Việt Nam là điểm nhấn du lịch thế giới 2018
22/10/2018 | 15:17Trong giai đoạn từ 2015- 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 1,63 lần (từ 8 triệu lượt năm 2015 tăng lên 13 triệu lượt năm 2017), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 28%/ năm.
Chất lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng tăng dựa vào các chỉ số chi tiêu bình quân 1 ngày khách quốc tế, tỉ lệ khách quay trở lại, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện đi lại bằng đường hàng không và đóng góp cho GDP.
Đứng thứ 3 thế giới
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tăng trưởng khách quốc tế
Theo báo cáo Điểm nhấn du lịch 2018 do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong top 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2017 so với năm 2016 và là một điểm nhấn của du lịch thế giới năm 2018. Dẫn đầu là Ai Cập với mức tăng trưởng 55,1%, tiếp đến là Togo tăng trưởng 46,7%. Danh sách này hình thành dựa trên con số thống kê lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới trong năm 2017. Báo cáo Điểm nhấn du lịch 2018 cũng cho thấy, trong tổng số 1,323 tỉ du khách quốc tế toàn cầu năm 2017, châu Âu vẫn là châu lục được du khách quốc tế lựa chọn nhiều nhất với 671 triệu lượt.
Theo thông tin từ UNWTO, Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), hiện nay Pháp đang dẫn đầu thế giới về lượng khách quốc tế đến với 86,9 triệu lượt, Thái Lan đứng đầu khu vực ASEAN với 35 triệu lượt, Việt Nam với 13 triệu lượt khách quốc tế xếp thứ 31/185 thế giới và xếp thứ 5/10 nước ASEAN. Cũng theo báo cáo của UNWTO, tổng chi tiêu du lịch từ khách quốc tế toàn thế giới năm 2017 là 1.340 tỉ USD. Trong đó, du khách Trung Quốc là những người chi tiêu cao nhất cho mỗi chuyến du lịch nước ngoài trong năm 2017, với khoảng 258 tỉ USD (chiếm gần 1/5 tổng số tiền khách du lịch quốc tế của toàn cầu chi tiêu). Mỹ đứng đầu thế giới về đóng góp của du lịch cho GDP với 509 tỉ USD, Thái Lan đứng đầu ASEAN với 42,2 tỉ USD, Việt Nam đứng thứ 33 thế giới và thứ 5 ASEAN với 13 tỉ USD. Với 2,5 triệu lao động trong ngành Du lịch, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới (đứng đầu là Trung Quốc với 28,5 triệu lao động) và đứng thứ 2 ASEAN (Indonesia đứng đầu với 4,5 triệu lao động).
Một trong những yếu tố thu hút khách quốc tế rất mạnh 3 năm gần đây là Việt Nam ngày càng nhiều các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng mang đậm bản sắc văn hóa, kiến trúc độc đáo và hài hòa với thiên nhiên. Bên cạnh đó, điểm đến Việt Nam cũng tạo sức hút với khách du lịch quốc tế vì là quốc gia ổn định về chính trị, kinh tế, người dân thân thiện, giàu bản sắc văn hóa.
Hà Nội và TP.HCM là 2 trong 4 điểm trung chuyển
Còn theo kết quả điều tra năm 2017 của TCDL, không chỉ tăng về số lượng, chất lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng ngày càng tăng. Theo đó, khách quốc tế đến Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều gia tăng mức chi tiêu bình quân một ngày. Thị trường lớn nhất của Việt Nam là Hàn Quốc tăng 28,5% (từ 133,4 USD/ngày lên 171,5 USD/ngày) và Trung Quốc tăng 9,6% (từ 118,6 USD/ngày lên 130,1 USD/ngày). Tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lần thứ 2 trở lên (tức là tỉ lệ khách quay lại) là 40,4%, tăng so với tỉ lệ 33% năm 2014.
Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch thời gian qua cũng tăng nhanh chóng. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch không ngừng được đầu tư, mở rộng. Năm 2011 cả nước có 13.000 cơ sở lưu trú với 265.000 buồng, đến năm 2017 con số này là 25.600 cơ sở với 508.000 buồng. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về số buồng giai đoạn 2011- 2017 đạt 11%, trong đó số buồng khách sạn 4 sao tăng 14%, 5 sao tăng 19%.
Điều kiện đi lại bằng đường hàng không cũng được cải thiện đáng kể. Hiện có 52 hãng hàng không quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam. Nhiều đường bay thẳng nối các điểm đến ở Việt Nam đến các quốc gia được mở rộng. Lượng khách quốc tế đến bằng đường hàng không (chủ yếu là khách có chi tiêu cao) năm 2017 chiếm tới 84,4% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Báo cáo chuyên đề ngành Hàng không Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) mang tên Xu hướng du lịch Mekong năm 2017 đã xếp Hà Nội, TP.HCM cùng Bangkok (Thái Lan) và Côn Minh (Trung Quốc) là những điểm trung chuyển lớn nhất trong khu vực GMS và kết nối với các điểm đến khác trong châu lục và thế giới. Sự gia tăng về chất lượng đã góp phần gia tăng tổng thu từ khách du lịch. Năm 2017, tổng thu du lịch đạt 541.000 tỉ đồng, trong đó tổng thu từ khách quốc tế (giá trị xuất khẩu từ du lịch) đạt 316.000 tỉ đồng, tăng 31,1% so với 2016 và tăng 60% so với năm 2015. Dự kiến tổng thu từ khách du lịch năm 2018 đạt 620.000 tỉ đồng.
Tỉ lệ đóng góp vào GDP cũng ngày càng lớn, khẳng định vai trò quan trọng của ngành Du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Năm 2015 du lịch đóng góp 6,3% GDP, năm 2016 đạt 6,9% GDP và năm 2017 đạt 7,9% GDP.
Theo baovanhoa.vn