Văn hoá giúp doanh nghiệp hình thành và phát huy những giá trị cốt lõi
03/12/2022 | 17:17Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hoá với Doanh nghiệp" năm 2022 diễn ra ngày 3/12 tại Hà Nội với chủ đề "Chấn hưng văn hoá- Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững".
Doanh nghiệp được xem như "trái tim của nền kinh tế"
Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" lần thứ hai năm 2022 được tổ chức nhằm triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp được xem như "trái tim của nền kinh tế", đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân càng cần được đề cao và coi trọng. Và trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người chính là "trái tim, khối óc" của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng.
Nhận thức một cách sâu sắc các quan điểm đường lối của Đảng, hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấy trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp. Bởi lẽ, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp.
Theo Người đứng đầu ngành VHTTDL, văn hóa doanh nghiệp được cụ thể hóa trong sứ mệnh, tầm nhìn, những giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Có thể nói, chính chiều sâu văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá, mà còn biết tuân thủ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ môi trường...
"Các giá trị văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định đúng triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, nâng tầm trong các hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, trong ứng xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, từ đó tạo dựng được sự tin cậy, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó chính là chìa khóa và sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững" - Bộ trưởng khẳng định.
Để thành công vượt trội cần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp đặc sắc và khác biệt
Tham luận tại Diễn đàn với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và khát vọng vươn tầm thế giới của doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khẳng định: "Doanh nhân Việt Nam cần có tư duy toàn cầu và mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Để thành công vượt trội, chúng ta cần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đặc sắc và khác biệt. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn tầm thế giới và có thể bứt phá. Trong hội nhập, chúng ta cũng cần nuôi khát vọng cống hiến cho việc bảo vệ và phát triển nền văn minh, sự thịnh vượng của toàn nhân loại…".
Trong thời kỳ hội nhập, ông Hải cho rằng khi doanh nhân Việt Nam phát triển kinh doanh ra thị trường toàn cầu luôn cần có những tiêu chí văn hóa kinh doanh phù hợp với giao thương quốc tế. Đó là những tiêu chí xem xét về đóng góp vào sự thịnh vượng chung của thế giới cũng như việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.
"Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xác định thật rõ sứ mệnh của doanh nghiệp Việt Nam ngoài đóng góp vào sự phát triển của quốc gia là đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới do Liên Hiệp Quốc khởi xướng, mà quan trọng nhất là gìn giữ hòa bình cho thế giới" - ông Hải nhấn mạnh
Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam, Văn hóa kinh doanh được coi là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu. Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa kinh doanh vững chắc.
Bà Thanh cho rằng, Văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội là nơi tạo ra nguồn vốn xã hội, là yếu tố giúp gia tăng nguồn lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh nguồn lực tài chính và nguồn lực con người. Để phát triển liên tục và bền vững, doanh nghiệp cần củng cố và xây dựng nền móng văn hóa kinh doanh vững và sáng. Văn hóa kinh doanh sẽ là một trong những yếu tố quan trọng dẫn dắt sự tồn tại và phát triển bền vững của từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, và tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt.
Khẳng định văn hóa kinh doanh là một thành tố quan trọng của năng lực cạnh tranh, là thứ duy nhất còn sót lại khi gặp khủng hoảng, theo bà Hà Thu Thanh, bất cứ doanh nghiệp làm kinh tế đều mong tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện thực hóa khát vọng làm giàu nhưng không được chà đạp lên mọi giá trị, vì hoạt động kinh doanh còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật và văn hóa.
Văn hóa giúp doanh nghiệp hình thành và phát huy những giá trị cốt lõi
Trong khuôn khổ diễn đàn này cũng đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề: "Vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam", các doanh nghiệp cũng đã trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, thiết thực trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, doanh nghiệp chuyên về mảng giao thông, đảm nhận trọng trách ở nhiều công trình lớn nhất đất nước, Đèo Cả luôn chọn những dự án khó với tâm thế giải cứu những dự án này. "Chúng tôi luôn mang theo hành trang của mình khát vọng vươn lên, đóng góp điều lớn lao cho doanh nghiệp và cho xã hội, khẳng định niềm tự hào, tự tôn của dân tộc. Để làm được điều đó, yếu tố văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng. Văn hóa doanh nghiệp cần được thổi vào từng cán bộ, nhân viên tạo thành sức phát triển cho Tập đoàn", ông Nam cho biết.
Quan tâm đến đội ngũ người lao động, ông Ngọ Trường Nam cũng chia sẻ, những công trình giao thông mang tính đặc thù cao, với những khó khăn tại hiện trường thì vấn đề chăm sóc đội ngũ được chú trọng. Đèo Cả là doanh nghiệp tiên phong thay đổi quan điểm từ "lán trại hiện trường" thành "nhà ở hiện trường".
Chia sẻ "bí quyết" của doanh nghiệp không giảm sút doanh thu trong bối cảnh đại dịch và suy thoái kinh tế, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ cho biết, trong chặng đường 35 năm hình thành và phát triển, giá trị lớn nhất của thương hiệu chính là văn hóa và con người PNJ. Đó là giá trị cốt lõi và ngày càng được vun đắp, làm giàu, tạo sức mạnh cho doanh nghiệp.
"Trải qua những bước đi từ những ngày đầu còn khó khăn, chúng tôi càng nhận thấy những giá trị của văn hóa doanh nghiệp luôn tạo nên sức mạnh. Văn hóa giúp doanh nghiệp hình thành và phát huy những giá trị cốt lõi đó là sự kiên định, quan tâm cùng phát triển và tính kỷ luật, giúp doanh nghiệp vững vàng vượt mọi thử thách", bà Cao Thị Ngọc Dung bày tỏ.
Ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, lãnh đạo Công ty không chỉ quan tâm đến mũi nhọn phát triển kinh tế mà đặc biệt xem văn hóa doanh nghiệp là nền tảng phát triển bền vững. Từ năm 2016, doanh nghiệp này đã triển khai bài bản xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó chú trọng phát triển văn hóa bản sắc của doanh nghiệp. Trong đó, "Khát vọng, Trí tuệ, Chuyên nghiệp, Nghĩa tình" là những giá trị cốt lõi.
Là doanh nghiệp luôn tiên phong để tạo ra những yếu tố riêng biệt, bà Trần Thị Quyên, Giám đốc Nhân sự TH Group cho biết, doanh nghiệp luôn cố gắng tạo nên những giá trị cốt lõi đẹp đẽ, từ đó có thể thấm vào người lao động. Việc thực thi để văn hóa doanh nghiệp ngấm vào mỗi người lao động, từ những khẩu hiệu, đến hệ thống và mô thức tư duy của doanh nghiệp, niềm tin và nề nếp làm việc của doanh nghiệp đều được chú trọng.
"Chúng tôi quan niệm, những giá trị mà doanh nghiệp muốn đưa đến khách hàng thì cũng cần đưa đến cho nhân viên của mình. Giá trị cốt lõi của chúng tôi là Vì hạnh phúc đích thực…", bà Quyên nói.
Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước có chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chú trọng, làm tốt hơn nữa việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
"Thông qua các chính sách cụ thể, qua những chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành để nâng cao hơn nữa niềm tin của doanh nhân, doanh nghiệp trong môi trường hoạt động kinh doanh trong nước để từ đó, các doanh nghiệp hội đủ nội lực, niềm tin vươn tầm ra thế giới…", ông Văn Tiến Thanh Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bày tỏ./.