Từ không gian tĩnh đến điểm hẹn văn hóa
28/03/2025 | 11:18Nhắc đến bảo tàng, người ta thường nghĩ đến những không gian tĩnh lặng với các hiện vật bất động. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi. Ngày nay, bảo tàng không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ cổ vật mà còn trở thành trung tâm văn hóa năng động, điểm hẹn của nghệ thuật và cộng đồng, thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ.
Đổi mới trải nghiệm, kết nối cộng đồng
Thay vì chỉ tập trung vào việc bảo tồn và trưng bày hiện vật, nhiều bảo tàng đã chủ động tổ chức các chương trình nghệ thuật phong phú để tương tác với công chúng. Như việc hợp tác với các đơn vị tổ chức sự kiện đã mở ra hướng đi mới cho Bảo tàng Hà Nội nhằm biến không gian bảo tàng thành điểm hẹn nghệ thuật thường xuyên, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, “True Love Seasons” với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Linh, Trọng Tấn… là chương trình đầu tiên bảo tàng hợp tác với các bên để triển khai, tiến tới sẽ triển khai thường xuyên để tạo thành thương hiệu nghệ thuật. Những hoạt động này tạo thêm không gian văn hóa nghệ thuật theo tinh thần sáng tạo cho bảo tàng.

Chương trình hòa nhạc ngoài trời với chủ đề “Giai điệu mùa Hạ” tại khu vực sân vườn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: BTCC
Cũng đi theo hướng đổi mới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức các buổi hòa nhạc kết hợp mỹ thuật, biến không gian trưng bày thành nơi giao thoa giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác. Bảo tàng đã phối hợp dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và các nghệ sĩ âm nhạc hàn lâm thực hiện chương trình “Khi âm nhạc hòa quyện với mỹ thuật” với các buổi hòa nhạc ngoài trời miễn phí vào chiều chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, thu hút ngày càng đông khán giả. Đặc biệt, chương trình “Giai điệu bốn mùa” mỗi quý đã trở thành sự kiện âm nhạc độc đáo của Thủ đô.
Từ các hoạt động sáng tạo này, số lượng khách đến bảo tàng đã tăng nhanh, đặc biệt là nhóm khách trẻ tuổi, góp phần tạo nên không gian nghệ thuật sôi động và gần gũi hơn với công chúng. Trên thế giới, rất nhiều bảo tàng đã thành công trong việc mở cửa đón công chúng bằng các chương trình nghệ thuật, trở thành điểm đến văn hóa qua các buổi hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang ngay trong các không gian trưng bày của bảo tàng.
Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn biến bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày tĩnh lặng mà còn là không gian giao lưu văn hóa, nơi công chúng có thể trải nghiệm nghệ thuật theo cách gần gũi và sinh động nhất".
Không chỉ dừng lại ở việc trình diễn nghệ thuật đương đại, các bảo tàng còn chú trọng kết nối di sản với cộng đồng thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, tái hiện lễ hội truyền thống giúp khách tham quan hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong khi đó, Bảo tàng Áo dài (TP Hồ Chí Minh) gây ấn tượng khi giới thiệu và biểu diễn các loại hình dân ca như quan họ, ví giặm, đờn ca tài tử – những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các hoạt động đa dạng này không chỉ giúp bảo tàng thu hút du khách mà còn khẳng định vai trò của bảo tàng như một trung tâm văn hóa kết nối cộng đồng, nơi truyền cảm hứng sáng tạo và bảo tồn giá trị di sản.
Ứng dụng công nghệ, thay đổi diện mạo
Sự phát triển của công nghệ số đã tạo điều kiện cho các bảo tàng đổi mới cách tiếp cận công chúng. Nhờ ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và kỹ thuật trình chiếu 3D, bảo tàng không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày hiện vật mà đã trở thành không gian trải nghiệm sống động, hấp dẫn.
Thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã triển khai nhiều dự án ứng dụng công nghệ giúp khách tham quan có thể tương tác với tác phẩm nghệ thuật, khám phá câu chuyện đằng sau hiện vật thông qua các ứng dụng thông minh. Theo thống kê, sau khi ứng dụng công nghệ mới, lượng khách tham quan trực tuyến của bảo tàng đã tăng hơn 50% so với trước đây.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc số hóa dữ liệu hiện vật. Đến nay, bảo tàng đã số hóa hơn 30.000 tài liệu, hiện vật quan trọng, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận thông tin qua nền tảng trực tuyến. Ngoài ra, các chương trình triển lãm ảo cũng được tổ chức nhằm mang lại trải nghiệm thực tế cho du khách mà không cần đến tận nơi.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhận định: "Ứng dụng công nghệ không chỉ giúp bảo tàng mở rộng khả năng tiếp cận công chúng mà còn tạo ra trải nghiệm sinh động, thúc đẩy sự tương tác và khám phá một cách sáng tạo hơn. Đây là xu hướng tất yếu để bảo tàng thu hút khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ".
Bên cạnh đó, các bảo tàng còn tích cực tổ chức các chương trình giao lưu, workshop nghệ thuật, mang lại không gian sáng tạo và khơi gợi cảm hứng cho công chúng. Chẳng hạn, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi trình diễn áo dài, workshop vẽ tranh, giúp du khách không chỉ chiêm ngưỡng mà còn trực tiếp trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa Việt Nam một cách sống động.
Sự chuyển mình của các bảo tàng Việt Nam từ không gian tĩnh lặng sang trung tâm văn hóa năng động không chỉ giúp thu hút du khách mà còn tăng cường kết nối cộng đồng, phát huy giá trị di sản văn hóa. Theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, bảo tàng không chỉ trong bốn bức tường mà phải “nối dài cánh tay” đến cộng đồng thông qua các hoạt động nghệ thuật sáng tạo, ứng dụng công nghệ và đổi mới cách tiếp cận.
Ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, các bảo tàng cần tiếp tục đầu tư vào chất lượng nội dung, đảm bảo tính giáo dục và giá trị văn hóa cao, góp phần đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.