Vĩnh Phúc: Hình thành văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt
08/05/2024 | 17:00Sau nhiều năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh nhờ giá thành cạnh tranh so với hàng ngoại cũng như việc không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm.
Để người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển, thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam được ngành Công Thương triển khai đồng bộ, hiệu quả, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Hằng năm, Sở Công Thương đều hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm của tỉnh tới người tiêu dùng; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước; phối hợp với Bộ Công Thương mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu hàng hóa tại nhiều nước trên thế giới. Riêng năm 2023, Sở Công Thương đã triển khai 3 điểm bán hàng cố định với khẩu hiệu “Tự hào hàng Việt Nam” tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô; thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch và thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức nhiều hội chợ giới thiệu hàng Việt trên địa bàn tỉnh như: Hội chợ hoa Xuân; Hội chợ kích cầu tiêu dùng Vĩnh Phúc 2023 và 9 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn, đô thị, khu công nghiệp trong tỉnh.
Nhờ hàng loạt các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã thực sự đi vào cuộc sống của mỗi người dân, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hành động, thói quen ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt. Hàng nhập ngoại đã được hạn chế; hàng Việt không chỉ được cải tiến vượt bậc về chất lượng và mẫu mã ngày càng chiếm ưu thế trong giỏ hàng của người tiêu dùng khi giá thành cạnh tranh so với hàng ngoại. Hiện, hàng Việt Nam có độ phủ lớn tại tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, được người tiêu dùng tin tưởng. Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh như Co.opmart, Winmart, Go!… cho thấy, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với khoảng 90%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên. Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, Nhân dân mua sắm hàng Việt tăng, thể hiện lòng yêu nước, tính tự tôn dân tộc. Đáng chú ý, cuộc vận động đã tạo được những chuyển biến trong ý thức của người tiêu dùng, nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp; chương trình khuyến mại, hội chợ, triển lãm... giúp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Từ đó, góp phần giữ vững ổn định giá cả các mặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, tạo được cơ hội lớn cho doanh nghiệp ổn định và phát triển trên thị trường.
Qua 15 năm triển khai, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam hiện bước sang giai đoạn mới khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đứng trước áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu vẫn là công tác tuyên truyền, bảo đảm thực hiện thường xuyên, sâu rộng, kết hợp theo hướng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc vận động. Trong đó, các hình thức tuyên truyền được thực hiện phong phú, đa dạng thông qua các hệ thống truyền thông của tỉnh; treo băng rôn, pa nô, áp phích, tranh cổ động tại các điểm công cộng, trục đường giao thông, tại các trung tâm thương mại, các khu chợ, khu công nghiệp và những nơi tập trung đông dân cư.
Đồng thời, lồng ghép với tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; gắn việc thông tin tuyên tuyên về cuộc vận động với việc quảng bá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, thương hiệu Việt trên các kênh bán hàng trực tiếp, online… giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của nhau, hiểu đúng và nâng cao trách nhiệm thực hiện các Hiệp định Thương mại khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp Việt với hàng hóa nhập khẩu.