Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng làng du lịch miền núi: Bổ trợ cho tuyến du lịch sinh thái khu vực phía Tây Quảng Bình

15/11/2024 | 08:40

Làng du lịch miền núi gắn với các hoạt động, sự kiện văn hóa sẽ tạo động lực khôi phục các hoạt động văn hóa dân gian, đáp ứng nhu cầu của du khách, sẽ là mắc xích quan trọng bổ trợ cho những tuyến du lịch sinh thái mang tính thám hiểm, khám phá vốn có ở khu vực phía Tây Quảng Bình.

Đây là nhận định của nhóm tác giả của nhóm tác giả Nguyễn Phước Bảo Đàn, TS. Lê Anh Tuấn, ThS. Hoàng Thị Ái Hoa (Phân Viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế) khi đề cập đến Làng đời sống, làng du lịch miền núi hướng tới bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số khu vực phía Tây Quảng Bình với phát triển du lịch.

Theo đó, khu vực phía Tây Quảng Bình là địa bàn cư trú của các nhóm tộc người thiểu số. Những tộc người này còn bảo lưu rất nhiều yếu tố nguyên thủy trong mọi mặt đời sống. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ những yếu tố này phủ tràn trong chu kỳ sản xuất, chu kỳ đời người lẫn nhịp sống thường nhật của họ với những tín lễ lẫn ma thuật (làm hại, chữa bệnh) rất đặc trưng. Các nhóm tộc người Chứt, dưới góc nhìn ngôn ngữ chính là bộ phận cư dân chứa đựng nhiều yếu tố cổ của khối tiền Việt - Mường. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để khôi phục một số hoạt động kinh tế sản xuất, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, văn hóa dân gian liên quan đến hình thái kinh tế buổi đầu của xã hội loài người còn lại rất hiến hoi trên mặt bằng chung của nhân loại. Với những thế mạnh như thế, việc xây dựng bảo tàng làng, làng đời sống, bảo tàng đời sống, hoặc làng du lịch miền núi sẽ là mắc xích quan trọng bổ trợ cho những tuyến du lịch sinh thái mang tính thám hiểm, khám phá vốn có ở khu vực phía Tây Quảng Bình.

Xây dựng làng du lịch miền núi: Bổ trợ cho tuyến du lịch sinh thái khu vực phía Tây Quảng Bình - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, khu vực miền Tây Quảng Bình còn có các điều kiện khác, đáp ứng được việc xây dựng làng du lịch miền núi như: Đây là khu vực có những tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa độc đáo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, các thác nước đẹp, hang động kỳ vĩ, rục nước, sông ngầm, rừng nguyên sinh v.v.

Cùng với đó văn hóa truyền thống các nhóm tộc người Chứt được nhìn nhận còn bảo lưu nhiều yếu tố nguyên thủy, đây chính là hình ảnh đã qua của xã hội loài người, dưới nhiều góc nhìn, chính là tâm điểm thu hút sự tò mò, muốn quan sát và trải nghiệm của nhiều đối tượng.

Các ngôi làng cổ là nơi lưu giữ nghệ thuật kiến trúc truyền thống của các nhóm tộc người Chứt: nhà sàn, nhà canh rẫy, nhà đẻ, nhà mồ... Đây là những công trình kiến trúc đặc trưng, phản ánh thế giới nhân sinh quan của các nhóm tộc người.

Không những thế, nơi đây còn có nghề thủ công như: Làm áo vỏ cây, làm rượu đoác, làm bột nhúc, nghèn v.v.

Một trong những yếu tố độc đáo khác nữa là những lễ hội gắn với chu kỳ đời người (sinh đẻ, đặt tên, trưởng thành, cưới hỏi, tang ma, bỏ mã). Lễ hội gắn với đời sống nương rẫy hoả canh (phát - đốt - cốt - trỉa, cầu mưa, cầu mùa, thu hoạch, mừng lúa mới v.v.). Lễ cúng mùa săn, Lễ đập trống v.v.

Xây dựng làng du lịch miền núi: Bổ trợ cho tuyến du lịch sinh thái khu vực phía Tây Quảng Bình - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Nghệ thuật diễn xướng dân gian cũng thu hút sự quan tâm, khám phá của nhiều du khách với các loại nhạc cụ bộ dây, bộ gõ, bộ hơi như đàn ống, đàn môi, sáo, tù và...

Nơi đây cũng nổi bật với nhiều món ăn được làm nên từ hệ nguyên liệu phong phú, mang tính đặc trưng gắn với núi rừng, nương rẫy, cách chế biến tuy đơn giản nhưng lại giàu chất dinh dưỡng, và hấp dẫn. Điển hình như món Pồi, các món nướng, hấp, luộc, xào, các loại rượu đoác, rượu cần v.v.

Tiếp đến là nguồn lực con người: Bộ phận người già nắm giữ tri thức bản địa cộng đồng chưa thực sự mất đi.

Và để phát triển làng du lịch nơi đây thì còn có lợi thế giao thông: khoảng cách Đông - Tây ở tỉnh Quảng Bình cực ngắn, đây là lợi thế cho những tuyến du lịch không tiêu tốn nhiều thời gian cho việc di chuyển, và việc di chuyển giữa những cung đường ngắn với sinh cảnh đa dạng có thể xem là điều hấp dẫn.

Xây dựng làng du lịch miền núi: Bổ trợ cho tuyến du lịch sinh thái khu vực phía Tây Quảng Bình - Ảnh 3.

Mô hình làng du lịch Tân Hoá ở Quảng Bình đã thành công và tạo ra nhiều giá trị.

Trong khi đó, hoạt động du lịch đánh thức các giá trị văn hóa dân tộc bị lãng quên; nâng cao nhận thức giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống; kế thừa và tôn tạo các giá trị văn hóa của cộng đồng bản địa, của tộc người cho du khách khám phá, thưởng thức và học tập; xây dựng và cải tạo môi trường văn hóa, xã hội, tạo khả năng hội nhập và thích ứng cho các hoạt động văn hóa trong điều kiện mới; thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng, tộc người và khu vực. Thực tế cho thấy, những mô hình này đã và đang đáp ứng được đồng thời nhiệm vụ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tộc người và phát triển kinh tế địa phương một cách khả quan và giàu tính thuyết phục thông qua các hoạt động văn hóa - giải trí và du lịch - dịch vụ.

Làng du lịch miền núi gắn với các hoạt động, sự kiện văn hóa sẽ tạo động lực khôi phục các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội dân gian, tín ngưỡng dân gian, các loại hình nghệ thuật diễn xướng và nghề thủ công truyền thống. Từ những hoạt động này, nhiều địa phương đã thành lập các đội biểu diễn, đầu tư mua nhạc cụ cồng chiêng, luyện tập các bài bản truyền thống, các điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, tổ chức các lễ hội truyền thống.

Làng du lịch miền núi phát triển sẽ thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà nghỉ, các loại hình dịch vụ... đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời góp phần bảo tồn, phục dựng lại những bản làng, giữ gìn và phát triển những nghề truyền thống.

PV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×