Tuyên Quang: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế
16/09/2022 | 17:01Đây là một trong những nội dung nằm trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Việc triển khai Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang; làm cho văn hóa thực sự trở thành mục tiêu, động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Đồng thời, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong tỉnh, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, góp phần làm giảm chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, các dân tộc trong tỉnh; gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Mục tiêu chung được đặt ra là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng bảo tồn các di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một; phát huy vai trò các chủ thể trong bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc. Tăng cường sự đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển văn hóa, trong đó chú trọng công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong tỉnh gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đáp ứng yêu cầu để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí và tổ chức các cuộc hội, họp, sinh hoạt câu lạc bộ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham gia sinh hoạt.
Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, trong đó trên 70% đạt chuẩn theo quy định, 95% thôn, bản có nhà văn hóa, trong đó trên 80% đạt chuẩn theo quy định. Phấn đấu 80% số thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành lập câu lạc bộ bảo tồn tiếng nói, trang phục dân tộc và câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc mình; 10% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được kiểm kê, đánh giá toàn diện. Khảo sát, lựa chọn ít nhất 07 thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để đầu tư bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Xây dựng ít nhất 02 chương trình nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn phát triển văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số. Xây dựng ít nhất 03 mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, mô hình di sản kết nối với các hành trình du lịch. Trên 80% thôn, tổ dân phố giữ vững danh hiệu văn hóa, tiêu biểu; trên 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; trên 90% số hộ gia đình giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc. Tiếp tục phát huy hiệu quả việc thực hiện quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố; các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Đến năm 2030, phấn đấu có trên 80% nhà văn hóa xã đạt chuẩn theo quy định; 100% thôn, bản có nhà văn hóa, trong đó trên 85% đạt chuẩn theo quy định. 90% số thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thành lập câu lạc bộ bảo tồn tiếng nói, trang phục dân tộc và câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc mình. Duy trì thực hiện và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trong Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thực hiện quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố.
Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh sẽ duy trì thực hiện và nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hóa xã, thôn, bản; câu lạc bộ bảo tồn tiếng nói, trang phục dân tộc và câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số; Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thực hiện quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố./.