Xây dựng thương hiệu du lịch từ “mỏ vàng” ẩm thực Việt
31/05/2024 | 08:55Sau một năm Michelin Guide vinh danh các nhà hàng, quán ăn tại Việt Nam, ẩm thực Việt đã có những tác động tích cực rất rõ rệt. Điều đó mở ra nhiều tiềm năng phát triển cho du lịch ẩm thực Việt Nam, khi mà năm 2024 nổi bật với các xu hướng du lịch mới.
Khai thác “mỏ vàng” ẩm thực Việt Nam để hút khách quốc tế
Bên cạnh giá trị về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, sự độc đáo, hấp dẫn của ẩm thực tại điểm đến cũng được xác định là một trong những yếu tố quan trọng tạo động lực thúc đẩy du lịch.
Sở hữu nền ẩm thực phong phú, đa dạng cùng những tinh hoa trong cách chế biến, thưởng thức các món ăn được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch ẩm thực, biến ẩm thực thành lợi thế thu hút khách.
Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch ẩm thực thế giới (World Food Tourism Association - WFTA), có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25 - 35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch.
Thống kê này cho thấy, ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà đã dần trở thành một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch, chi phối mạnh mẽ tới quyết định lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách.
Nhận định về vai trò của ẩm thực với du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: “Ẩm thực có vai trò quan trọng trong việc tạo nên cảm xúc cho du khách ở mỗi điểm đến. Do đó, ngành nhà hàng, ẩm thực không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội, mà còn đóng góp cho việc xây dựng hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới”.
Ẩm thực Việt cũng được giới truyền thông, các tổ chức du lịch, chuyên trang du lịch nổi tiếng đánh giá cao ở nhiều quốc gia. Chuyên trang du lịch Travel + Leisure (Mỹ) từng nhận xét, Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn trong khu vực châu Á.
Kênh CNN viết “Hội An là một trong những điểm đến ẩm thực hàng đầu tại Việt Nam và món ăn đặc trưng nhất làm nên tên tuổi của khu phố cổ này chính là món cao lầu”.
Cuối năm 2023, tại quảng trường Thời đại (New York, Mỹ), cơm tấm Phúc Lộc Thọ, bánh mì Huỳnh Hoa, cơm thố Anh Nguyễn, bún bò Huế An Cựu... đã được chiếu trên màn hình led quảng cáo ngoài trời của tòa nhà Nasdaq…
Để du lịch ẩm thực Việt Nam vươn tầm thế giới
Trong những năm qua, yếu tố ẩm thực cũng đã được kết hợp khai thác ở nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước như tại các hội chợ, các lễ hội du lịch.
Tuy nhiên, để phát huy hết lợi thế của ẩm thực và du lịch ẩm thực trong phát triển du lịch Việt Nam, ngành Du lịch cần có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển du lịch ẩm thực và sử dụng ẩm thực như một công cụ để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Trong đó, nhiều đề xuất cho rằng, cần phối hợp với các nghệ nhân ẩm thực, các hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến ẩm thực nghiên cứu, lựa chọn ra một hoặc một vài món ăn, đồ uống tiêu biểu của Việt Nam, phù hợp với khẩu vị của khách quốc tế, có công thức nấu ăn đơn giản để quảng bá trở thành món ăn biểu tượng của Việt Nam.
Trên thế giới đã nhiều nước định vị thương hiệu quốc gia bằng món ăn như: Sushi của Nhật Bản, Kim chi của Hàn Quốc; Pizza của Ý. Hiện có một số món ăn tiêu biểu được khách du lịch quốc tế biết đến và hay lựa chọn khi đến Việt Nam hoặc ở các nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài như: phở, nem cuốn, bún chả, bánh mì kẹp và cà phê…
Ngoài ra, mỗi vùng, miền địa phương trong cả nước cũng cần lựa chọn các món ăn tiêu biểu, các đặc sản ẩm thực của địa phương để phát triển, xây dựng thương hiệu và quảng bá gắn với phát triển du lịch tại địa phương đó.
Trong thời gian tới, Việt Nam nên nghiên cứu, đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật ẩm thực Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hà Nội cũng đã nhận được đề cử chủ trì cùng một số tỉnh thực hiện đề án xây dựng hồ sơ ẩm thực Phở, đề nghị UNESCO ghi danh di sản thế giới.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực gắn với các điểm đến. Cụ thể là nhằm tạo ra các trải nghiệm phong phú và khó quên cho du khách như: các tour du lịch ẩm thực (food tour); kết hợp các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn với khám phá đặc sản ẩm thực của địa phương; xây dựng các khu ẩm thực đường phố hoặc chợ ẩm thực đêm tại các điểm đến du lịch…
Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành hợp tác với các nhà hàng, các nghệ nhân ẩm thực xây dựng các chương trình dạy nấu ăn cho khách du lịch, hướng dẫn khách từ việc đi chợ lựa chọn nguyên liệu đến cách chế biến món ăn nhằm làm phong phú trải nghiệm của khách về nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam, dần hình thành và định vị thương hiệu sản phẩm du lịch ẩm thực của Việt Nam ra thế giới.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch ẩm thực để quảng bá loại hình này và sử dụng hình ảnh ẩm thực để quảng bá chung cho du lịch Việt Nam.
Trên cơ sở định vị được các sản phẩm ẩm thực đặc trưng để phát triển và quảng bá, hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu có thể triển khai bằng việc các hình ảnh chất lượng cao, các video clip giới thiệu các món ăn, các chương trình trải nghiệm thực tế về ẩm thực để phát trên truyền hình.
Các sản phẩm phục vụ cho hoạt động quảng bá khác như: sách ảnh, tập gấp cả bản in và bản điện tử; các thông tin, tư liệu, công thức chế biến món ăn, hướng dẫn về trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Trong tương lai, khi điều kiện cho phép, nên xây dựng Bảo tàng ẩm thực Việt Nam, nơi trưng bày lưu giữ các hình ảnh, mô hình các món ăn của 54 dân tộc, các tư liệu về công thức chế biến cũng như văn hóa thường thức. Đây cũng sẽ là điểm tham quan thú vị cho khách du lịch, vừa tham quan vừa được trải nghiệm thực tế các món ăn mình ưa thích.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ẩm thực và sử dụng ẩm thực để quảng bá cho du lịch Việt Nam. Một số kênh truyền thông, xúc tiến, quảng bá phù hợp, có thể được triển khai một cách có hiệu quả.
Tăng cường quảng bá ẩm thực Việt Nam tại các sự kiện lễ hội, văn hóa do Việt Nam tổ chức ở nước ngoài như: sự kiện Những ngày Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.
Các sự kiện này thường thu hút một lượng lớn công chúng nước sở tại tham gia và thường có nhu cầu cao được trải nghiệm văn hóa ẩm thực của Việt Nam tại các sự kiện. Đặc biệt, sự kiện triển lãm thế giới (World Expo) được tổ chức 5 năm một lần và thường kéo dài tới 6 tháng với hàng triệu lượt khách tham quan.
Thường xuyên tổ chức các Lễ hội ẩm thực trong nước tại các vùng, miền gắn với các sự kiện xúc tiến và quảng bá du lịch hoặc lễ hội ẩm thực Việt Nam ở nước ngoài. Đây là cơ hội để Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng giới thiệu, quảng bá các món ăn, các đặc sản ẩm thực của vùng miền đến khách du lịch cũng như tạo thêm các sản phẩm, điểm hấp dẫn cho du lịch ẩm thực.