Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Long: Hiệu quả từ mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số

23/08/2021 | 15:30

Qua gần 20 năm thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc, hầu hết các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tỉnh Vĩnh Long tổ chức hướng về cơ sở, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trong tỉnh giao lưu, sinh hoạt.

Các chính sách về văn hóa đối với vùng đồng bào DTTS cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện, thúc đẩy các tầng lớp Nhân dân phát huy tính chủ động, tích cực tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Theo Cục Thống kê năm 2019, tỉnh Vĩnh Long có 20 dân tộc cùng sinh sống. Ngoài người Kinh chiếm đa số, còn có 19 dân tộc thiểu số khác (chiếm 2,6% dân số toàn tỉnh). Trong đó, người Khmer chiếm 2,21% (22.630 người); người Hoa chiếm 0,35% (3.627 người); các dân tộc khác chiếm 0,03 % (339 người). Quán triệt quan điểm “giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã cụ thể hóa những nội dung, mục tiêu của Nghị quyết số 24-NQ/TW thành nhiều chương trình, kế hoạch hành động, đề ra những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả chính sách phát triển văn hóa dân tộc do Nghị quyết đề ra.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Vĩnh Long cho biết: ngành VHTTDL đã triển khai, tổ chức nhiều hoạt động, việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành hành Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các DTTS tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017- 2020; Đề án tổ chức định kỳ “Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các DTTS theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013- 2020”; Đề án thành lập Tổ ca múa nhạc thuộc Đoàn ca múa nhạc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và chủ trương tổ chức ngày hội Văn hóa, Thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long.

Tính đến nay, Sở VHTTDL đã phối hợp tổ chức 08 lần ngày hội Văn hóa, Thể thao đồng bào Khmer, thu hút hàng chục ngàn lượt diễn viên, nghệ nhân, nhạc công, huấn luyện viên, vận động viên người Khmer và Nhân dân tham gia. Các sở, ngành tỉnh cũng tổ chức 07 Liên hoan tiếng hát Thanh niên dân tộc Khmer- Hoa, có trên 500 lượt diễn viên quần chúng Khmer, Hoa trong tỉnh thi diễn. Chỉ đạo Bảo tàng tỉnh sưu tầm, kiểm kê, bảo quản gần 850 tư liệu, hiện vật, hình ảnh; xây dựng 01 hồ sơ sưu tập, 03 đề cương tư liệu về nét văn hóa truyền thống đồng bào Khmer- Hoa; triển lãm 15 cuộc với trên 3.000 lượt hình ảnh, chuyên đề: Tục ăn trầu đồng bào các dân tộc; Nông ngư cụ tỉnh Vĩnh Long; Đồng bào Khmer Vĩnh Long bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và chung sức xây dựng nông thôn mới...Tại Bảo tỉnh cũng có phòng trưng bày chuyên đề Văn hóa dân tộc của người Hoa và người  Khmer với gần 150 hình ảnh, hiện vật, tư liệu phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu về đời sống, văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc trong tỉnh.

Theo Báo cáo của Sở VHTTDL cho thấy, hiện tỉnh có 64 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, gồm 11 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 53 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong số này, đồng bào Khmer có 06 di tích cấp tỉnh; đồng bào Hoa có 02 di tích cấp tỉnh và 01 di tích cấp quốc gia. Ngành đã tu bổ 18 lượt di tích của đồng bào dân tộc với số tiền hơn 10 tỷ đồng; cấp 13 bộ dàn nhạc ngũ âm, trống sadăm, 13 bộ trang thiết bị tăng âm và 4 ghe ngo, 4 ghe tam bản cho các chùa Khmer trong tỉnh. Các thiết chế văn hóa, thể thao phuc vụ đồng bào DTTS từng bước được đầu tư, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc có địa điểm tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Lễ hội của đồng bào dân tộc diễn ra đều khắp các mùa trong năm. Tỉnh có khoảng 40 loại hình lễ hội, hằng năm tổ chức khoảng 1.300 lễ hội. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các lễ hội của đồng bào DTTS trong tỉnh tổ chức nghiêm túc, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, không xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, những hủ tục lạc hậu từng bước được loại bỏ. Đặc biệt, lễ hội lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn diễn ra vào ngày mùng 3 và mùng 4 tết Nguyên Đán hằng năm, có sự kết hợp trình diễn nghệ thuật nhạc ngũ âm, múa trống Sadăm của người Khmer với hát tùa lầu cấu, múa lân của người Hoa và nhạc lễ của người Kinh đã được Bộ VHTTDL quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia đầu năm 2020. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể mang tầm quốc đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long nói chung, của các đồng bào DTTS trong tỉnh nói riêng.

Ngoài đảm nhiệm vai trò tổ chức các lễ nghi tôn giáo, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, xã hội của cộng đồng, 13 chùa Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer Vĩnh Long còn là “trường” dạy chữ cho con, em đồng bào Khmer; lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thời gian qua, mỗi năm Thư viện tỉnh cấp trên 500 ấn phẩm sách, báo, tạp chí tiếng Khmer cho 04 huyện: Trà Ôn, Vũng Liêm, Tam Bình, thị xã Bình Minh và Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, phục vụ học tập, tra cứu, tìm hiểu văn hóa đồng bào Khmer. Sở còn tổ chức 15 lớp tập huấn bồi dưỡng nghệ thuật: múa trống Sadăm, nghệ thuật tuồng Dù kê Ba Sắc, ca múa nhạc tổng hợp dân tộc Khmer,… thu hút trên 500 lượt học viên là đồng bào DTTS tham gia, góp phần bảo tồn, phát triển các loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS.

Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành cũng gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, đó là: việc tổ chức sưu tầm, biên soạn, giới thiệu những giá trị văn hóa của đồng bào DTTS mặc dù được quan tâm, nhưng nguồn kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế, đã phần nào ảnh hưởng đến số lượng hiện vật, hình ảnh sưu tầm, hồ sơ chuyên đề về văn hóa truyền thống của các đồng bào DTTS được xây dựng. Cũng do hạn chế về kinh phí, nên vấn đề đầu tư, sửa chữa trang thiết bị cho đồng bào Khmer như dàn nhạc ngũ âm, ghe ngo chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đội ngũ làm công tác sưu tầm, kiểm kê ở một số địa phương còn thiếu, trình độ không đồng đều. Một số di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc đang bị mai một. Nhiều nghệ nhân tuổi cao, có nghệ nhân đã qua đời là sự thiệt thòi, mất mát lớn đối với việc trao truyền những tri thức, giá trị quý báu về di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ mai sau.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó giám đốc Sở VHTTDL thông tin, thời gian tới ngành VHTTDL tiếp tục thực hiện quyết liệt các mục tiêu của Nghị quyết số 24-NQ/TW trên lĩnh vực văn hóa, khắc phục những hạn chế tồn tại thời gian qua, đề ra các giải pháp hữu hiệu hơn để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu bảo tồn và phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn tỉnh. Triển khai, quán triệt đến đảng viên, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong tình hình mới. Tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền giáo dục, phổ biến quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc đến đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, văn nghệ trong đồng bào dân tộc. Tập trung nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp về văn hoá của các dân tộc trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất. Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào DTTS. Tiếp tục phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Phát huy thế mạnh của địa phương, quan tâm phát triển du lịch phù hợp với văn hoá, tập quán từng dân tộc; gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các DTTS trong tỉnh.

Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS phong phú đa dạng. Giữ gìn, khơi dậy những giá trị ấy, cũng là chung tay xây dựng và làm giàu thêm nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc của dân tộc.

Theo Sở VHTTDL Vĩnh Long

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×