Yên Bái thiết thực xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc
02/06/2023 | 09:53Các cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng gắn thực hiện Nghị quyết 23 với Đề án "Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật”, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội và xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” của Trung ương, của tỉnh.
15 năm qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới (NQ 23).
Việc tổ chức thực hiện NQ 23 thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng bộ tỉnh đối với hoạt động VHNT và là động lực để lực lượng văn nghệ sĩ hăng say lao động sáng tạo, thiết thực góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt NQ 23 đã được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, đoàn thể thực hiện nghiêm túc. Các cấp ủy chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng về NQ 23 bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng và đặc thù của địa phương, đơn vị.
Cụ thể hóa NQ 23, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện đảm bảo các yêu cầu, bám sát 3 quan điểm chỉ đạo, 5 nhóm giải pháp lớn của công tác văn hóa cùng với ban hành các chương trình, kế hoạch gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chương trình hành động của Trung ương về văn hóa, VHNT.
Đồng thời, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, quyết định liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích VHNT phát triển. Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng gắn thực hiện NQ 23 với Đề án "Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong VHNT”, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội và xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” của Trung ương, của tỉnh.
Thực hiện NQ 23, hoạt động sáng tạo VHNT của các văn nghệ sĩ Yên Bái bám sát đường lối, theo đúng định hướng tư tưởng của Đảng và không phát hiện văn nghệ sĩ, tác giả có biểu hiện khuynh hướng lệch lạc trong hoạt động VHNT, sáng tác và xuất bản.
Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các di sản VHNT của các dân tộc trong tỉnh được thực hiện khá tốt. Các tác giả đã khai thác vốn văn hóa dân gian để sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị. Yên Bái quan tâm thực hiện tốt việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng như lưu giữ sách cổ, phục chế sách cổ, số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ sưu tập số lưu giữ và phục vụ bạn đọc.
Cán bộ, diễn viên được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở Trung ương, trong đó chú trọng những tài năng trẻ, tác giả mới, tác giả nữ, tác giả người dân tộc thiểu số để tạo nguồn kế cận. Hoạt động sáng tạo VHNT đã mang lại hiệu quả xã hội tích cực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần quảng bá sâu rộng về đất và người Yên Bái.
Công tác lý luận, phê bình VHNT của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Yên Bái quan tâm động viên, khuyến khích các hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh có khả năng phê bình VHNT để bổ sung lực lượng và tích cực tìm kiếm, phát triển hội viên tiềm năng. Đội ngũ văn nghệ sĩ được bổ sung nhờ việc xây dựng, phát triển hội viên mới được chú trọng.
Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, bổ sung, xây dựng mới các chế độ, chính sách đãi ngộ cho cán bộ, hội viên theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, tỉnh coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý VHNT. Qua các năm, các văn nghệ sĩ đã sáng tác hàng nghìn tác phẩm có nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao.
Song song, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia. Các địa phương tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng gắn với các lễ hội ở các di tích lịch sử văn hóa, góp phần quảng bá các giá trị truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Những vấn đề cần đặc biệt chú trọng để tìm ra những giải pháp khả thi nhằm giữ vững định hướng tư tưởng, chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo bước phát triển vững chắc cho VHNT Yên Bái trong giai đoạn tiếp theo đã được tỉnh dự báo, xác định cụ thể, rõ ràng.
Trong đó, đáng chú ý có vấn đề "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ làm công tác VHNT; vấn đề "chống diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, chống lại những quan điểm sai trái, bôi nhọ Đảng và Nhà nước. Đó là thách thức không nhỏ về vấn đề toàn cầu hóa, về xu hướng công nghệ 4.0 ảnh hưởng lớn đến phương thức sáng tạo và quảng bá tác phẩm, về lực lượng hoạt động VHNT…
Vì thế, Yên Bái tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức VHNT hoạt động, gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, VHNT với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đặc biệt, chủ động nâng cao "sức đề kháng” của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và nâng cao vai trò của VHNT trong bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người.