Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Hà Nội: Bảo tồn, phát triển và khai thác giá trị từ văn hóa

23/08/2024 | 09:43

Hà Nội có khu vực nông thôn rộng lớn, giàu bản sắc văn hóa. Đặc biệt, thành phố còn có 13 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nơi đây, đồng bào dân tộc chủ yếu là người Mường và Dao cư trú tập trung theo cộng đồng với rất nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, những giá trị văn hóa này đang tiếp tục được khơi dậy và phát triển, tạo động lực để địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Hà Nội: Bảo tồn, phát triển và khai thác giá trị từ văn hóa - Ảnh 1.

Người dân tộc Mường (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) biểu diễn các tiết mục múa hát.

Đặc sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc

Những ngày này, các thành viên của đội cồng chiêng thôn Lặt (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) thường xuyên tụ họp để luyện tập biểu diễn văn nghệ. Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng thôn Lặt Nguyễn Thị Duyên, cồng chiêng là báu vật của người Mường. Tiếng chiêng là thanh âm quen thuộc, gắn với người dân trong tất cả các sự kiện của đời sống. Mỗi khi tiếng binh boong ngân nga, rộn ràng, không khí của bản Mường thêm vui tươi, phấn khởi…

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Quang Đỗ Văn Minh cho biết, xã có 41% dân số là người dân tộc Mường, sinh sống tập trung ở các thôn: Cốc Đồng Tâm, Dy, Lặt, Víp, Đầm Sản… Văn hóa dân tộc Mường hiện vẫn được duy trì trong phong tục tập quán, trong nếp sinh hoạt của mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Mặt khác, trên địa bàn xã có 2 di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Hạ, đền Trung thờ tam vị Đức Thánh Tản Viên. Hằng năm, theo phong tục truyền thống diễn ra Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh đều có hoạt động đánh cồng chiêng, nên việc duy trì, tập luyện và sử dụng cồng chiêng được diễn ra thường xuyên ở các thôn người Mường.

Giáp với xã Minh Quang, xã Ba Vì (cũng thuộc huyện Ba Vì) là địa phương duy nhất của Hà Nội có người Dao cư trú thành cộng đồng. Hiện tại, xã có hơn 500 hộ dân, sinh sống tập trung ở 3 thôn: Yên Sơn, Hợp Sơn và Hợp Nhất.

Ông Dương Kim Liên là người dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn chia sẻ, người Dao ở Ba Vì cơ bản giữ được nguyên vẹn phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Đó là Tết nhảy, lễ cấp sắc, lễ tạ mả; có trang phục, tiếng nói, chữ viết riêng. Gắn với xây dựng nông thôn mới, kinh tế của người dân ngày một nâng cao, hộ nghèo giảm hẳn. Người Dao có điều kiện hơn để khôi phục, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.

Chủ tịch UBND xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) Đoàn Thị Thịnh cho biết, người Mường ở Yên Bình vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Về văn hóa vật thể có nhà sàn, trang phục, ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt. Về văn hóa phi vật thể có ngôn ngữ, các làn điệu hát, múa, các môn thể thao, trò chơi dân gian… Đó cũng là nét văn hóa được duy trì của người Mường ở các xã Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai); xã An Phú (huyện Mỹ Đức)...

Tạo động lực để phát triển

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thành phố đã có 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

“Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố, các địa phương đã dành kinh phí rất lớn đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở khang trang. Đây là nơi các câu lạc bộ cồng chiêng của các thôn hội họp, biểu diễn, truyền dạy văn hóa chiêng Mường hoạt động hiệu quả, góp phần vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số”, ông Nguyễn Văn Chí cho hay.

Tại huyện Ba Vì, địa phương đã tổ chức phát thanh tiếng dân tộc Mường trên hệ thống Đài Truyền thanh các xã miền núi vùng dân tộc thiểu số 2 lần/tuần; tổ chức thành công đợt tập huấn chiêng Mường đợt một tại 3 xã Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh và tổ chức cấp cồng chiêng cho UBND các xã miền núi quản lý, sử dụng và bảo quản để thực hiện việc bảo tồn văn hóa dân tộc Mường.

Văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội không chỉ được bảo tồn, phát triển, mà còn được khai thác trong phát triển du lịch. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Quang (huyện Ba Vì) Đỗ Văn Minh cho biết, trên địa bàn xã có nhiều đơn vị khai thác du lịch đã liên kết với các câu lạc bộ cồng chiêng của các thôn để biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách… Đó là việc làm thiết thực, vừa quảng bá nét văn hóa Mường, vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Để lan tỏa nét đẹp này, hằng năm, Minh Quang đều tổ chức Ngày hội bảo tồn văn hóa dân tộc Mường với rất nhiều hoạt động, như: Thi nói tiếng Mường, đánh chiêng Mường; thi bắn nỏ, múa sạp, kéo co và các trò chơi dân gian; nấu món ăn dân tộc Mường..., làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Theo hanoimoi.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×