Từ quy định về phân loại thư viện đến quy định về mạng lưới thư viện trong Dự thảo Luật Thư viện
27/10/2019 | 09:06Sau 18 năm thi hành Pháp lệnh Thư viện, mạng lưới thư viện Việt Nam đã hình thành, phát triển rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở, bao gồm cả thư viện do Nhà nước và thư viện do tư nhân thành lập.
Mạng lưới thư viện Việt Nam với 3 hệ thống chính sau: Thứ nhất, hệ thống thư viện công cộng, gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện cấp tỉnh, huyện, xã. Đây là hệ thống thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp thuộc mọi ngành, lĩnh vực, phục vụ các tầng lớp nhân dân, giữ vai trò chủ đạo trong phối hợp hoạt động, trao đổi tài liệu với các thư viện khác, do Nhà nước thành lập, bảo đảm điều kiện hoạt động, mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm chính.
Thứ hai, hệ thống thư viện chuyên ngành và đa ngành bao gồm thư viện của các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể xã hội. Đây là hệ thống thư viện có tài nguyên thông tin đặc thù, đối tượng phục vụ xác định và chủ yếu do các cơ quan, tổ chức chủ quản chịu trách nhiệm về tổ chức, nhân sự và tài chính.
Thứ ba, hệ thống thư viện tư nhân gồm thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và thư viện của tổ chức nước ngoài có phục vụ người Việt Nam. Đây là hệ thống thư viện do tổ chức, cá nhân thành lập tự bảo đảm điều kiện hoạt động, được hưởng một số chính sách khuyến khích của Nhà nước.
Thực tiễn đã có sự thay đổi dẫn đến việc cần phải có cách tiệp cận mới trong phân định loại hình thư viện. Trong dự thảo Luật Thư viện Chính phủ trình Quốc hội, thư viện đã được phân theo ba tiêu chí: hình thức sở hữu; chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động để có chính sách phát triển, phương thức quản lý phù hợp. Từ đó sẽ có các quy định thẩm quyền, quy trình, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đình chỉ, chấm dứt hoạt động đối với từng loại. Cách phân loại này đã được thể hiện cụ thể trong Dự thảo Luật Thư viện như sau: Thứ nhất, theo hình thức sở hữu, thư viện được phân thành 2 loại: Thư viện công lập và thư viện ngoài công lập. Thứ hai, theo chức năng và nhiệm vụ, thư viện được phân thành 5 loại: thư viện quốc gia, thư viện công cộng, thư viện đại học, thư viện thuộc cơ sở giáo dục khác và thư viện chuyên ngành. Thứ ba, theo phương thức hoạt động, thư viện được phân thành 2 loại: Thư viện truyền thống, thư viện số và thư viện tích hợp.
Việc phân theo hình thức sở hữu làm rõ việc bổ sung các loại thư viện ngoài công lập thể hiện chính sách thực hiện đa dạng hóa các loại hình thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển mạng lưới tại cơ sở, giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước, thu hút các thành phần tham gia phát triển thư viện (điểm b khoản 1) làm cơ sở xây dựng chính sách của nhà nước và xác định trình tự thủ tục thành lập thư viện. Việc phân loại thư viện theo phương thức hoạt động góp phần xác định mô hình thư viện số, thư viện tích hợp trong kỷ nguyên số.
Sau khi trình Quốc hội, có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ mạng lưới thư viện Việt Nam, đặc biệt là mạng lưới thư viện công lập, mối quan hệ giữa các loại thư viện để có chính sách phát triển thư viện phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện. Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật phân loại thư viện theo 3 tiêu chí: sở hữu; chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động còn trùng lặp, chưa làm rõ hệ thống thư viện, cân nhắc sự cần thiết có quy định này.
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, đồng thời để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm kinh phí trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, các thư viện cần có sự liên kết với nhau trong bổ sung, chia sẻ, phát huy giá trị tài nguyên thông tin; cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, phục vụ nhu cầu học tập của nhân dân, phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập ở nước ta. Do vậy, Luật cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các thư viện; chính sách phát triển sự nghiệp thư viện; quy định việc thành lập thư viện; trách nhiệm của Nhà nước; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Từ những lý do trên, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và bộ phận thường trực của Ban soạn thảo Luật Thư viện đã nghiên cứu, kế thừa Pháp lệnh Thư viện, tham khảo kinh nghiệm của một số nước, thiết kế Mục 1 Chương II dự thảo Luật, trong đó, chỉnh lý điều về phân loại thư viện thành điều mới (Điều 8) quy định về các loại thư viện. Các điều còn lại (từ Điều 9 đến Điều 16) quy định về các thư viện cụ thể, trong đó quy định khái niệm từng loại thư viện, chuyển nội dung quyền và nghĩa vụ của từng thư viện thành chức năng, nhiệm vụ để phản ánh đúng nội hàm của quy định này.
Cùng với những điều chỉnh đã nêu trên, để thống nhất mô hình hoạt động và quản lý của thư viện hiện nay, khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về mô hình hoạt động của các loại thư viện, gồm: đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản (đối với thư viện công lập) và doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác (đối với thư viện ngoài công lập).Nội dung của Điểu 8. Các loại thư viện được quy định như sau:
1. Thư viện gồm các loại sau đây:
a) Thư viện Quốc gia Việt Nam;
b) Thư viện công cộng;
c) Thư viện chuyên ngành;
d) Thư viện lực lượng vũ trang;
đ) Thư viện đại học;
e) Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác;
g) Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng;
h) Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.
2. Thư viện được tổ chức theo các mô hình sau đây:
a) Thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản;
b) Thư viện ngoài công lập do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác.