Xây dựng Nghị định về hoạt động văn học: Khơi thông sức sáng tạo, tài năng của nhà văn vào xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam
15/06/2024 | 07:24Chiều 14/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chủ trì buổi làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương về đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học theo Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 176/TB-VPCP.
Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; bà Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL).
Theo báo cáo của Cục Nghệ thuật biểu diễn tại buổi làm việc, Bộ VHTTDL đang xây dựng dự thảo Tờ trình về việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 23/4/2024 của Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 22/01/2024, Bộ VHTTDL đã có Tờ trình số 16/TTr- BVHTTDL trình Chính phủ dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học, tại Tờ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ xây dựng Nghị định về hoạt động văn học theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo nội dung chính sách xây dựng Nghị định về hoạt động văn học: (1) Cơ chế nhà nước giao nhiệm vụ khuyến khích sáng tác văn học, lý luận, phê bình văn học sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị. (2) Phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả Trại sáng tác văn học, lý luận phê bình văn học. (3) Nâng cao chất lượng Cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, lý luận phê bình văn học. (4) Về Giải thưởng văn học quốc gia. (5) Đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, xúc tiến phát triển văn học và phát huy giá trị các tác phẩm văn học Việt Nam.
Ngày 11/4/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: VHTTDL, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đại diện các Bộ, cơ quan: Tư pháp, Tài chính, Công an, Quốc phòng và Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ngày 23/4/2024, Bộ VHTTDL nhận được Thông báo số 176/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học, trong đó yêu cầu tập trung hoàn thiện các nội dung sau: (a) Rà soát các chính sách của Nghị định đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về văn học, nghệ thuật; giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đã được nhận diện qua quá trình tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới", Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam" và Hội nghị văn hóa toàn quốc...Nghị định khi ban hành phải tạo lập không gian, thúc đẩy sáng tạo trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học; xây dựng nền văn học Việt Nam dân tộc, khoa học, đại chúng, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, phản ánh hiện thực sinh động của sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước và hội nhập xu thế của thế giới.
(b) Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương xác định phạm vi điều chỉnh của Nghị định; rà soát nội dung của từng chính sách để đảm bảo bao quát, toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tác (đặt hàng sáng tác, tổ chức trại sáng tác, phát động các cuộc thi, tổ chức các giải thưởng văn học, các hoạt động hỗ trợ khác ...), bảo vệ quyền tác giả, phê bình, lý luận văn học, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học và quảng bá văn học trên không gian mạng, thúc đẩy văn hóa đọc; thống nhất các khái niệm, thuật ngữ. Trên cơ sở phạm vi điều chỉnh, nội dung chính sách, Bộ VHTTDL đề xuất tên gọi cho phù hợp; đồng thời, làm rõ hơn cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết cần có quy định riêng điều chỉnh về lĩnh vực văn học trong Dự thảo Hồ sơ đề nghị.
(c) Về một số nội dung chính sách cụ thể cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện: (i) Quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương, trong đó đề cập định hướng về tổ chức bộ máy quản lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chủ trương, quy định pháp luật liên quan; (ii) Phát huy tối đa vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam và các tổ chức chuyên môn liên quan, trong đó trực tiếp là việc tham gia tổ chức các cuộc thi, giải thưởng về văn học, quy định về việc xây dựng các tiêu chí, thể lệ bám sát xu thế của quốc tế, hoạt động tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng, việc tăng cường bảo vệ bản quyền tác giả, giới thiệu, quảng bá và phổ biến văn học trên không gian mạng, phát triển văn hóa đọc; đồng thời chú trọng đa dạng hóa các hình thức tôn vinh, quảng bá tác phẩm văn học; (iii) Đa dạng hóa các hình thức tổ chức không gian sáng tạo để khuyến khích mọi đối tượng được tham gia vào hoạt động sáng tác phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể; tăng cường vai trò của Nhà nước thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin, tổ chức giao lưu và các hoạt động hỗ trợ khác.
Sau khi nghiên cứu và xin ý kiến Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và một số cơ quan có liên quan, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định về hoạt động văn học theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, cụ thể như sau:
(1)Về thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc giao Bộ Tư pháp có văn bản khẳng định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, hoàn thiện, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học (Mục 3 Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 23/4/2024 của Văn phòng Chính phủ), trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ.
(2) Về nội dung tiếp thu: Trên cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và dự thảo các chính sách của Nghị định, Bộ VHTTDL tiếp thu và điều chỉnh tên gọi Nghị định theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ giao Bộ VHTTDL xây dựng Nghị định về hoạt động văn học.
Rà soát các chính sách của Nghị định đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về văn học, nghệ thuật; giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đã được nhận diện qua quá trình tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới", Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam" và Hội nghị văn hóa toàn quốc... vấn đề này, đã tiếp thu, điều chỉnh tại phần cơ sở chính trị và cụ thể tại dự thảo các chính sách của Nghị định.
Tiếp thu việc phát huy tối đa vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và các tổ chức chuyên môn liên quan, trong đó trực tiếp là việc tham gia tổ chức các cuộc thi, giải thưởng về văn học, trại sáng tác văn học theo chuyên đề, chủ đề, nhiệm vụ chính trị; các cuộc thi sáng tác văn học quy mô quốc gia, quốc tế, khu vực; xây dựng đề án, quy chế giải thưởng văn học quốc gia theo giai đoạn cụ thể, trong đó có quy định về trình tự, thủ tục hồ sơ xét tặng giải thưởng văn học; dịch, giới thiệu quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài...
Tờ trình cũng nêu rõ một số nội dung giải trình như: Giới thiệu, quảng bá và phổ biến văn học trên không gian mạng; Hoạt động, đào tạo, tập huấn cho các nhà văn, tác giả...
Tại buổi làm việc, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã đồng tình với quan điểm cần thiết xây dựng Nghị định quy định, khuyến khích phát triển văn học. Theo ông Nguyễn Quang Thiều, Nghị định với mục tiêu khuyến khích sự phát triển của văn học, khuyến khích đầu tư cho sáng tạo văn học, quy định về giải thưởng văn học quốc gia và hiệu quả của trại sáng tác... những điều đó cần và có lợi cho nhà văn. Khi có Nghị định, các nhà văn biết quyền lợi và trách nhiệm của mình rõ ràng hơn.
Bà Ngô Phương Lan cho rằng, văn học là nghệ thuật gốc của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhưng bất cập là chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh, quản lý. Việc xây dựng Nghị định cần tham khảo quy chế quản lý văn học ở một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam, sao cho công tác quản lý văn học hiệu quả, khuyến khích văn học phát triển.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, những người hoạt động văn học đang rất quan tâm và chờ đợi sự ra đời của văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn văn học hiện nay, bảo đảm tự do sáng tạo, giúp các nhà văn khơi thông sức sáng tạo, toàn tâm toàn ý đóng góp tài năng, sức lực của mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Để làm được điều đó, việc xây dựng Nghị định đã được Bộ VHTTDL tiến hành thận trọng, khoa học, tham khảo ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành liên quan và đối tượng chính của nghị định là những người cầm bút và người thụ hưởng tác phẩm văn học. Để hoàn thiện Dự thảo Tờ trình lần này, Bộ VHTTDL tiếp tục xin ý kiến của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, những ý kiến góp ý sẽ được Bộ VHTTDL tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện Tờ trình và trình Chính phủ trong thời gian tới./.