Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

31/05/2019 | 09:26

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam, trước khi đi xa đã để lại cho dân tộc ta, đất nước ta một di sản vô cùng quý giá - đó là bản Di chúc chứa đựng tư tưởng, đạo đức cao cả và tình yêu bao la đối với con người.

Tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh    - Ảnh 1.

Đó là những lời căn dặn cuối cùng thắm đượm tình nhân ái, lòng yêu thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ và nhân dân. Chuẩn bị cho sự ra đi của mình, Bác đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để suy nghĩ những việc cần dặn lại với toàn Đảng, toàn dân và bạn bè quốc tế. Kỷ niệm 50 năm ngày Bác đi xa, đọc lại Di chúc của Người, càng đọc càng suy ngẫm, chúng ta càng thấy Di chúc của Bác như vẫn đang động viên, nhắc nhở chúng ta phải làm tốt hơn những việc của mình để không ngừng hoàn thiện bản thân, để xứng đáng với tình thương yêu Bác để lại cho chúng ta.

Chủ nghĩa nhân văn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là ngọn nguồn, cơ sở, nền tảng quy định toàn bộ mục đích sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Bởi lẽ cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh không nhằm gì hết ngoài mục đích "hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân", suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng con người. Ngay trước lúc đi xa từ biệt thế giới này, Người cũng không có gì phải hối hận, "chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Cả cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh "chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Sâu thẳm trong mong muốn tột bậc đó của Hồ Chí Minh chính là tấm lòng yêu thương con người hết mực, trước hết là tình yêu thương nhân dân lao động và khát vọng cháy bỏng giải phóng họ khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công.

Trong Di chúc của Bác, điều làm nên giá trị tinh thần lớn lao và mang ý nghĩa sâu sắc là quan điểm vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh mà Bác dày công vun đắp. Sức sống lớn lao của Di chúc, ánh sáng kỳ diệu toả ra trong toàn bộ Di chúc đó là những tư tưởng nhân văn cách mạng ngời sáng và đầy giá trị nhân bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự gắn bó của Chủ tịch Hồ Chí Minh với con người, tấm lòng nhân ái bao la của Bác với con người bắt nguồn từ một lòng tin mãnh liệt vào chính bản thân con người, vào cái thiện của con người, vào sức sống của dân tộc.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định toàn bộ những việc lớn của xã hội, của cách mạng đều gắn với con người, cho nên Người viết rằng: "Đầu tiên là công việc đối với con người". Đây là sự tổng kết quan trọng về chủ nghĩa nhân văn mà Hồ Chí Minh đã đúc kết trong quá trình hoạt động cách mạng của mình. Trong những năm tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công việc đối với con người là mục tiêu quan trọng, lớn lao và cao cả của cả đời mình. Vấn đề con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc đó là tình thương yêu đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội

Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác đã căn dặn chúng ta phải sống có tình có nghĩa "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Bác muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng: tình thương yêu lẫn nhau là bao trùm lên mối quan hệ giữa người với người. Bác là tiêu biểu cho tình thương bao la, lòng nhân ái cao cả. Khi đi xa, Bác "để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng". Cả cuộc đời Bác đã dành cho dân tộc Việt Nam . Mong muốn lớn nhất của Bác là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, đồng bào ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Trong Di chúc, lòng yêu thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ và bạn bè quốc tế là chủ nghĩa nhân văn cách mạng ngời sáng lý tưởng cộng sản. Tính nhân văn cao cả được thể hiện trong Di chúc còn là lòng tin tưởng tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sức mạnh của nhân dân cả ở miền xuôi và miền núi. Người tin tưởng nhân dân sẽ là một lực lượng khổng lồ, sức mạnh chiến đấu vô địch và nhất định sẽ chiến thắng mọi cái xấu, cái ác trong xã hội để xây dựng những cái mới, văn minh, văn hoá nhất. Đặc biệt, Bác nói nhiều đến vấn đề chăm lo lợi ích của con người: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Trong cuộc sống đời thường, Bác luôn che chở, nâng đỡ mọi người, lo lắng đến quyền lợi của dân tộc, đến lợi ích hàng ngày của nhân dân, đặc biệt là nhân dân lao động, là phải tìm cách giúp đỡ mọi người. Như vậy, thực chất vấn đề mà Hồ Chí Minh nêu ra trong Di chúc và đòi hỏi Đảng phải có kế hoạch thật tốt chính là kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội một cách toàn diện, nhằm thoả mãn ngày càng cao hơn những nhu cầu, lợi ích chính đáng của mỗi con người và điều đó cũng phù hợp với mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Bác Hồ là hình ảnh của người Cha, người Bác, người Anh, là hình ảnh của dân tộc, gắn sâu vào trái tim của mỗi người Việt Nam chúng ta. Từ một thanh niên yêu nước, yêu những người cùng khổ, Bác đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Bác đã gặp chủ nghĩa Mác Lênin và áp dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam . Ở Bác tình yêu nhân dân là vĩnh cửu, mọi suy nghĩ, việc làm của Bác đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Bác nói: "Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân, yêu nhân loại bị đau khổ và áp bức".

Cũng xuất phát từ lòng nhân ái, vì cuộc sống tự do và hạnh phúc của con người, lòng nhân ái của Bác Hồ đã đặt đúng vào những người cùng khổ nhất trong xã hội tức là những người công nhân và nông dân. Lòng nhân ái đó không phải là lòng thương hại của những người đứng trên nhìn xuống, lòng yêu nước, yêu dân chung chung. Lòng nhân ái của Bác là một niềm cảm thông sâu sắc. Lòng yêu thương con người, yêu thương đồng bào của Bác trên cơ sở chủ nghĩa Mác Lênin và lập trường của giai cấp công nhân đã trở thành sức mạnh kêu gọi đoàn kết đấu tranh. Bác viết trong Di chúc: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn". Với lòng nhân ái cao cả, mang một nội dung mới sâu sắc của lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, Bác đã dìu dắt dân tộc Việt Nam đoàn kết nhất trí xung quanh Bác dưới lá cờ của Đảng Lao động Việt Nam trăm trận trăm thắng. Được như thế cũng là vì lòng Hồ Chủ tịch rộng như biển cả, bao dung, cảm hoá tất cả mọi người.

Đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả. Bác dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà phải lạc bầy. Bác tin rằng người Việt Nam nào cũng yêu nước, muốn đất nước thống nhất, độc lập, ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa. Bác viết: ''Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện". Vì tính nhân văn, nhân ái cao cả đó, Bác đã giáo dục, cảm hoá được mọi người, đoàn kết toàn thể dân tộc. Hồ Chủ tịch tiêu biểu cho sự đoàn kết ấy.

Trong Di chúc, Bác còn dặn tỉ mỉ những việc cần làm đối với những người đã hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…). Đảng, Chính phủ, đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ thì phải xây dựng tượng đài, vườn hoa để ghi nhớ công ơn và đời đời giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ thì phải quan tâm, giúp đỡ không để họ bị đói rét. Thực hiện Di chúc của Bác, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" để phần nào làm vơi đi nỗi đau buồn đó, nhiều căn nhà tình nghĩa được dựng lên, việc nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đó là những nghĩa cử cao đẹp của nhân dân ta với người có công với cách mạng.

Tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sự quan tâm đến việc bồi dưỡng đạo đức và tài năng của các thế hệ thanh niên, lớp người kế tục sự  nghiệp cách mạng, làm cho họ trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bác yêu cầu chúng ta sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc biệt là chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Trong Di chúc Bác viết: "Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc".

Với phụ nữ Việt Nam , Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề giúp đỡ chị em tham gia công tác xã hội để tiến tới một sự bình đẳng thật sự cho phụ nữ. Điều mong muốn của Bác đến nay đã trở thành sự thật khi hàng ngàn phụ nữ đã đạt trình độ học vấn cao và một số đã được giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước.

Với đối tượng là nông dân chiếm đa phần dân số nước ta, Hồ Chí Minh đã khen ngợi sự đóng góp của họ cho thắng lợi của nước nhà và đề xuất "miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp". Mặc dù mong muốn của Bác chưa thực hiện được ngay tại thời điểm đó nhưng nó thể hiện tấm lòng của Bác với bà con nông dân, những người vất vả một nắng hai sương và thể hiện đạo lý của dân tộc "thương người như thể thương thân". Đó là đạo lý, là lẽ sống của dân tộc ta được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bác Hồ đã đúc kết lại truyền thống đó của dân tộc là : "Nhân dân ta từ lâu sống với nhau có tình có nghĩa. Từ khi có Đảng lãnh đạo, giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà".

Tư tưởng nhân văn của Bác không chỉ bó hẹp trong tình yêu thương đồng bào, đồng chí, nhân dân trong nước. Tư tưởng nhân văn của Bác còn mở rộng ra cả loài người trên khắp năm châu bốn biển. Ngay từ khi còn trẻ tuổi ở Pháp, Bác đã lên tiếng phản đối những bất công trong xã hội tư bản và trong Di chúc, Bác tỏ rõ sự đau xót về mối bất hoà giữa các đảng anh em. Bác cũng tin tưởng rằng, các đảng anh em và các nước anh em nhất định phải đoàn kết lại.

Khi nói về việc riêng, Di chúc của Bác vẫn là sự quan tâm, lo lắng đến đồng bào. Bác lo tốn thời gian, tiền bạc, ruộng đất của nhân dân. Bác yêu cầu thi hài được đốt đi "vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất". Bác còn dặn lại: "Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam ". Lo đồng bào đi thăm viếng mình không có chỗ nghỉ ngơi, Bác đề nghị xây một cái nhà đơn giản, rộng rãi, xung quanh trồng cây có bóng mát sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Bác không hề nghĩ đến cái riêng, ở Bác tình thương yêu nhân dân sâu sắc bao nhiêu thì Bác càng quan tâm đến lợi ích của nhân dân bấy nhiêu.

Thực hiện mong muốn cuối cùng của Bác là: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, mỗi người Việt Nam lại càng tưởng nhớ Bác với lòng biết ơn, niềm tự hào và tình thương yêu vô hạn. Chúng ta càng thấy rõ Bác vẫn luôn luôn ở bên cạnh, dẫn dắt chúng ta giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bước vào cuộc chiến đấu mới đang tiếp diễn, đó là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, hạnh phúc và giàu mạnh, đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam anh hùng.

Trong những ngày này, đọc lại bản Di chúc lịch sử của Bác, chúng ta càng thấy thấm thuần hơn nữa tư tưởng và tình cảm của Bác. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, những tình cảm và niềm tin Bác dành cho chúng ta. Di chúc Bác Hồ - ngoài những giá trị lịch sử, chính trị, thực sự là một Di chúc thấm đượm tình thương yêu vô hạn đối với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế mà Hồ Chí Minh là người đại diện tiêu biểu nhất. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng mừng, đời sống của nhân dân đã được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Ánh sáng của tư tưởng nhân văn cao cả trong Di chúc luôn soi sáng con đường đi đến dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của nhân dân ta. Chúng ta nguyện suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Người.   

Vũ Thu Hằng

.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×