Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới

08/08/2014 | 17:21

Ngày 05/8, Bộ VHTTDL đã có Tờ trình số 187/Ttr-BVHTTDL gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới nhằm cụ thể hóa quan điểm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và Nghị quyết số 52/2013/QH13 của Quốc hội Khóa XIII về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nguồn lực để cho phát triển du lịch giai đoạn 2014-2020.

Mục tiêu của Nghị quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn đang là rào cản, ảnh hưởng đến khả năng phát triển và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh du lịch tiếp tục chịu tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới và vấn đề an ninh biển Đông; tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng, đặc biệt là các địa phương trọng điểm du lịch trong triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tạo động lực thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển, thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, một số vấn đề trọng tâm cấp bách cần được Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện bao gồm: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành Du lịch; tăng cường đầu tư nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch thông qua Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch, Chương trình Hành động quốc gia về du lịch và Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia; tạo điều kiện cho khách du lịch; tăng cường nguồn lực xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch và đảm bảo môi trường, an ninh, an toàn cho khách du lịch.

Trong những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư; tác động tích cực tới sự phát triển của nhiều ngành kinh tế có liên quan; tạo nhiều việc làm cho xã hội; góp phần xóa đói giảm nghèo; nâng cao dân trí; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam năng động, thân thiện vì hòa bình trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và kết quả trên, du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, cạnh tranh thu hút khách giữa các nước trong khu vực ngày càng gay gắt, nguồn khách quốc tế còn phụ thuộc nhiều vào các thị trường lớn truyền thống, kích cầu du lịch nội địa chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, gân đây tình hình căng thẳng trên biển Đông do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Tình trạng trên có nguyên nhân chủ quan là hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá hạn chế, nhân lực ngành Du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu... Ngoài ra còn có nguyên nhân khách quan như: Nhận thức về phát triến du lịch còn hạn chế; sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các câp, các ngành từ Trung ương đến địa phương chưa được phát huy đầy đủ; đầu tư du lịch còn còn chưa tương xứng và chưa đem lại hiệu quả như mong muốn; một số chính sách có liên quan đến du lịch còn bất cập, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút khách du lịch; vấn đề an ninh, an toàn cho khách du lịch tại một số điểm đến chưa được duy trì thường xuyên...

TTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×