Xây dựng và định vị du lịch Quảng Ngãi
26/02/2021 | 15:19Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX tiếp tục xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm theo hướng: "Từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn". Để hoàn thành mục tiêu xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn của Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước, tỉnh ta tập trung nhiều giải pháp để xây dựng và định vị thương hiệu du lịch, tiếp tục đưa ngành "công nghiệp không khói" phát triển.
Lợi thế di sản văn hóa, địa chất, biển đảo
Quảng Ngãi là vùng đất có lợi thế về di sản văn hóa, biển đảo và là vùng đất của những biến động địa chất hàng triệu năm kiến tạo. Từ huyện đảo Lý Sơn sống động về văn hóa, lịch sử, hình thành từ những lớp nham thạch núi lửa trên biển, đến vùng ven biển, đồng bằng hay vùng núi cao đều chứa đựng những bí ẩn, đầy kỳ thú của vũ điệu thời gian từ thuở khởi nguồn sự sống cách đây khoảng 2,5 tỷ năm.
Với đường bờ biển trải dài hơn 130km và sự đa dạng của địa chất, địa mạo đã tạo cho Quảng Ngãi những cảnh quan hùng vĩ, tuyệt đẹp. Những bãi biển đẹp như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Bình Châu... và hệ sinh thái biển phong phú, đặc sắc.
Quảng Ngãi còn được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử, kiên trung trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc với nhiều chiến công lẫy lừng và cũng là nơi sản sinh nhiều chí sĩ yêu nước, các vị văn thần, võ tướng, các nhà hoạt động cách mạng và nhà lãnh đạo tài ba của đất nước.
Trong thời gian qua, sản phẩm du lịch Quảng Ngãi ngày càng đa dạng, chất lượng được nâng cao. Trong đó nổi bật là các sản phẩm gắn với du lịch biển, đảo. Đây là loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh.
Quảng Ngãi đã chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, vui chơi giải trí, thể thao, khám phá ở các bãi biển Mỹ Khê, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Vạn Tường, Khe Hai... Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử gắn với lễ hội, tâm linh, nghiên cứu, giáo dục, thăm lại chiến trường xưa... đã và đang khai thác tốt. Đồng thời, du lịch sinh thái cũng đang phát triển mạnh tại các điểm như: Suối Chí, Thác Trắng, Suối nước nóng Nghĩa Thuận, Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bãi Dừa...
Ngoài ra, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các dịch vụ trải nghiệm như câu cá, mực, soi đêm, lặn ngắm san hô... ở các huyện có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng như Lý Sơn, Bình Sơn; hay trải nghiệm văn hóa đồng bào Hrê và tìm hiểu Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ; du lịch miệt vườn tại huyện Nghĩa Hành, du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ)... cũng đã thu hút nhiều du khách.
"Để du lịch ngày càng phát triển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng người dân chứ không phải riêng ngành nào. Trong đó, về ứng xử du lịch, con người Quảng Ngãi phải hướng đến văn minh, lịch sự, thân thiện, gần gũi, mến khách. Quảng Ngãi sẽ tạo mọi điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đủ năng lực để đầu tư phát triển du lịch, đưa Quảng Ngãi trở thành điểm đến an toàn và thân thiện". Chủ tịch UBND tỉnh ĐẶNG VĂN MINH
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Mục tiêu của Quảng Ngãi là đẩy mạnh phát triển du lịch và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi đạt trên 1,8 triệu lượt khách. Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 6,5% và khách nội địa tăng 8,5%/năm. Để phục hồi và phát triển du lịch sau dịch Covid-19 , Quảng Ngãi đẩy mạnh việc lập quy hoạch phát triển ngành du lịch, xây dựng Đề án Phát triển ngành du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng kế hoạch định vị và phát triển thương hiệu cho du lịch Quảng Ngãi...
Để xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn của Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước, theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL Huỳnh Thị Phương Hoa, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là chú trọng phát triển sản phẩm du lịch trọng tâm, tạo sức hút cho điểm đến. Trong đó lấy du lịch biển đảo làm chủ đạo. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện và phát triển các điểm du lịch cộng đồng; khai thác, thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền núi; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực và hợp tác quốc tế; kết nối phát triển du lịch tại các thị trường tiềm năng lớn, nhằm thu hút khách quốc tế, khôi phục và tái cơ cấu thị trường du lịch hậu dịch Covid-19.
Quảng Ngãi tập trung kêu gọi, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn có tiềm năng để phát triển dịch vụ du lịch. Tỉnh cũng sẽ kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ nhiều năm để tạo quỹ đất cho phát triển du lịch. Đồng thời, ưu tiên về nguồn lực để đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch...
Nhằm thu hút du khách, Quảng Ngãi sẽ tăng cường tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế trở thành các sự kiện định hình thương hiệu du lịch của địa phương như Giải dù lượn, Giải Marathon quốc tế; Giải bóng chuyền bãi biển... Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch thông minh, đổi mới phương thức xúc tiến, ứng dụng công nghệ 4.0 vào marketing thị trường, nâng cao hiệu quả vận hành của App du lịch và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch.
Đẩy mạnh liên kết, phát triển
Tại Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chủ đề "Dòng chảy tinh hoa" diễn ra tại TP.Hội An tháng 11.2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các địa phương; Hiệp hội Du lịch tỉnh ký thỏa thuận với các hãng hàng không và các doanh nghiệp của tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp các địa phương... Sự liên kết này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch Việt Nam khi gắn kết hai địa phương đầu tàu về kinh tế - văn hóa - xã hội - du lịch của phía bắc và phía nam với dải đất miền Trung, nhằm khai thác hiệu quả các sản phẩm, tổ chức các chương trình kích cầu du lịch liên vùng...
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Vùng, Quảng Ngãi cùng với các tỉnh, thành tập trung thực hiện các giải pháp liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các địa phương cùng triển khai các nội dung trong thỏa thuận liên kết, đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết: Để thực hiện tốt mục tiêu tiếp tục phát triển du lịch và xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh sẽ triển khai hành động một cách quyết liệt. Đây cũng là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển du lịch biển đảo là chủ đạo./.