Xây dựng Ngày hội "Sắc xuân vùng cao A Lưới" thành sản phẩm du lịch đặc sắc
30/03/2025 | 09:00Ngày 29/3, tại Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, TP Huế) đã diễn ra khai mạc Ngày hội "Sắc xuân vùng cao A Lưới". Sự kiện được tổ chức nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025.
A Lưới được biết đến là một vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử. Với đặc trưng vùng miền núi có cộng đồng dân tộc thiểu số chiếm đến gần 80% dân số toàn huyện, các cộng đồng người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa hy… sống đoàn kết, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, đa sắc màu. Địa phương có các lễ hội như Aza Koonh, nghề dệt Dèng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản của Việt Nam và nhân loại.

Tái hiện các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới tại ngày hội.
Lãnh đạo UBND huyện A Lưới cho biết, thời gian qua huyện đã tập trung vào công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Tận dụng các tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển du lịch. Các thiết chế văn hóa trên địa bàn dần được bảo tồn, tôn tạo và phát triển, các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng được phát huy. A Lưới đã được TP Huế chọn đăng cai tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn. Trong đó có Ngày hội "Sắc xuân vùng cao A Lưới" là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia – Huế 2025.
Đến với Ngày hội "Sắc xuân vùng cao A Lưới", người dân và du khách sẽ được hòa mình trong không khí rộn rã của tiếng trống, chiêng. Cùng tham gia các lễ hội đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống; thưởng thức những nét độc đáo của văn hóa ẩm thực; chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục Dèng truyền thống. Ngoài ra, được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ tại các điểm du lịch sinh thái…
Trước ngày khai mạc, trong ngày 28/3, nhiều hoạt động đã được tổ chức như trưng bày sản phẩm nông nghiệp, đặc sản, thủ công mỹ nghệ; tái hiện nghề thủ công truyền thống làm bánh, giã gạo, trình diễn nhạc cụ truyền thống; phiên chợ vùng cao; chương trình nghệ thuật. Đáng chú ý, phiên chợ vùng cao được tổ chức tại không gian Chợ phiên vùng cao A Lưới với nhiều sản phẩm phẩm nông sản, đặc sản và thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan, mua sắm, trải nghiệm.

Giới thiệu về nghề dệt Dèng của đồng bào dân tộc Pa Cô.
Ban Tổ chức cho biết, thông qua các hoạt động của Ngày hội đã góp phần bảo tồn, giữ gìn giá trị di sản văn hóa Huế nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới nói riêng. Giúp cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu được giá trị văn hóa nghệ thuật, nghề truyền thống. Hiểu thêm được những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm. Tôn vinh và khơi gợi niềm yêu thích với văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đặc biệt, thu hút khách du lịch đến với A Lưới sử dụng các dịch vụ, tiêu thụ các sản phẩm của địa phương. Góp phần tăng thêm thu nhập, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.
Các hoạt động cũng góp phần kết nối, giao lưu, gặp mặt của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các dân tộc huyện A Lưới với các nghệ sĩ, du khách trong và ngoài thành phố. Đây cũng là dịp sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch, tạo tình đoàn kết bền chặt giữa các dân tộc thiểu số, tăng cường niềm tin vào Đảng trên tiến trình xây dựng quê hương đất nước. Đồng thời là dịp để A Lưới quảng bá, giới thiệu nét đặc trưng bản sắc các đồng bào dân tộc thiểu số của huyện…
Trong thời gian tới, huyện A Lưới cũng hướng đến xây dựng Ngày hội "Sắc xuân vùng cao A Lưới" trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, giúp A Lưới trở thành điểm đến "an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng".