Từ Công ước của UNESCO đến Luật Di sản văn hóa
02/04/2024 | 16:55Nhờ tham gia các Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học quý giá. Những kinh nghiệm này cần được nội luật hóa trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Kinh nghiệm mang tính nền tảng
Việc tham gia Công ước của UNESCO không chỉ giúp Việt Nam nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với sự phát triển của đất nước mà còn góp phần vào việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan. Nhấn mạnh như vậy, TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, soi chiếu từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể.
Hai năm cuối thế kỷ XX, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bắt tay xây dựng dự thảo Luật Di sản văn hóa, song vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng về di sản văn hóa phi vật thể và cách phân loại, chủ yếu sử dụng các thuật ngữ như “di sản tinh thần”, “di sản phi vật chất”. Tháng 6.2001, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên Việt Nam có khái niệm pháp lý về di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, khái niệm này không nói gì về chủ thể di sản. Họ là ai, di sản đó có đang thực hành không, không gian của nó như thế nào, tại sao nó là di sản, nó đã được kế thừa, có ý nghĩa như thế nào đối với chủ thể?… Một số loại hình cũng được nêu ra, song có loại hình không hẳn là di sản văn hóa phi vật thể như tiếng nói, chữ viết, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
Năm 2005, khi đặt bút phê chuẩn Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cũng là lúc Việt Nam đã chính thức công nhận văn kiện này là công cụ pháp lý quốc tế sẽ thực thi. Năm 2009, nhận thấy rõ tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể với sự phát triển của đất nước, chúng ta đã sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật, khắc phục được một số hạn chế của khái niệm đưa ra năm 2001 và khá tương thích với Công ước 2003.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được nghiên cứu để có thêm chính sách mới hướng tới đối tượng chủ thể đa dạng và trẻ tuổi hơn cũng như xem xét vấn đề hủy bỏ danh hiệu nghệ nhân cũng như việc một di sản đã được ghi danh mà không còn đủ điều kiện bảo vệ…
"Có thể nói, qua 20 năm, từ những bước đi đầu tiên trong việc xác định và phân loại di sản văn hóa phi vật thể, đến việc sửa đổi luật pháp để phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế, Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định cam kết của mình trong việc bảo vệ và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc”, TS. Lê Thị Minh Lý nhận định.
Nội luật hóa để bảo vệ di sản tốt hơn
Hiện tại, Việt Nam tham gia đầy đủ và tích cực vào các Công ước của UNESCO như Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Công ước 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa… Dưới Công ước là một hệ thống văn bản hướng dẫn thực hành cùng với nhiều tài liệu tham khảo về bảo vệ di sản văn hóa của các quốc gia thành viên.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa Nguyễn Đức Tăng nhận định, các Công ước của UNESCO là thành tựu quan trọng của thế giới, định nghĩa, khái niệm trong Công ước là công sức của hàng trăm chuyên gia quốc tế trong nhiều năm. Vì vậy, việc tích cực hoạt động trong khuôn khổ các Công ước này đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, cũng như đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các quy định pháp luật, quản lý, bảo vệ di sản văn hóa tiệm cận với các Công ước và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Theo đó, nhiều vấn đề lý thuyết và thực tiễn cần được cập nhật và bổ sung vào hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh quá trình áp dụng vào cuộc sống. Chưa kể, cần nhận thức rằng, xây dựng luật và các văn bản dưới luật về di sản văn hóa được triển khai liên tục, luôn cập nhật sẽ giúp các địa phương nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với phát triển, từ đó chủ động xây dựng các chính sách bảo vệ di sản.
“Rất nhiều nội dung trong các Công ước của UNESCO, từ định nghĩa, phân loại di sản đều dựa trên tích hợp những vấn đề mang tính nguyên tắc, quan điểm, phương diện trong các giá trị phổ quát, cần được kế thừa tối đa, phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Việc thống nhất định nghĩa, phân loại theo các Công ước của UNESCO càng quan trọng hơn khi điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu, cách tiếp cận, quy trình bảo vệ di sản…”, ông Nguyễn Đức Tăng nói.
Tuy nhiên, một số điểm như các tiêu chí về di sản tư liệu đã được nêu rõ trong khuyến nghị của UNESCO về bảo vệ di sản tư liệu, thì vẫn chưa được đề cập cụ thể trong các văn bản pháp lý tại Việt Nam. Đối với di sản văn hóa thuộc Chương trình Ký ức thế giới chưa được quy định trong Luật Di sản văn hóa hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, chưa làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với loại hình di sản văn hóa này. Hay các khái niệm di sản tự nhiên, cảnh quan văn hóa cũng vậy...
Theo các chuyên gia, những nội dung này cần được bổ sung, cập nhật trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với những quy định phù hợp. Bởi lẽ, khi Việt Nam là thành viên tích cực của UNESCO nhưng nhiều quy định trong Luật Di sản văn hóa không đầy đủ, tương thích với các Công ước thì sẽ gây ra khúc mắc trong quá trình thực hiện, thậm chí đánh mất di sản trong bối cảnh đời sống xã hội ngày càng biến đổi mạnh mẽ.