Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

25 năm Di sản văn hóa Hội An: Giá trị từ không gian cộng đồng!

04/12/2024 | 09:25

Theo kế hoạch, trong hai ngày 3 và 4/12, chính quyền TP. Hội An (Quảng Nam) tổ chức loạt hoạt động chủ đề “25 năm – Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An”.

Điều quan trọng phía sau chương trình hoạt động này, theo ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An, là thể hiện những giá trị sâu sắc, đáng tự hào về một không gian cộng đồng xã hội, với vai trò chủ thể là người dân thành phố Hội An đã bảo quản, giữ gìn và làm đẹp cuộc sống.

Vinh danh không gian cộng đồng

Trao đổi nhanh với phóng viên Văn Hoá về những sự kiện sẽ diễn ra, ông Trần Ánh tỏ ý rất vui khi nhìn nhận lại những gì đã trải qua của Đô thị cổ, trong 25 năm trưởng thành với vị thế một Di sản văn hóa thế giới.

Ông nhìn nhận, vào thời điểm đó, ông cũng chỉ là một thành viên trong hoạt động bảo tồn, bảo tàng của Phố cổ Hội An, giữ trọng trách nghiên cứu, sưu tra các giá trị văn hóa từ hiện vật thành phố quê hương. Thoắt cái, đã 1/4 thế kỷ đi qua, người tham gia quản lý văn hóa Phố cổ giờ đã đảm nhiệm vai trò quản lý thành phố, với trọng trách nhiều hơn và tầm nhìn phải xa hơn.

25 năm Di sản văn hóa Hội An: Giá trị từ không gian cộng đồng! - Ảnh 1.

Không gian sinh hoạt của con người Hội An, được xem là giá trị "hồn cốt" của Di sản văn hoá Hội An

Chính ở vị trí này, ông Trần Ánh càng nhận rõ vấn đề căn cơ để một Hội An, dù có thăng trầm ra sao, vẫn luôn tự tin vững vàng và sẽ còn kiên định phát triển, nắm chắc mọi cơ hội để trưởng thành hơn. Ông nhận xét, cũng đâu chỉ có riêng ông mang tâm sự vững chắc về Hội An, mà những ai đã đến với đô thị này, cũng sẽ cảm thụ được những giá trị văn hóa và đời sống cố hữu.

Cho nên, vinh danh 25 năm Di sản Hội An, điều tâm đắc với những người lãnh đạo như ông Trần Ánh, hay trước ông là cựu Bí thư Nguyễn Sự, cùng nhiều người khác, chính là phải biết trân trọng, quý mến, vinh danh không gian cộng đồng xã hội của người dân thành phố Hội An.

“UNESCO vinh danh Di sản Hội An, không phải chỉ dừng ở những hiện vật lịch sử, những công trình cầu cống đình chùa ở đây, mà chính là công nhận, vinh danh không gian cộng đồng xã hội. Đây chính là nền tảng quan trọng nhất, để một đô thị cổ, đã đứng vững, đã được bảo vệ, giữ gìn suốt mấy trăm năm qua, ở mảnh đất này.

Nếu không có người dân Hội An, không có những con người yêu thương mảnh đất này, gắn bó và hy sinh, chấp nhận rất nhiều thiệt thòi, mất mát, đổ cả máu xương, thì không có không gian đô thị nào tồn tại cả. Chính con người Hội An, với nếp sống bình dị, thân thương nhất, những suy nghĩ, cảm xúc đơn giản nhất, đã xây dựng nên những tập quán, phong tục, cung cách hành xử giao tiếp, từ giọng nói, tiếng cười, cho đến những sản vật hàng hóa, những biển hiệu thương mại, những cơ sở sản xuất, vừa làm giàu, kiếm sống cho bản thân, gia đình, vừa góp sức tôn tạo nên lối sinh hoạt đặc trưng nơi đây.

Cứ từng người, từng thế hệ đi qua như vậy, đã dần góp lại, tích lũy lại, kiến thiết nên một dáng vẻ cuộc sống và con người Phố cổ, con người xứ Quảng, con người của một thương cảng cũ, lịch sử cũ và của vùng đất du lịch văn hóa hiện nay. Vinh danh Di sản, chính là vinh danh những con người đó, vinh danh cuộc sống đó”. Ông Ánh chia sẻ.

Tiếp bước một hành trình

Trong bản liệt kê các hoạt động chào mừng 25 năm Di sản, Hội An sẽ có rất nhiều sự kiện vinh danh, như khai trương Bảo tàng thổ sản Hội An, là bảo tàng chuyên đề thứ sáu được đầu tư xây dựng ở Phố cổ; tổ chức diễu hành công chúng qua các tuyến đường chính của đô thị cổ với sự tham gia của rất đông du khách và người dân thành phố.

Ông Trần Ánh “chỉ điểm”, có một chi tiết rất cần được chú ý, là công tác an ninh, an toàn, trật tự đường phố ở Hội An, nhìn nhận cho kỹ sẽ thấy không có tính nghiêm trọng nào cả. Các lực lượng quản lý chức năng sẽ có mặt, có đầy đủ các phương án ứng phó cần thiết như phòng cháy, điều hướng xe cộ…

Song, phổ quát trên tất cả, là tâm thái tự nhiên, vui vẻ, hồ hởi của con người Hội An, những chủ thể đã từ lâu “tự quản” mọi hoạt động trong vùng “cấm địa du lịch”. Chính người dân Hội An, là lực lượng lớn nhất, xây dựng trị an ở thành phố này.

“Nói điều này, có nghĩa là, chúng tôi đang tham gia, tiếp sức trong một hành trình đã xây dựng từ nhiều năm qua, mà Di sản Hội An có được, bởi chính những con người Hội An nơi đây”. Một nữ thành viên Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tâm sự như vậy. Theo chị, văn hóa phố cổ là nền tảng định hình không gian phố cổ, định hình những giá trị di sản trong phố cổ, mà điều đó, đang được người dân Hội An bảo vệ, phát huy.

Vậy nên, theo ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư Hội An, điều đáng lo với Hội An, trong lịch trình sắp đến, là phải tiếp sức giữ gìn, duy trì một không gian cộng đồng xã hội như thế nào, để đảm bảo vững bền được những tố chất từ người dân Hội An, kế thừa quá khứ và tiến bộ hơn ở tương lai.

Đây không hề là sự dễ dàng, bởi chính những thế hệ quản lý đi trước tại Hội An, đã từng rất gian nan khi tổ chức, vận động các chương trình bảo vệ Phố cổ, khỏi tiếng động cơ, khỏi sự pha tạp kiến trúc và đời sống thị dân, những nhu cầu hiện đại hóa cơ sở vật chất của mỗi gia đình ở đây…

Ông Sự nói, những kế hoạch hành động xây dựng văn hóa Hội An cũ và mới, đều phải cảm ơn người dân ủng hộ, nhưng lại “mắc nợ” người dân vì đã ảnh hưởng đến họ, đã làm họ thiệt thòi nhiều hơn… Vậy nên, vấn đề tiếp theo của Hội An, sau dấu mốc 25 năm Di sản, là phải làm gì để bảo vệ tốt không gian cộng đồng của người dân nơi đây tốt hơn nữa, đem lại nhiều giá trị hưởng thụ văn hóa cho họ hạnh phúc.

Bí thư Trần Ánh tâm tư: “Giá trị văn hóa cộng đồng ở Hội An, là cả một hành trình dài, mà những gì chúng tôi làm được, chỉ là một khoảnh khắc”.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×