Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tuyên Quang: Chủ động đón làn sóng du lịch đầu năm

09/01/2023 | 08:48

Khi đời sống khá giả, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhu cầu hưởng thụ trong những ngày Tết cũng thay đổi, nhiều người chọn cách đi du lịch để trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc. Nắm được xu hướng này, các địa phương trong tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa, du lịch đa dạng, phong phú nhằm hút khách dịp đầu năm.

Tìm về các lễ hội truyền thống

Tuyên Quang là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi dân tộc có những lễ hội đặc sắc. Đầu năm cũng là dịp để các địa phương khơi dậy nét đẹp văn hóa từ những lễ hội.

Năm nay là năm đầu tiên, huyện Na Hang xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Hương sắc Na Hang quy mô cấp huyện. Nằm trong khuôn khổ của Lễ hội sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn khách du lịch như: công bố chỉ dẫn địa lý rượu ngô Na Hang, Festival chè shan tuyết Na Hang, khai trương du thuyền cao cấp và hoạt động cắm trại tại Phiêng Bung, một số đảo trên hồ của huyện Na Hang; tổ chức nghi lễ nhảy lửa dân tộc Dao đỏ, tổ chức cho du khách tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng của huyện.

Còn tại xã Hồng Thái cũng sẽ tổ chức cho du khách tham quan không gian ẩm thực, đi bộ, chụp ảnh (check-in) vườn hoa lê, tuyến đường hoa lê, hoa cải tại ruộng bậc thang, vườn chè cổ thụ, thăm cơ sở chế biến chè; cắm trại ngoài trời, trải nghiệm thêu, vẽ sáp ong của người Dao Tiền... Huyện cũng tổ chức giải chạy Marathon quốc tế và đón chào chuyến bay thủy phi cơ đầu tiên từ Hà Nội hạ cánh xuống bến thủy Na Hang…

Tuyên Quang: Chủ động đón làn sóng du lịch đầu năm - Ảnh 1.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào chuẩn bị điều kiện tốt nhất đón du khách dịp đầu năm mới 2023.

Đồng chí Đàng Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái (Na Hang) cho biết, hiện nay, xã đã hoàn thành việc trồng mới 430 cây hoa lê trên các tuyến đường có chiều dài 6 km để phục vụ cho Lễ hội Hương sắc Na Hang. Ngoài ra, xã còn vận động các hộ làm dịch vụ homestay trồng rau cải ở ruộng bậc thang thôn Nà Mụ, trồng hoa tam giác mạch xung quanh các hộ làm dịch vụ homestay… Xã cũng vận động các hộ dân tổ chức các hoạt động để khách du lịch trải nghiệm trong dịp lễ hội, như trải nghiệm viết câu đối chúc Tết của người Dao, gói bánh chưng gù, thêu…

Huyện Lâm Bình năm nay cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động lễ hội từ rất sớm nhằm thu hút khách du lịch. Do đó, Lâm Bình được xem là địa phương sẽ có nhiều hoạt động lễ hội quy mô, hoành tráng và nhộn nhịp trong dịp đầu năm 2023. Huyện sẽ tổ chức Lễ hội Lồng tông, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện. Đặc biệt, nhiều xã như Minh Quang, Phúc Sơn, Xuân Lập, Hồng Quang, Bình An cũng sẽ tổ chức Lễ hội Lồng tông xã Minh Quang, Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn xã Hồng Quang, Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Xuân Lập, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông xã Bình An, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao, thôn Biến, xã Phúc Sơn. Đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, để thu hút khách du lịch đầu năm, phòng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo tổ chức tốt và sôi nổi các hoạt động diễn ra trong Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo ấn tượng đẹp với du khách ngay từ đầu năm.

Còn tại Hàm Yên, các lễ hội truyền thống như Lễ hội Động Tiên và chợ quê Hàm Yên, Lễ hội truyền thống chợ Thụt cũng sẽ được tổ chức sau nhiều năm không tổ chức do dịch bệnh Covid-19. Tại thành phố Tuyên Quang cũng sẽ diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội chùa Hương Nghiêm, Lễ hội Đình Giếng Tanh, Lễ hội Đình Song Lĩnh, Hội đua thuyền trên sông Lô, Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La. Tại huyện Sơn Dương vào đầu năm mới vẫn sẽ duy trì Lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào gắn với tổ chức cho du khách tham quan Làng Văn hóa Tân Lập và các điểm di tích lịch sử.

Nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc

Không chỉ tổ chức các hoạt động lễ hội, tại các địa phương, kể cả ở cấp xã cũng đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vừa tạo sân chơi cho người dân địa phương vừa tạo điểm nhấn ấn tượng với khách tham quan. Chị Trần Thị Khuyến, Mỹ Đình (TP Hà Nội) cho biết, mỗi dịp đầu năm, chị và gia đình thường về quê hương Tuyên Quang đi trảy hội đầu năm và tham gia trải nghiệm các lễ hội, trò chơi dân gian tại các huyện Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình.

Tuyên Quang: Chủ động đón làn sóng du lịch đầu năm - Ảnh 2.

Bơi mảng trên hồ Nà Nưa được nhiều du khách chọn trải nghiệm đầu xuân.

Năm nay, ngoài tổ chức Lễ hội Động Tiên và chợ quê Hàm Yên, Lễ hội truyền thống chợ Thụt, tại hầu hết các xã của huyện đều tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc. Đồng chí Bùi Văn Quyết, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hàm Yên cho biết, phòng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo xã hội hóa các hoạt động văn hóa, du lịch đầu năm. Nhiều nơi đã xây dựng kế hoạch tổ chức các trò chơi dân gian rất sớm.

Năm nay hứa hẹn sẽ có nhiều trò chơi dân gian truyền thống độc đáo được khơi dậy ở khắp các xã. Điển hình như tại xã vùng cao Yên Thuận sẽ tổ chức các trò chơi như: tung còn, đánh quay, kéo co, chọi dê; xã Minh Hương tổ chức chọi gà, đánh Pam, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập Niêu, đi trên cầu thăng bằng, đánh cù quay dân tộc Mông.

Tại thôn Biến, xã Phúc Sơn - một trong những điểm du lịch trọng điểm của Lâm Bình cũng sẽ diễn ra nhiều trò chơi dân gian phục vụ du khách trải nghiệm, tham gia, tạo không khí sôi nổi. Đến đây, du khách sẽ được tham gia thi thổi tù và, bắn nỏ, đánh pam, đánh yến, nhảy dây, thi trèo cây chuối. Cùng với các hoạt động văn hóa khác của dân tộc Dao nơi đây, hứa hẹn thôn Biến của Phúc Sơn sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách.

Việc chủ động tổ chức lễ hội quy mô và các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc dịp đầu năm sẽ góp phần kích cầu du lịch, thu hút khách du lịch trảy hội xứ Tuyên.

Theo Báo Tuyên Quang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×