi Né những năm trở lại đây cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi lướt ván buồm, lướt ván diều thu hút nhiều vận động viên nam, nữ chuyên nghiệp và nghiệp dư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, nổi bật là Giải lướt ván buồm quốc tế Fun Cup. Qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Mũi Né đến những người yêu thích thể thao biển trên khắp thế giới.

30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Điểm nhấn thương hiệu du lịch biển - Ảnh 3.

Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận.

Ông Ngô Minh Chính, nguyên Giám đốc Sở văn hóa thể thao và Du lịch Bình Thuận, nhìn nhận biển Mũi Né-Bình Thuận sở hữu khí hậu ấm áp và nhiều gió, nơi đây đã trở thành nơi hội tụ của các tay đua lướt ván buồm, ván diều nổi tiếng thế giới đến từ các nước Anh, Pháp, Nga, Đức, Australia… Mũi Né cũng là nơi được chọn để tổ chức môn thể thao lướt ván buồm quốc tế hàng năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Mũi Né là một trong 50 bãi biển tốt nhất thế giới cho môn thể thao lướt ván buồm và là bãi biển hàng đầu của châu Á cho môn thể thao này. Từ tiềm năng đa dạng dồi dào, phong phú và điều kiện địa hình thuận lợi, Bình Thuận có thể tổ chức các loại hình du lịch biển đặc thù riêng của mình.

Là một trong những đơn vị gắn liền với chiều dài phát triển của du lịch Bình Thuận, ông Đặng Minh Huy, Phó Giám đốc điều hành The Cliff Resort & Residences (thành phố Phan Thiết), cho rằng Bình Thuận là điểm đến hấp dẫn đã được khẳng định, điều kiện khí hậu ấm áp, bờ biển đẹp, số ngày nắng nhiều rất phù hợp cho các hoạt động nghỉ dưỡng, thể thao, chăm sóc sức khỏe. Trong những năm qua, chủ trương thu hút đầu tư của chính quyền khá rõ ràng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Sắp tới, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành, dự án cảng hàng không Phan Thiết đang được đẩy nhanh tiến độ, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động du lịch.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Bình Thuận đang tích cực triển khai Đề án Xây dựng trung tâm du lịch-thể thao biển mang tầm quốc gia, với mục đích định hướng cho sự phát triển du lịch biển, đầu tư xây dựng các công trình thể thao và du lịch cấp quốc gia, sẵn sàng tổ chức thành công các sự kiện du lịch thể thao biển mang tầm quốc tế. Theo đó, tỉnh tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển du lịch - thể thao biển có hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch-thể thao biển đặc trưng tại các khu du lịch dọc theo bãi biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, với trung tâm là Khu Du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh.

Với những "bước tiến" vững chắc qua quá trình phát triển, vai trò, vị trí của du lịch Bình Thuận trong cơ cấu kinh tế ngày càng nâng lên, thể hiện là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh ngày càng rõ nét, góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×