Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Văn hóa độc đáo trên cao nguyên Đắk Lắk

22/12/2019 | 07:55

Văn hóa dân gian Đắk Lắk vô cùng sống động, phong phú, đa dạng của các dân tộc sống trên cao nguyên này, nét văn hóa đa dạng trong sự thống nhất, tạo thành một bức tranh văn hóa với những mảng màu khác nhau, kết hợp hài hòa để hình thành ba dòng văn hóa giàu bản sắc: Văn hóa bản địa các dân tộc bản địa Tây Nguyên - Trường Sơn; văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc; văn hóa dân tộc Kinh (người Việt), mang đủ sắc thái ba miền Bắc - Trung - Nam.

Văn hóa cộng đồng ở Đắk Lắk là sự hội tụ của văn hóa nhà dài (Ê Đê, M'nông) với văn hóa nhà rông (Jrai, Ba Na, Xê Đăng) cùng nền văn hóa nhà sàn của các dân tộc thiểu số phía Bắc và văn hóa đình làng của người Việt. Nơi đây vừa có luật tục buôn, vừa có hương ước làng, bản, thể hiện sự gắn bó cộng đồng trong việc xây dựng và phát triển đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, gìn giữ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Văn hóa độc đáo trên cao nguyên Đắk Lắk - Ảnh 1.

Lễ hội truyền thống của dân tộc Êđê tỉnh Đắk Lắk đều hướng đến mối dây cộng cảm, thắt chặt sức mạnh cộng đồng.

Đắk Lắk độc đáo bởi không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số, với sự hội nhập của dàn chiêng K'nah (Ê Đê), Goong la, Goong pế, Goong lú (M'nông), Arap (Xê Đăng, Jrai) và các dàn chiêng Vân Kiều, Mường, Thái... rộn rã trầm hùng, ngân vang, tạo thành một bản hợp xướng giàu âm điệu của núi rừng Tây Nguyên. Đặc biệt, ở Đắk Lắk, cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên đã được thiêng hóa. Nó là công cụ duy nhất để con người thông tin với các vị thần linh trong trời đất, là âm nhạc không thể thiếu được trong đời sống cộng đồng, trong sinh hoạt văn hóa, trong nghi lễ và lễ hội của các buôn làng.

Văn hóa độc đáo trên cao nguyên Đắk Lắk - Ảnh 2.

Lễ cúng sức khỏe cho voi tại huyện Buôn Đôn.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nền văn hóa cồng chiêng, năm 1993, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Đắk Lắk đã tổ chức tổng điều tra cồng chiêng trong toàn tỉnh, bước đầu thống kê được 5.397 bộ cồng chiêng; đến nay chỉ còn gần 4.000 bộ cồng chiêng khác nhau. Đồng thời, hằng năm Sở VHTT&DL tỉnh đã tổ chức ngày hội văn hóa cồng chiêng từ tỉnh đến cơ sở, qua đó nâng cao lòng tự hào dân tộc và động viên đồng bào tham gia gìn giữ nền văn hóa cồng chiêng độc đáo của dân tộc mình. Ngày 25-11-2005, tổ chức UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là "Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại", càng làm cho văn hóa cồng chiêng của Đắk Lắk, Tây Nguyên được tôn vinh và có giá trị trong cuộc sống cộng đồng.

Văn hóa độc đáo trên cao nguyên Đắk Lắk - Ảnh 3.

Biểu diễn cồng chiêng

Ngoài ra, còn có thể kể đến hàng trăm làn điệu dân ca (lời nói vần) và trên 100 loại nhạc cụ khác nhau. Mỗi loại nhạc cụ đều có những nét độc đáo, hấp dẫn riêng. Chính vì vậy mà âm nhạc của các dân tộc thiểu số Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, có khả năng phát triển thâm nhập đời sống văn hóa đương đại và rất dễ dàng lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân yêu thích nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Bên cạnh đó là những lời ca, điệu múa của các dân tộc cùng hương vị rượu cần ngọt ngào, nồng ấm và nghe các già làng kể sử thi (khan): Đam San, Xing Nhã, Dam Di, Khinh Dú, Đăm Tiông, Đăm Trao, Đăm Rao... của dân tộc Ê Đê và sử thi (Ót N'rông): Đẻ Tiăng, Bông - Rong và Tiăng, Ndu thăm Tiăng, Nước lụt, đánh cá hồ Lau Lách, Tiăng bán tượng rỗ... của dân tộc M'nông cùng các sử thi nổi tiếng của nhiều dân tộc khác đang sinh sống ở Đắk Lắk như sử thi Mo Mường, sử thi của người Thái...

Văn hóa độc đáo trên cao nguyên Đắk Lắk - Ảnh 4.

Múa xoang trong ngày hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn.

Ở đây, việc quản lý buôn làng theo chế độ mẫu hệ với luật tục cộng đồng khá nghiêm ngặt. Mỗi buôn đều do chủ đất, chủ bến nước cai quản. Các thành viên phải chấp hành theo những quy định của luật tục và sống hòa mình vào cuộc sống của cộng đồng buôn làng. Trong một xã hội như vậy, luôn gắn bó với thiên nhiên hùng vĩ, nên con người ở đây rất giàu trí tưởng tượng, giàu ước mơ, ý chí bất khuất, kiên cường, tâm hồn lạc quan và phóng khoáng./.

Vụ Văn hóa dân tộc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×