Tự hào về Ðảng, tự hào về sự phát triển của đất nước
31/01/2020 | 16:01Những ngày đầu năm 2020, không chỉ đồng bào trong nước chào đón dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), mà nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng bày tỏ sự tin tưởng, niềm tự hào về chính đảng đã tổ chức, lãnh đạo dân tộc nỗ lực giành lại độc lập, chống ngoại xâm, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Ðó cũng là nội dung bài viết của ông Hồ Ngọc Thắng từ CHLB Ðức mới gửi tới Báo Nhân Dân. Ðặc biệt trong bài, ông đã trích dịch một số đánh giá của báo chí phương Tây về vai trò của Ðảng Cộng sản với cách mạng Việt Nam. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tôi xin được mở đầu bài viết này bằng việc trích dịch từ bài báo nhan đề "Con hổ xã hội chủ nghĩa" (Der sozialistische Tiger), đăng trên tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) ở Berlin (Béc-lin - CHLB Ðức) ngày 8-2-2018. Tác giả bài báo là nhà báo người Ðức nổi tiếng H.Kapfenberger (H.Khắp-phen-béc-cơ), và cũng là người viết cuốn Biên niên sử Hồ Chí Minh, và mới đây là cuốn Ðường Hồ Chí Minh. Bài báo có đoạn: "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2018, trong đó nổi lên hai nhiệm vụ lớn nhất là vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam cùng các cơ quan của nhà nước, và đòi hỏi những nỗ lực to lớn để phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội... Ðại hội Ðảng lần thứ VI vào năm 1986 đã bật đèn xanh cho đường lối chủ đạo, nói theo ngôn ngữ của quốc gia này là "Ðổi mới". Ðổi mới, trước hết có nghĩa là đổi mới tư duy, là chuyển đổi nền kinh tế quốc gia vốn bị trói buộc vào cơ cấu của nền kinh tế kế hoạch hóa và quản lý nhà nước tập trung theo mô hình của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, và cơ chế thị trường có kiểm soát từ nay được xây dựng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ðổi mới cũng có nghĩa là đoạn tuyệt với chế độ kinh tế chỉ huy của nhà nước vốn liên kết chặt chẽ với các quốc gia thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế, và mở cửa với thị trường quốc tế… Liên kết tất cả các yếu tố này đã và vẫn đang là nhiệm vụ khổng lồ trong việc thực thi một cuộc cách mạng trong nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, cách suy nghĩ và hành xử mới, khắc phục những vấn đề vốn là di sản của thời kỳ khó khăn trước đây, sáng tạo tìm ra các ứng biến cần thiết, thích hợp cho cuộc sống. Và từ một đất nước bị cô lập bởi phương Tây, bị cấm vận trong nhiều năm, ngày nay nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang duy trì quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia, 15 quốc gia được xác định là đối tác song phương với quan hệ toàn diện hoặc chiến lược, trong đó có CHLB Ðức. Nhờ Ðổi mới, Việt Nam đã có chỗ đứng trong nhiều tổ chức và cơ quan chính trị, kinh tế toàn cầu và khu vực. Từ năm 1995, Việt Nam là thành viên Hiệp hội các nước Ðông-Nam Á (ASEAN); năm 1996, Việt Nam là một trong 26 thành viên sáng lập Hội nghị Á - Âu (ASEM), năm 2004 Việt Nam là quốc gia chủ nhà tổ chức gặp mặt của tổ chức này. Một trong các thành công lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là tháng 11-2017 đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hằng năm của APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) và người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ từ 21 quốc gia thành viên, mà tiêu biểu như Tổng thống Nga V.Putin (V.Pu-tin), Tổng thống Mỹ D.Trump (Ð.Trăm), Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản và Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình… đã đến Ðà Nẵng dự hội nghị. Từ vai trò này, Việt Nam trở thành đại diện của APEC tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 (nhóm các nền kinh tế lớn) tổ chức tại TP Hamburg (Hăm-bua, Ðức). Nhìn vào các số liệu tăng trưởng về kinh tế có thể thấy vị thế nổi bật của Việt Nam trong số các quốc gia đang phát triển ở ngoài châu Âu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ mức tương đương 104,7 tỷ USD trong năm 2010 lên mức 219,4 tỷ USD trong năm 2016, so với năm 1989 đã tăng gấp 31 lần. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP với mức trung bình hằng năm là 6,6%, năm 2017 là 6,81%... Mặc dù dân số tăng nhanh từ khoảng 50 triệu vào năm 1980 lên 92 triệu người như hiện tại (năm 2018), thì mức sống của dân số vẫn được cải thiện đáng kể. Kể từ những năm 90 của thế kỷ 20, khoảng 30 triệu người đã thoát nghèo; tỷ lệ nghèo giảm từ gần 60% xuống dưới 3%; khoảng 94% cư dân thuộc 54 dân tộc khác nhau đã biết chữ; tất cả trẻ em được bảo đảm học ít nhất là đến lớp bốn… Việt Nam báo cáo rằng họ đã đáp ứng một số Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc, thậm chí vượt xa trong các tiêu chí về giảm nghèo, giáo dục, và bình đẳng giới... Tính đến tháng 3-2017, quốc gia này đã có hơn 23.000 dự án FDI từ 116 nước và vùng lãnh thổ với tổng số vốn khoảng 300 tỷ USD... Rõ ràng ngay từ đầu ban lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam - chính đảng có tư cách khởi xướng và động lực của đường lối Ðổi mới, trên con đường dẫn đến một nước Việt Nam công nghiệp tiên tiến thông qua sự chuyển đổi căn bản của nền kinh tế, có trách nhiệm chính và đóng vai trò mẫu mực. Trong các Ðại hội Ðảng đã được tổ chức, sự tăng cường không ngừng của ban lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của toàn Ðảng luôn là chủ đề chính. Ðại hội Ðảng lần thứ XII tổ chức vào tháng 1-2016 đã coi xây dựng Ðảng là một thách thức lâu dài. Báo cáo chính trị của Ðại hội XII nhấn mạnh sự cần thiết phải có một tổ chức Ðảng mạnh mẽ, minh bạch trong các vấn đề đạo đức, đồng thời kiên quyết tiến hành cuộc đấu tranh chống lại tình trạng vô kỷ luật và vô trách nhiệm, các hành vi sai trái về ý thức hệ, sự bất tài, tham ô, lãng phí, vô đạo đức, làm giàu bất minh và lối sống tha hóa của một số người trong đội ngũ đảng viên. Thực tế cho thấy đến nay, các quy định này đã được áp dụng với mọi đảng viên, không có ngoại lệ, hay như diễn đạt của các văn bản mà Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành là "không có vùng cấm". Vì thế việc một số phương tiện truyền thông coi đó là "đấu tranh tranh giành quyền lực nội bộ" và "thanh trừng vì ý thức hệ" đều chỉ là bịa đặt, xuyên tạc, không liên quan đến thực tế và không khách quan".
Bài báo trên được công bố tại Ðức tháng 2-2018. Tới tháng 12-2019, các số liệu liên quan đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn rất nhiều; hoặc nói cách khác thì từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu mới hơn, lớn hơn và rộng hơn, qua đó có thể thấy vai trò lãnh đạo quan trọng, đường lối cách mạng đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với sự phát triển ấy như thế nào. Ðiều đó làm cho một người Việt sinh sống ở nước ngoài như tôi thấy rất tự hào. Tương tự như cách đây ba năm, đọc bài báo "Ðại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam: Ðảm bảo vai trò lãnh đạo" đăng ngày 29-1-2016 trên tờ Thời đại của chúng ta (Unsere Zeit - UZ, tuần báo của Ðảng Cộng sản Ðức - DKP), tôi đã rất tự hào về chính đảng đang lãnh đạo công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương của tôi. Như bài báo viết: "Cách đây gần 30 năm, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra đường lối Ðổi mới, và từ đó đã đưa đất nước hướng đến nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Cũng từ đó, nhiều chính trị gia và nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã thường xuyên kêu gọi Ðảng Cộng sản Việt Nam phải "từ bỏ sự độc quyền lãnh đạo". Song không như ý muốn của họ, Việt Nam vẫn nhất quán với đường lối phát triển của mình. Như từ ngày 21 đến 28-1-2016, Ðại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII đã tiến hành tại Hà Nội, tại đó Ðảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện khả năng của chính mình, là đại diện của mọi tầng lớp nhân dân, và tiếp tục củng cố vai trò lãnh đạo của Ðảng. Ngày nay, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã có hơn 4,6 triệu đảng viên - trong tổng số 93,5 triệu người Việt Nam. Con số này cho thấy trong khi các đảng cộng sản cầm quyền trước đây ở Ðông Âu tan rã, thì kể từ năm 1990, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã tăng gấp đôi số đảng viên. Trọng tâm Ðại hội XII của Ðảng Cộng sản Việt Nam là đánh giá kết quả 30 năm Ðổi mới. Trong quá trình này, quốc gia nông nghiệp trước đây nay đã phát triển với tốc độ tăng trưởng từ 6% đến 8%. Như đánh giá của Blomberg News (hãng thông tấn quốc tế có trụ sở ở Mỹ) thì kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh trên thế giới, đầu tư công chiếm tỷ lệ trung bình 25% tổng sản phẩm quốc nội hằng năm. Ðây là những con số nói lên thái độ làm việc chăm chỉ của mọi người, trí thông minh của họ, cam kết của họ đối với đất nước của mình, và đó cũng là các nội dung đã được đề cập nhiều lần trong cuộc thảo luận tại Ðại hội Ðảng… Trong khi có hàng triệu người trong thế giới thứ ba sống trong nghèo đói và vì thế mà nhiều người đã vĩnh viễn ra đi, thì người Việt Nam tuy còn có cuộc sống khiêm tốn nhưng tốt hơn nhiều, việc cung cấp thực phẩm cơ bản và nhà ở được đảm bảo. Tất cả các khả năng của giáo dục đều mở cửa cho giới trẻ. Chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh, đã tăng từ hai đến gần tám triệu dân, có hơn 50 trường đại học và cao đẳng. Ðể đảm bảo sự phát triển này, kế hoạch 5 năm được Ðại hội XII thông qua có chứa các chỉ số cao trên các lĩnh vực".
Đó là đánh giá trong bối cảnh và với các thành tựu ở thời điểm hiện tại. Theo tôi, để thấy được vai trò cực kỳ to lớn của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc, còn cần phải nhìn xa hơn về quá khứ, vì phải từ đó mới thấy hết, mới khẳng định được rằng sự ra đời của Ðảng là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Mà nổi lên là sự lựa chọn của Ðảng khi xác định quan điểm về sự thống nhất biện chứng giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, và sự lựa chọn, quan điểm đó thực sự là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Ðể rồi 15 năm sau ngày thành lập, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đưa tới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau đó là 30 năm đấu tranh gian khổ để giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và ngày 30-4-1975 đất nước thống nhất, toàn dân được sống trong hòa bình, vượt qua khó khăn để tiến hành sự nghiệp đổi mới với các thành tựu không thể phủ nhận, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Từ một nước bị bao vây về kinh tế và bị cấm vận, ngày nay Việt Nam có mối giao thương với hầu hết các quốc gia trong đó có các quốc gia dẫn đầu kinh tế thế giới. Từ một nước nhập khẩu một lượng lớn lương thực trong thời gian dài, hiện nay Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo thuộc hàng lớn nhất thế giới. Từ năm này sang năm khác, đời sống tinh thần, vật chất của mọi người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Quyền tự do dân chủ, đặc biệt, quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo được bảo đảm cả về phương diện văn bản pháp luật và thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Các thành quả của tiến trình cách mạng này lý giải tại sao uy tín của Ðảng và Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ tỏa sáng như ngày nay. Thực tế này khiến tôi nhớ tới những dòng đã đọc trong cuốn sách "Lịch sử Việt Nam - từ Vua Hùng đến hiện tại" (Geschichte Vietnams - Von den Hung-Königen bis zur Gegenwart,
NXB Regiospectra Verlag, Berlin - CHLB Ðức, năm 2018) của GS, TS W.Lulei (W. Lu-lây): "Những thành công to lớn hiện nay của Việt Nam trong sự phát triển của nền kinh tế, trong việc tăng mức sống của người dân và tăng cường uy tín quốc tế chỉ có thể hiểu được đôi chút nếu không có kiến thức về quá khứ cũng như những vấn đề và khó khăn hiện có. Các kinh nghiệm lịch sử với chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, tự do và dân chủ khác biệt một phần rõ ràng so với thực tế ở châu Âu. Ðiều này liên quan đến cả tình hình trong nước lẫn quan hệ quốc tế. Và đã có các thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Chúng ta ngạc nhiên khi thấy có một số điểm tương đồng đáng ngạc nhiên giữa Ðức và Việt Nam trong một số điều, nhưng chúng ta cũng phải xác định rằng các tiến trình lịch sử rất khác nhau và các đặc điểm văn hóa khác nhau không cho phép chuyển giao kinh nghiệm, mô hình châu Âu mà không hề thay đổi đất nước châu Á này... Trong một số điều nhất định, người Việt Nam thực sự nghĩ khác, bởi họ có truyền thống lịch sử, kinh tế - xã hội, kinh nghiệm và văn hóa khác. Biết, và hiểu những điều này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Ðức và Việt Nam, giữa nhân dân Ðức và nhân dân Việt Nam. Trong hơn 50 năm tôi làm việc với tư cách nhà khoa học tại Việt Nam, tôi đã trải qua chiến tranh và trong cuộc đấu tranh vượt qua thiếu thốn, lạc hậu để xây dựng một đất nước thống nhất, hòa bình và thịnh vượng, học hỏi để hiểu biết và yêu thương người dân của đất nước này... Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ 21, có thể nói Việt Nam đã đạt các thành tựu rất ấn tượng do sự phát triển tương đối liên tục và tình hình chính trị rất ổn định... Ðất nước được quốc tế công nhận và ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng xu hướng tiến về phía trước không thể không quan sát được. Ðã có một số điều chỉnh để Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm tiếp tục chính sách Ðổi mới, không tập trung đẩy nhanh quá trình mà là sự liên tục và tính bền vững... Ðó chính là sự tự tin, lạc quan, ý thức nghiêm túc về thực tế, ý chí vươn lên, sự kiên trì và khéo léo của người Việt Nam cho thấy đất nước này sẽ bước tiếp thành công trên con đường đã mở ra từ năm 1986. Người ta thường nghe câu nói: "Ở Việt Nam không có gì là không có thể". Tôi hiểu điều đó một cách tích cực".
Trong sự phát triển của Việt Nam những năm qua, có một thực tế đáng mừng là ngày càng có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã trở về với quê hương, đặc biệt là một số người công khai lên tiếng ủng hộ chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Bằng các hình thức khác nhau, họ đã nói một cách chân thật về niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Họ không chỉ công bố bài viết, ý kiến qua mạng in-tơ-nét mà còn gửi bài đăng trên phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam. Các bài viết của Nguyễn Quang Trường, Hoàng Duy Hùng, Phùng Tuệ Châu, Nguyễn Thanh Tú đăng trên chuyên mục Bình luận - Phê phán của Báo Nhân Dân thời gian qua là các bằng chứng rõ ràng về một thực tế không thể chối cãi rằng cộng đồng người Việt ở nước ngoài thật sự là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Và nếu thành tâm yêu nước, mỗi người đều có nghĩa vụ và có quyền đóng góp phần mình trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Thực tế này vừa phản ánh lòng yêu nước, tấm tình gắn bó với quê hương của người Việt Nam sống xa Tổ quốc, vừa là kết quả từ quan điểm đúng đắn, nhân văn, chí tình, chí nghĩa của Ðảng Cộng sản Việt Nam thể hiện qua Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với mục đích củng cố sự vững chắc, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng bộ giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng có ý thức xây dựng đất nước; cơ sở của khối đoàn kết đó là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, hướng đến mục tiêu chung là giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có một điều thú vị là khi viết những dòng này, tôi lại thêm phấn khởi khi được nghe ý kiến chân tình của GS, TS Y khoa Trần Hữu Dàng công tác và sinh sống ở Huế đã phát biểu ngày 8-1-2020 trên trang mạng Nửa vòng trái đất TV của Derek Phạm, một người Mỹ gốc Việt. GS, TS Trần Hữu Dàng nói: "Gần đây tình hình đất nước thay đổi đến mức chính bản thân tôi là người trong nước mà cũng không tiếp cận kịp. Rất nhiều người ở Việt Nam cũng bị bất ngờ về sự phát triển của đất nước mình. Tôi có một số người bạn ở Pháp, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, vì lý do khách quan, chủ quan khác nhau mà lúc đầu đã ngập ngừng không muốn về, nhưng về rồi thì "ghiền". Vì về đây thấy an toàn, vui vẻ, điều kiện kinh tế, y tế, xã hội thoải mái, tự do. Người Việt Nam, đặc biệt là người miền trung, vì không được thiên nhiên ưu đãi mà ngày trước ai cũng biết câu "tích cốc, phòng cơ", giờ chuyện đó không còn nữa. Trước đây đời sống đúng là rất khó khăn, nhưng từ năm 1986 đến nay tình hình dần dần rất khác. So sánh tôi thấy, cuộc sống ở Việt Nam không khác bao nhiêu các nước tôi đã sống. Cuộc sống kinh tế giờ khỏi phải lo, còn tự do thì hãy ra đường xem có công an hay không. Một người bạn ở Pháp, thấy tôi rủ về nước liền bảo: "Về để gọi công an bắt à?". Tôi không thể giải thích được mà chỉ cười. Nhưng thực tế thì rất an ninh, người Huế chúng tôi tự hào vì không ô nhiễm môi trường, không kẹt xe…". Và ông tâm sự với đồng bào đang sống xa xứ rằng "Dù ở lãnh thổ nào, biên giới nào, chân trời nào thì chúng ta vẫn cùng chung dòng máu, cùng màu da vàng, và thiêng liêng hơn tất cả, chúng ta đều là con Rồng cháu Tiên, nên hãy về với "Mẹ Việt Nam" để cùng nhau hướng đến tương lai, để cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam rạng rỡ. Hãy nắm tay nhau vì tương lai phát triển của đất nước".
Lời nói của GS, TS Trần Hữu Dàng làm tôi phấn khởi, khiến tôi bùi ngùi. Bởi tôi biết tình yêu quê hương, tình yêu đối với Ðảng Cộng sản Việt Nam, lòng yêu kính Bác Hồ đã hình thành trong tôi từ ngày học trường phổ thông, lớn dần trong tôi theo thời gian, rồi đọng lại trong tâm hồn. Và tình yêu đó theo tôi gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng tôi ra chiến trường chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ở Quảng Trị những ngày khốc liệt đó, tôi đã bao lần chứng kiến đồng đội của tôi ngã xuống trước họng súng quân thù. Tôi biết trong số họ, nhiều người là đảng viên cộng sản và luôn đứng trên hàng đầu, luôn sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất. Về sau, có điều kiện tiếp xúc và qua sách vở mà tầm nhìn của tôi được mở rộng, đến hôm nay tôi hiểu rằng, không chỉ đồng đội của tôi là đảng viên đã ngã xuống trên chiến trường năm nào, mà 90 năm qua, hàng triệu người con ưu tú của nước Việt, trong đó có hàng vạn, hàng vạn người là đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu gian khổ vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, và ngã xuống trong thời bình khi khắc phục hậu quả chiến tranh, trên công trình xây dựng, mở các con đường vượt núi xuyên rừng, cứu giúp đồng bào gặp thiên tai, bảo vệ biên giới và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước…
Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, từ tấm lòng mình, qua bài viết này tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng với Ðảng cùng hàng triệu đảng viên của Ðảng, và tự thấy, dù sống xa Tổ quốc tôi vẫn có trách nhiệm đối với đất nước sinh ra tôi. Tôi nhận thức được quá trình xây dựng và phát triển đất nước đã nảy sinh một số bất cập, thiếu sót và các thế lực thù địch, thiếu thiện chí đã khai thác triệt để nhằm gây hoài nghi về đường lối đúng đắn của Ðảng; thậm chí, thái độ nghiêm khắc của Ðảng và Nhà nước trong khi đấu tranh chống hiện tượng tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng bị xuyên tạc, vu khống. Nhưng tôi tin, nếu các năm tháng trước đây, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước và nhân dân vượt qua những tình huống "ngàn cân treo sợi tóc", vượt qua những năm tháng "nước sôi lửa bỏng" để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thì ngày nay, Ðảng vẫn luôn là tổ chức chính trị duy nhất có bản lĩnh, trí tuệ, khả năng lãnh đạo toàn dân xây dựng nước Việt Nam có thể sánh vai với các nước phát triển trên thế giới. Về phần mình, dù không phải là đảng viên, tôi vẫn coi việc tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh chống lại luận điệu sai trái của các thế lực thù địch là nhiệm vụ của bản thân tôi, để từ đó được đồng hành cùng Ðảng, cùng dân tộc, và cống hiến nhiều hơn với Tổ quốc thân yêu.
HỒ NGỌC THẮNG (CHLB ĐỨC) - Theo Báo Nhân Dân