Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng môi trường văn hóa đi vào chiều sâu: Khẳng định một hướng đi đúng

02/01/2024 | 09:07

Sau 2 năm xác định việc xây dựng môi trường văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, toàn ngành Văn hóa đã đạt được những kết quả bước bước đầu đáng ghi nhận, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ. Tại các địa phương đã xuất hiện nhiều điểm sáng, tấm gương điển hình tiên tiến, từng bước khẳng định đây là một hướng đi đúng đắn.

Xây dựng môi trường văn hóa đi vào chiều sâu: Khẳng định một hướng đi đúng - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Hướng đi đúng đắn

Nhằm cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, bước vào năm 2022, Bộ VHTTDL xác định chủ đề năm công tác đó là "Xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở và công tác cán bộ" với một tư duy hoàn toàn đổi mới đó là "Chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa". Từ đó đến nay, việc xây dựng môi trường văn hóa bắt đầu được quan tâm nhiều hơn, quyết liệt hơn.

Bước sang năm 2023, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng môi trường văn hóa cơ sở giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch là tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, khu dân cư, nông thôn, đô thị, cơ quan công sở, doanh nghiệp… lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế….

Nhìn lại hai năm thực hiện việc xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhận định, một chuyển động có chiều sâu đó là chúng ta đã tập trung, xác định môi trường văn hóa, coi đó là gốc để hình thành phát triển văn hóa một cách bền vững nhất.

Theo đó, Bộ đã quan tâm, tập trung chỉ đạo theo hướng có trọng tâm trọng điểm, chọn những khâu có tính chất đột phá. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm hơn cả về thực chất, chiều sâu, lấy nhân dân làm chủ thể, địa bàn tác nghiệp là phường xã, thôn bản, thông qua việc xây dựng các hương ước, quy ước. Đồng thời, tập trung xây dựng môi trường văn hóa công sở, môi trường văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí…

"Chúng ta nhấn mạnh yếu tố con người và phối hợp với các binh chủng hợp thành, từ giáo dục đào tạo đến lao động thương binh xã hội, đến vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, đến các liên đoàn, hiệp hội và theo chức năng nhiệm vụ Bộ VHTTDL là cơ quan định hướng, còn tổ chức thực hiện thì tùy theo chức năng nhiệm vụ và đến nay chúng ta đã có những điểm sáng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã phát động và triển khai xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí để lan tỏa cho những thông điệp đẹp đẽ.

Hay như việc xây dựng môi trường văn hóa văn hóa cho doanh nghiệp doanh nhân. Khi doanh nghiệp đạt chuẩn về văn hóa đó là cách để chúng ta có những doanh nghiệp bền vững, để đi ra với bạn bè quốc tế, vươn ra biển lớn trong một tâm thế định vị văn hóa Việt Nam.

Đồng thời, chúng ta có những đội ngũ doanh nhân đạt chuẩn về văn hóa, không những người tài giỏi về mặt kinh doanh mà mang trong họ tâm hồn của họ là một trái tim cống hiến của sự chia sẻ vì cộng đồng. Theo Bộ trưởng, xét cho cùng đó là chiều sâu về văn hóa tác động.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: "Dù đây mới chỉ là những kết quả bước đầu nhưng chúng ta đã đi đúng hướng khi xác định môi trường văn hóa cơ sở là động lực của sự phát triển".

Những kết quả trong công tác xây dựng môi trường văn hóa không phải là nhận định khách quan của cả nhân Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Đó cũng chính là đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bức thư gửi đến toàn ngành VHTTDL nhân Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 nhân kỳ niệm 78 năm thành lập ngành.

Tổng Bí thư viết: "Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người đã đi đúng hướng, lấy cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Dân tộc.

Nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến được phát huy, nhân rộng, góp phần thiết thực để xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, giá trị "chân - thiện - mỹ" của con người, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, cuộc sống của mỗi gia đình hạnh phúc hơn".

Xuất hiện nhiều điểm sáng

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL Ninh Thị Thu Hương, thông qua công tác tổ chức, triển khai việc xây dựng môi trường văn hóa, nhận thức về quan điểm của Đảng, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và phát triển bền vững đất nước được hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn; xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người đã được xem là nhiệm vụ trọng tâm gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Nhờ đó, nhiều mô hình, điểm sáng đã xuất hiện trong một thời gian ngắn kể từ khi ngành VHTTDL phát động triển khai việc xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở.

Theo thống kê của Bộ VHTTDL, hiện cả nước có 140 mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai ở các cấp, trong đó tập trung xây dựng các mô hình: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; Đẩy mạnh và phát triển hoạt động văn hóa văn nghệ và TDTT; Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Vận động tuyên truyền thay đổi, xóa bỏ những tập tục không phù hợp, tập tục lạc hậu; Phát động và duy trì phong trào khuyến học, khuyến tài…

Nổi bật, nhiều địa phương đã đầu tư các thiết chế văn hoá, phù hợp với đặc thù địa phương. Cụ thể, tại Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô cho biết: Với mục tiêu tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, có đột phát trong việc xây dựng các làng, thôn, bản khu dân cư phát triển đồng bộ, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu".

Tính đến thời điểm hiện tại, 28/28 Khu thiết chế văn hóa – thể thao thuộc các làng văn hóa kiểu mẫu đã khởi công, xây dựng thuộc 9 huyện, TP trên địa bàn tỉnh. Dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2023.

Tại Bắc Ninh, dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2009, một trong các nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tỉnh là việc xây dựng các thiết chế văn hoá, cơ sở vật chất đặc thù.

Tính đến hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được 11 Nhà chứa Quan họ (nhà thực hành Quan họ), hệ thống các Nhà chứa Quan họ đã đi vào vận hành và thu được kết quả tốt, phục vụ sinh hoạt gắn với loại hình Dân ca Quan họ của địa phương và là điểm đến, tham quan của khách du lịch.

Cùng với các mô hình đầu tư thiết chế văn hoá, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, thời gian qua, các địa phương đã triển khai, xây dựng nhiều mô hình bảo tồn, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, phục vụ nhu cầu của Nhân dân.

Tại Gia Lai, Giám đốc Sở VHTT&DL Gia Lai Trần Ngọc Nhung cho biết: Sinh hoạt truyền thống liên quan đến cồng chiêng ở cơ sở ngày càng thưa vắng, biến đổi. Các cộng đồng người Bahnar, Jrai dù vẫn sở hữu nhiều cồng chiêng nhưng cơ hội cũng như sự tự nguyện sử dụng loại nhạc cụ này trong các sinh hoạt liên quan không còn được như trước.

Vì vậy, tỉnh Gia Lai đã ban hành đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 – 2025. Mô hình "Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức & Trải nghiệm" (CCCT) ra đời trong bối cảnh ấy.

CCCT được Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức lần đầu tiên vào dịp 30/4 – 1/5/2022, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku. Đây là hoạt động luân phiên giữa các đoàn nghệ nhân của hai dân tộc Bahnar và Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với sự tham gia của khoảng 40 nghệ nhân vào mỗi đêm diễn, diễn ra vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần.

Tại Nghệ An, sau khi Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, sự vào cuộc tích cực của ngành Văn hóa và Thể thao, các sở ban ngành, đơn vị có liên quan, chính quyền các cấp, việc thành lập CLB dân ca Ví, Giặm và tập huấn, truyền dạy hát dân ca được đẩy mạnh trong toàn tỉnh.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ: "Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được gần 140 CLB dân ca ví, Giặm tại 21 huyện, thị thành, với gần 3000 hội viên, 42 nghệ nhân dân gian, 52 nghệ nhân ưu tú, 01 nghệ nhân Nhân dân. Đặc biệt, tại các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu,… ngoài các đặc trưng văn hóa của dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu,... các địa phương này cũng thành lập các CLB dân ca Ví, Giặm. Đây là cơ sở tiền đề thực hành di sản, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đồng thời khai thác được các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương trong phát triển kinh tế du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, để khích lệ tinh thần của các nghệ nhân, năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An, quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và nghệ sỹ đang làm việc tại Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An.

Theo Bộ trưởng, dù đã đạt được dấu ấn đáng ghi nhận nhưng đây cũng mới chỉ là những kết quả bước đầu. Bởi, sản phẩm thực sự của văn hóa không phải ngày một ngày hai mà cần có thời gian mới nhìn thấy được. Vì vậy, với những mục tiêu đã chỉ rõ trong Kế hoạch triển khai xây dựng môi trường văn hóa cơ sở giai đoạn 2023 - 2025, toàn ngành cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, chọn những việc trọng tâm, trọng điểm để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở.

Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×