Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tuyên truyền rộng rãi về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để nâng cao nhận thức người dân

01/12/2023 | 11:30

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền luôn phải đi trước một bước. Cần phải tuyên truyền rộng rãi về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để nhân dân biết và thực hiện.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, qua đó hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 Chương và 56 Điều, tập trung vào 5 nhóm vấn đề mới. Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự. Bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật 2022 đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Tuyên truyền rộng rãi về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để nâng cao nhận thức người dân - Ảnh 1.

Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình cho người dân

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung "Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình", trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể, trong Luật có biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc, đơn giản hóa thủ tục.

Bên cạnh đó, quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng"; bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.

Cùng với đó, điểm mới của Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 là khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả. Cụ thể, quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, luật còn bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình như quy định về kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuyên truyền rộng rãi về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để nâng cao nhận thức người dân - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, để Luật đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền luôn phải đi trước một bước. Cần phải tuyên truyền rộng rãi về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để nhân dân biết và thực hiện.

"Với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ý thức, nhận thức của người dân là vô cùng quan trọng. Nhiều khi bạo lực gia đình xảy ra do những quan niệm hết sức lỗi thời, sai lầm về nguyên tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình (ví dụ cho rằng chồng có mọi quyền hành quyết định các việc gia đình, vợ phải nghe theo, không được tham gia bàn bạc; cha mẹ có quyền yêu cầu con cái thực hiện bất cứ điều gì; dạy con bằng roi vọt, bạo lực mới khiến con cái nên người...), nên việc tuyên truyền để thay đổi ý thức và nhận thức của người dân là vô cùng quan trọng", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Đồng quan điểm, Luật sư Lại Xuân Cường cho rằng, hiện các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã hoàn toàn thống nhất, tương thích trong hệ thống pháp luật hiện hành; tạo nên cơ chế đồng bộ, hữu hiệu trong phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trở thành cơ sở pháp lý quan trọng nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng, xã hội tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, Luật sư Lại Xuân Cường cho rằng cần đảm bảo công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật. Đồng thời phải nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

X.Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×